Monday, December 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTên anh đã thành tên phố phường bất tử

Tên anh đã thành tên phố phường bất tử

Một liệt sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma (Trường Sa) vào ngày 14-3-1988 đã được đặt tên cho tuyến đường ở ngay quê hương liệt sĩ. Tên anh mãi ở trong lòng người dân.

Ông Phạm Phú Thép bên cột bảng tên đường mang tên Trần Văn Phương. Tấm biển này sẽ chính thức được gắn cho một tuyến đường tại phường Quảng Phúc – quê hương liệt sĩ Phương – vào sáng 14-3

Người nhận vinh dự này là Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương – thiếu úy, phó chỉ huy trưởng đảo đá Gạc Ma.

Càng đặc biệt hơn khi tuyến đường được chọn lại nằm chính trên quê hương của liệt sĩ Phương tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Trong trái tim người dân, việc liệt sĩ Trần Văn Phương được đặt tên đường cũng là cách để không chỉ liệt sĩ này mà cả nỗi đau mang tên Gạc Ma sẽ mãi mãi trở thành bất tử trong lòng dân nước Việt.

Anh Phương cùng 63 đồng đội đã nằm lại giữa biển vào ngày 14-3-1988. Anh không thể trở về thì giờ tên anh đã hiện diện trên quê hương mỗi ngày và mãi mãi. Đây cũng là sự động viên, niềm tự hào lớn lao với gia đình tôi, quê hương tôi, – Anh Trần Văn Hiệp

Gạch nối giữa quê hương và biển cả
Chiều trước ngày kỷ niệm trận chiến bi hùng ở Gạc Ma, anh Trần Văn Hiệp, em trai của liệt sĩ Trần Văn Phương, cứ thấp thỏm hồi hộp. Khoảng mười năm lại đây, vào những dịp tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, anh đã khá quen với việc sẽ có nhiều đồng đội và chính quyền về trước phần mộ của liệt sĩ Phương tại nghĩa trang phường Quảng Phúc cùng tổ chức lễ tưởng niệm trong ngày này.

Nhưng năm nay, một sự kiện còn đặc biệt hơn sẽ diễn ra trong dịp kỷ niệm mà ngay chính anh Hiệp cũng không bao giờ hình dung ra. Đó là việc tên liệt sĩ Trần Văn Phương được đặt cho một tuyến đường ngay tại phường Quảng Phúc.

Mấy hôm trước khi quyết định này được chính quyền thị xã Ba Đồn thông báo, anh Hiệp lặng lẽ vào trước bàn thờ anh trai và người mẹ vừa qua đời mấy tháng trước thắp nén nhang. Anh nói mình phải báo tin cho anh và mẹ việc này để ở nơi xa anh trai và mẹ biết được niềm vinh dự lớn lao.

Không thể cầm lòng, ngay trong chiều 13-3, anh Hiệp đã tìm đến tuyến đường sẽ mang tên anh trai mình vào ngày mai. Anh nói thật ra tuyến đường này với anh rất quen thuộc vì cách nhà hơn cây số và gắn liền với tuổi thơ của cả hai anh em, nhưng anh vẫn xuống xe đi bộ từng bước như muốn tìm lại chút ký ức.

Không chỉ anh Hiệp mà một người em trai khác của liệt sĩ Phương ở tận TP.HCM là Trần Văn Hồng cũng đã tức tốc trở về quê trong sáng 13-3 để kịp dự sự kiện tên anh mình được đặt cho tuyến đường.

Tuyến đường được chính quyền thị xã Ba Đồn chọn đặt tên liệt sĩ Trần Văn Phương nằm ở tổ dân phố Mỹ Hòa, dài khoảng một cây số chạy dọc bờ sông Gianh dẫn ra cửa biển. Theo chính quyền địa phương, không phải ngẫu nhiên mà tuyến đường này được chọn. Vì đường này hướng từ phía nhà của liệt sĩ Phương chạy ra hướng biển như là một gạch nối giữa nơi sinh ra tại quê hương và nơi liệt sĩ ngã xuống khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma giữa biển cả thiêng liêng của Tổ quốc.

“Anh Phương cùng 63 đồng đội đã nằm lại giữa biển vào ngày 14-3-1988 sau loạt đạn của tàu Trung Quốc. Anh không thể trở về thì giờ tên anh đã hiện diện trên quê hương mỗi ngày và mãi mãi. Đây cũng là sự động viên, niềm tự hào lớn lao với gia đình tôi, quê hương tôi”, anh Hiệp xúc động bày tỏ.

Tuyến đường của niềm vinh dự và tự hào

Lễ gắn bảng tên đường mang tên Trần Văn Phương chính thức diễn ra vào sáng 14-3, nhưng từ chiều 13-3 công tác chuẩn bị đã được chính quyền địa phương thực hiện.

Một nhóm dân địa phương tại tổ dân phố Mỹ Hòa (phường Quảng Phúc) đã có mặt để phát quang một số vị trí có cây cối dọc tuyến đường. Một khu vực khá rộng sát bờ sông Gianh đã được san bằng phẳng để làm nơi diễn ra buổi lễ gắn bảng tên đường cũng như lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Bảng tên đường và cột trụ cũng được chuẩn bị sẵn để gắn vào đế trụ ở ngay vị trí đầu đường.

Chiều 13-3 dù chưa chính thức nhưng nhiều người dân địa phương đã háo hức đổ ra tuyến đường này để xem việc chuẩn bị đặt tên đường. Với những người dân ở đây thì cái tên thiếu úy Trần Văn Phương đã quá thân thuộc và như một niềm tự hào.

Ông Nguyễn Văn Tình, ở tổ dân phố Mỹ Hòa, rất háo hức lẫn xúc động. Ông Tình kể mình cũng từng là bộ đội hải quân cùng thời với liệt sĩ Phương. Và sau trận hải chiến Gạc Ma vào tháng 3-1988 thì hơn nửa năm sau đó ông được cử ra lại đảo Cô Lin. Đây là nơi chiếc tàu HQ505 và các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã lao lên đảo đá ngầm này để biến thành pháo đài thép bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chính vì có mặt tại đảo này, bước vào chiếc tàu 505 với chi chít lỗ đạn nên ông Tình hiểu được sự khốc liệt của trận chiến không cân sức ở thời điểm đó. Và vì thế ông càng tự hào hơn về những liệt sĩ đã hy sinh vì bảo vệ đảo Gạc Ma, trong đó có thiếu úy Trần Văn Phương – bạn cùng quê với ông.

“Đây là vinh dự và cũng là ghi nhận sự hy sinh của liệt sĩ Phương, nhưng cũng là niềm tự hào chung của người dân Quảng Phúc vì đất này đã đóng góp cho đất nước một người anh hùng”, ông Tình trải lòng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới