Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMong muốn của Giáo hoàng Francis và cuộc chiến ở Ukraina từ...

Mong muốn của Giáo hoàng Francis và cuộc chiến ở Ukraina từ những cuộc chiến đã qua

Đầu tháng 2 vừa qua Giáo hoàng Francis nói trong cuộc phỏng vấn của đài TRS (Thụy Sĩ) là “Tôi tin người mạnh nhất là người thấy được tình hình, suy nghĩ về dân chúng, giương cờ trắng và đàm phán”.

Giáo hoàng Francis chủ trì thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 9/3.

Khi nội dung trên được công bố đã có sự phản ứng khác nhau về câu nói của Giáo hoàng, người phát ngôn Vatican Matteo Bruni giải thích rằng Giáo hoàng đã mượn cụm từ “cờ trắng” của nhà báo “để chỉ việc chấm dứt chiến sự và đạt được lệnh ngừng bắn bằng dũng khí đàm phán”.

Theo cách hiểu thông thường “giương cờ trắng và đàm phán” chứ không phải là đầu hàng với mong muốn chấm dứt chiến tranh bằng đàm phán hòa bình. Vì thực tế sức mạnh quân sự của Nga ngày càng chiếm ưu thế trên chiến trường, quân Ukraina đang chịu nhiều thất bại, đất nước đang bị tàn phá, nếu không chấm dứt chiến tranh thì chiến tranh sẽ còn kéo dài và người chịu đau khổ nhất là dân chúng.

Giáo hoàng – người hướng dẫn tinh thần của 1,2 tỷ giáo dân chỉ mong muốn cho giáo dân trên toàn thế giới được sống trong hòa bình. Đấy là trách nhiệm đúng đắn của Giáo hoàng, của Vatican.

Mọi cuộc chiến tranh đều phải được kết thúc bằng các cách khác nhau. Thứ nhất là đàm phán hòa bình, hai bên chấp nhận sự nhân nhượng và bảo toàn được nhiều thứ. Thứ hai là chấp nhận đầu hàng của bên yếu thế, cứu vãn được sự đổ máu của quân đội và người dân. Thứ ba là chịu sự thất bại (thua trận) và bên thất bại mất tất cả, còn bên thắng trận cũng chịu nhiều tổn thất.

Chiến tranh thế giới thứ hai phát xít Đức bị thất bại và mất tất cả. Phát xít Nhật chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Người Nhật chấp nhận sự giám sát và bảo hộ của Mỹ. Người Nhật dần xây dựng quan hệ thân thiện, trở thành đồng minh của Mỹ để khôi phục, xây dựng đất nước. Và vì đổ nát từ chiến tranh người Nhật đã xây dựng đưa nước Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chiến tranh Triều Tiên (1950), thực chất là cuộc chiến giữa một bên là Nam Triều Tiên và Mỹ, một bên là Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Cuối cùng các bên phải chấp nhận đàm phán, ký hiệp định đình chiến chấm dứt chiến tranh. Nhưng đó chưa phải là hiệp định hòa bình cho nên cho đến nay cả hai bên (Triều Tiên và Hàn Quốc) luôn trong tình trạng chiến tranh lại có thể bùng nổ.

Chiến tranh ở Việt Nam (1946-1954), người Pháp sau 9 năm đã buộc phải ký hiệp định đình chiến, chấp nhận rút quân về nước. Việt Nam chấp nhận đất nước tạm thời chia làm hai miền.

Người Mỹ thay chân Pháp thực hiện cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo dài 20 năm. Các loại vũ khí hiện đại nhất được đưa vào cuộc chiến. Lúc cao điểm nhất Mỹ đã phải đưa tới nửa triệu quân vào tham chiến cùng hàng chục vạn quân của các nước đồng minh. Gần 6 vạn lính Mỹ đã tử trận, nhiều tỷ USD đã ném vào chiến tranh. Người dân Mỹ không chịu nổi tổn thất về người và của cải dấy lên phong trào đòi Mỹ chấm dứt dính líu vào cuộc chiến này. Nước Mỹ, cường quốc số 1 thế giới cả về kinh tế lẫn quân sự cuối cùng cũng phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Cuộc chiến ở Ukraina hiện nay cũng nên đi đến hồi kết thúc bằng đàm phán lập lại hòa bình. Nếu cứ kéo dài thì nguy cơ chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra và lúc đó sẽ là sự hủy diệt, không có bên thắng, tất cả đều thua. Điều này không chỉ có Nga, Ukraina mà phải là sự góp sức của nhiều nước.

H.L

RELATED ARTICLES

Tin mới