Thursday, January 23, 2025
Trang chủQuân sựTrực thăng là khí tài tự chế cuối cùng khiến TQ gặp...

Trực thăng là khí tài tự chế cuối cùng khiến TQ gặp khó

Máy bay trực thăng có thể là vấn đề cuối cùng mà Trung Quốc còn gặp khó khăn trong việc tự thiết kế và sản xuất khí tài cho mình.

Trực thăng Mi-171 của Nga.


Theo SCMP, đến cuối năm ngoái, các phiên bản mới của máy bay và tàu chiến sử dụng động cơ Trung Quốc đã được sản xuất, mà không cần phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn chưa có mẫu trực thăng phục vụ chiến đấu nào được Bắc Kinh giới thiệu.

“Trực thăng có lẽ là thử thách cuối cùng và khó khăn nhất. Sản xuất trực thăng cực kỳ phức tạp, Trung Quốc gặp vấn đề trong mảng này từ lâu. Đó là lý do tại sao họ vẫn tiếp tục sản xuất trực thăng của Pháp theo giấy phép và nhập khẩu trực thăng của Nga”, Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho hay.

“Tuy nhiên, Trung Quốc đã chứng minh rằng họ có thể sản xuất động cơ, cánh quạt và hệ thống truyền động. Nước này hiện vẫn nhập khẩu trực thăng của Nga, nhưng với số lượng rất hạn chế. Trong khi đó, các thiết kế mới của Trung Quốc đang ra đời và có thể sẽ thống lĩnh thị trường trong những năm tới”, ông Wezeman nhận định.

Theo SIPRI, Nga vẫn là nhà cung cấp nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, khi chiếm 77% lượng thiết bị vũ khí nhập khẩu của đất nước tỷ dân này trong giai đoạn năm 2019 – 2023, bao gồm cả động cơ máy bay và hệ thống trực thăng. Pháp đứng thứ hai với 13%.

Mặc dù đang xung đột với Nga, nhưng Ukraine vẫn là nguồn nhập khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc với 8,2%. Kiev chuyên cung cấp các tua bin khí cho tàu khu trục và động cơ cho máy bay huấn luyện/chiến đấu hạng nhẹ L-15 của Bắc Kinh.

SIPRI không đề cập đến việc nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga và Ukraine thay đổi thế nào sau xung đột giữa hai nước nổ ra vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, các báo cáo trước đó của viện nghiên cứu cho biết Ukraine chiếm 5,9% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc trong giai đoạn 2017 – 2021.

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình chuyển giao vũ khí SIPRI, cho biết Nga không thể thay Ukraine cung cấp một số thiết bị vũ khí cho Trung Quốc.

“Nga không sản xuất các loại tua-bin khí hoặc động cơ phản lực, bản thân Nga thực sự cũng phụ thuộc vào Ukraine về những động cơ tương tự cho tàu và máy bay huấn luyện/chiến đấu của họ”, Wezeman cho hay.

Wezeman cho biết Trung Quốc đã nội địa hóa một số hệ thống trong vài năm qua, chẳng hạn như động cơ cho máy bay chiến đấu và vận tải mà họ nhập khẩu từ Nga, hay động cơ hàng hải từ Ukraine, Pháp và Đức.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi chính trị giữa Bắc Kinh và Kiev.

Wezeman nói: “Theo những thông tin chúng tôi quan sát được, bất kỳ thay đổi nào trong quan hệ vũ khí của Trung Quốc với Ukraine đều liên quan đến việc Bắc Kinh ngày càng tăng cường khả năng thiết kế và sản xuất vũ khí của riêng mình – như một phần của chính sách lâu dài”.

“Cuộc xung đột với Nga từ năm 2022 có thể khiến các công ty Ukraine gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xuất khẩu thiết bị vũ khí cho Trung Quốc, nhưng điều này có thể tạo thêm động lực cho những nỗ lực tự chế của Bắc Kinh”, Ông nói thêm. “Chúng tôi chưa thấy rạn nứt chính trị giữa Ukraine và Trung Quốc ảnh hưởng đến quan hệ vũ khí”.

Theo SIPRI, Trung Quốc đã giảm gần một nửa lượng nhập khẩu vũ khí trong 5 năm qua để chuyển sang sử dụng vũ khí nội địa.

Cụ thể, nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc từ năm 2019 – 2023 đã giảm 44% so với giai đoạn 5 năm trước đó, đưa nước này xuống vị trí thứ 10 trong danh sách những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Báo cáo cho biết sự sụt giảm nhanh chóng lượng nhập khẩu vũ khí tổng thể của Trung Quốc là do “khả năng tự thiết kế và sản xuất vũ khí hạng nặng trong nước” ngày càng tăng của Bắc Kinh và có thể sẽ “giảm hơn nữa khi họ đẩy mạnh phát triển năng lực này”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới