Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLuật Tổ chức mới của TQ có gì đặc biệt

Luật Tổ chức mới của TQ có gì đặc biệt

Luật Tổ chức của Quốc vụ viện Trung Quốc, đã có hiệu lực 42 năm, lần đầu tiên được sửa đổi.

Kỳ họp thứ 2 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân Đại) khóa 14 đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức mới sửa đổi của Quốc vụ viện nước này.

Tân Hoa Xã đưa tin, chiều ngày 11/3, kỳ họp thứ 2 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội) khóa 14 đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức mới sửa đổi của Quốc vụ viện (chính phủ) nước này.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Luật Tổ chức của Quốc vụ viện Trung Quốc bao gồm các điều khoản cụ thể nói rằng Quốc vụ viện sẽ tuân thủ chặt chẽ hệ tư tưởng, sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), xác định rõ hơn vai trò của Quốc vụ viện là cơ quan thực thi chính sách trung thành của đảng cầm quyền.

SCMP nhận định, dự luật được đưa ra vào thời điểm Thủ tướng Lý Cường – nhậm chức tại kỳ họp Nhân Đại toàn quốc vào tháng 3 năm ngoái – dường như đang thu hẹp vai trò của cơ quan này trong hoạt động ngoại giao và diễn thuyết công khai khi ĐCSTQ tập trung củng cố sự đoàn kết xung quanh lãnh đạo hạt nhân của đảng – Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Lý Cường – quan chức đứng thứ hai trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc – cũng sẽ không gặp gỡ các phóng viên vào cuối kỳ họp Nhân Đại năm nay, sau khi cuộc họp báo thường niên của thủ tướng được thông báo hủy bỏ, chấm dứt truyền thống có từ ít nhất ba thập kỷ qua.

Theo SCMP, sửa đổi mới nhất sẽ là thay đổi đầu tiên đối với luật của Quốc vụ viện Trung Quốc kể từ năm 1982 – khi nó chính thức được ban hành và thông qua.

Củng cố quyền hoạch định chính sách và ra quyết định của ĐCSTQ
Lý Hồng Trung – Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân Đại Trung Quốc – cho biết, việc sửa đổi này là một phần trong cuộc cải tổ đảng – chính phủ của Trung Quốc bắt đầu vào năm ngoái, nhằm tìm cách củng cố hơn nữa quyền hoạch định chính sách và ra quyết định trong bộ máy đảng do ông Tập lãnh đạo.

Luật này “có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo Quốc vụ viện thực hiện nhiệm vụ của mình theo hiến pháp và các luật khác”, ông Lý Hồng Trung phát biểu hôm 5/3 tại kỳ họp Nhân Đại khi giải thích về dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức của Quốc vụ viện Trung Quốc, bao gồm 20 điều.

Một điều luật quy định, Quốc vụ viện Trung Quốc phải đề cao sự lãnh đạo của đảng cầm quyền và được Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như học thuyết chính trị của các nhà lãnh đạo đảng tiền bối và hiện tại dẫn lối.

Điều luật này cũng nói rằng, Quốc vụ viện Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lực cũng như sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương – cơ quan ra quyết định của ĐCSTQ, đồng thời kiên quyết thực hiện các quyết định và chỉ thị của cơ quan này.

Một điều luật mới được bổ sung khác quy định các thành viên Quốc vụ viện Trung Quốc phải “kiên quyết bảo vệ” quyền lực và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Theo SCMP, các sửa đổi được đưa ra khoảng một năm sau khi Bắc Kinh sửa đổi một “bộ quy tắc làm việc” của cơ quan hành pháp, bổ sung các điều khoản quy định về sự đoàn kết nhất trí với trung ương ĐCSTQ.

Một điều khoản bổ sung khác cho biết, trừ khi luật pháp yêu cầu phải giữ bí mật, phiên họp toàn thể và cuộc họp điều hành của Quốc vụ viện Trung Quốc “sẽ được công bố kịp thời”.

Nhưng Luật Tổ chức của Quốc vụ viện Trung Quốc sửa đổi không đề cập đến các điều khoản minh bạch khác như trong “bộ quy tắc làm việc” – bao gồm cả điều khoản yêu cầu Quốc vụ viện tiết lộ “tất cả các vấn đề liên quan đến lợi ích công cộng, quyền công cộng, các vấn đề cần được biết đến rộng rãi và các vấn đề được xã hội quan tâm” một cách “kịp thời, toàn diện, chính xác và cụ thể”.

Một nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc (ẩn danh) tại Đại học Bắc Kinh cho biết, việc sửa đổi Luật Tổ chức của Quốc vụ viện tại kỳ họp Nhân Đại lần này là “bước cuối cùng trong việc xác định lại quan hệ đảng và nhà nước” ở Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu nói với SCMP: “Việc thông qua luật… có nghĩa là ĐCSTQ do ông Tập lãnh đạo quyết định đường hướng và chính sách chung của Trung Quốc, trong khi Quốc vụ viện của ông Lý trở thành cơ quan thực thi chính sách trung thành. Cấp bậc này đang được cơ quan lập pháp cao nhất tán thành.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới