“Họp riêng”là một cách gọi, chỉ các cuộc họp bàn về các nội dung nhạy cảm, thành phần tham dự hẹp, thông tin không tiết lộ cho báo chí. Theo nghĩa ấy, khi “họp riêng” bị vỡ lở là dấu hiệu của việc thương thảo thất bại hoặc rơi vào bế tắc.
Trong bang giao quốc tế, “họp riêng” được nghĩ đến khi các cuộc thương thuyết công khai không hoặc khó mang lại kết quả. Hội nghị bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hội nghị Paris) chẳng hạn. Cuộc đàm phán này kéo dài tới 4 năm, 8 tháng, diễn biến căng thẳng và phức tạp; hai bên (Mỹ và Cộng sản Việt Nam) giằng co nhau từng chút một.
Khi các phiên họp công khai lâm vào bế tắc, hai bên chủ trương mở các cuộc họp riêng. 45 phiên họp riêng đã được thực hiện giữa ông Lê Đức Thọ – cố vấn đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và Tiến sĩ Kissinger, cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Mỹ. Nhiều sử gia nhận định rằng: dù ít hơn số lượng so với họp công khai, nhưng chính các phiên họp riêng mới thúc đẩy và phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán của Hội nghị Paris.
Vậy mà, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ từng lật lọng không ký tắt văn bản Hiệp định theo dự kiến. Tuy nhiên, Hà Nội đã công khai hành vi “nuốt lời hứa” của Mỹ một cách cao tay. Sau đó, với chiến thắng giòn giã cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ (từ ngày 18 đến 29-12-1972) vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc, với mật danh Linebacker II, Hà Nội đã buộc Washington trở lại bàn đàm phán; và Hiệp định được ký kết ngày 27-1-1973.
Liên quan câu chuyện Biển Đông, Quốc hội Việt Nam cũng từng “họp kín”. Cái khác của cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam là, dù “họp kín” nhưng vẫn thông tin công khai là có sự kiện đó. Tờ Tuổi trẻ, ngày 06-06-2015, đã treo cái tít to tướng “Quốc hội họp kín về Biển Đông”. Và, cái gọi là “họp kín” của Quốc hội Việt Nam sau đó cũng chẳng có gì “kín” cả, bởi “họp vừa tan” nhiều đại biểu đã tiết lộ với báo chí: “Quốc hội chỉ nghe báo cáo chứ không dành thời gian thảo luận về vấn đề biển Đông”; rằng: ““Những thông tin trên báo chí lâu nay thu nhận được là những thông tin rời rạc, theo sự kiện, còn thông tin Chính phủ báo cáo ra Quốc hội được tập hợp, có hệ thống hơn”.
“Kín” tới thế thì kể cũng như “hở”. Và, cùng với những gì đã chứng kiến, cử tri cũng như dư luận xã hội Việt Nam khó có thể nghi ngờ cơ quan đại diện của họ “thì thụp” những gì đó ảnh hưởng tới lợi ích đất nước.
Trở lại câu chuyện Biển Đông, hóa ra, thời gian qua, Manila và Bắc Kinh cũng đã âm thầm tiến hành những cuộc họp kiểu như họp riêng/ họp kín vậy. Kín tới mức, thính và tài thóc mách đến như cánh báo chí phương Tây, cũng thất bại.
Câu chuyện chỉ được biết khi thông tin vỡ lở.
Ai làm vỡ lở? Thưa, người của Trung Quốc. Cụ thể, một quan chức Trung Quốc, ngày 11/3, đã phát ra nội dung rằng: Bắc Kinh đã gửi cho Philippines 11 tài liệu về các đề xuất nhằm bình thường hóa tình hình Biển Đông, trọng tâm là việc quản lý bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), các vấn đề đánh bắt cá xung quanh bãi cạn Scarborough, cùng một số vấn đề liên quan khác…
Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough thì từ lâu đã “nóng” rồi. Hai cái tên này chính là nơi tranh chấp của các bên, trong đó, căng thẳng nhất là giữa Philippines với Trung Quốc. Thậm chí, tranh chấp bãi cạn Scaborough là “giọt nước tràn ly”, là nguyên nhân đẩy Philippines tới chỗ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài (PCA – thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển 1982) năm 2013 và sau đó, được PCA tuyên thắng kiện.
Hơn năm nay, đây cũng là hai điểm nóng với vô số các vụ tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn tàu Philippines tiếp tế hậu hầu cho binh sĩ đồn trú ở bãi cạn Cỏ Mây, thả phao nổi ngăn ngư dân Philippines đánh cá trên ngư trường truyền thống ở bãi cạn Scaborough, cùng nhiều vụ xô xát khác.
Dù Trung Quốc có to tiếng thanh minh, giải thích, cũng đố một ai dám cam đoan Philippines lại là bên chủ động gây hấn đấy. Vậy mà lần này, trong tiết lộ, quan chức giấu tên của Trung Quốc đã “tố” rằng chính phủ Philippines “phớt lờ” các đề xuất “thiện chí” của Bắc Kinh mới lạ chứ!
Cáo buộc của Bắc Kinh khiến Manila nổi nóng. Ngày 12-3, Tổng thống Philippines – ông Ferdinand Marcos Jr – cho biết nước này không bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về các vấn đề ở Biển Đông. Không nhìn thấy, nhưng từ nhận định của ông Marcos, cho rằng: các đề xuất đó (đề xuất của Trung Quốc) dựa trên một tiền đề đáng nghi vấn nên “khó tìm thấy triển vọng” – như đưa tin của hãng Reuters – khiến nhiều người như hình dung ra nhà lãnh đạo Philippines giận tới mức nào.
Thái độ ấy, ngôn từ thằng tưng, chẳng tý vòng vo nào cho thấy, ông Marcos thật sự đã “quả cảm” hơn người tiền nhiệm là ông Duterte rất nhiều.
Còn nhớ, năm 2019, rành rành tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines, vậy mà trong phản ứng, ông Duterte, bằng thao tác “mềm hóa”, đã chỉ coi đó là “tai nạn hàng hải” (!) bất chấp phản ứng dữ dội của dư luận trong nước.
Họp kín/họp riêng bị tiết lộ đã là dấu hiệu thất bại cho giải pháp xử lý những khủng hoảng đang tăng lên gần đây trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Tiếp theo, lại thêm những chao chát từ cấp cao nhất của Manila ném về phía Bắc Kinh. Vậy thì, câu chuyện Biển Đông giữa hai bên (trong số 6 bên) có tranh chấp chủ quyền Biển Đông còn lâu mới có thể hạ nhiệt.
T.V