Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: Hàn Quốc không thể ngoài cuộc

Biển Đông: Hàn Quốc không thể ngoài cuộc

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk, vừa lên tiếng trong một cuộc tiếp xúc với giới truyền thông quốc tế, rằng: Hàn Quốc “quan ngại sâu sắc về tình hình nguy hiểm” và “việc sử dụng vòi rồng chống lại các tàu Philippines ở Biển Đông”.

Biển Đông – tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới

Cũng trong sự kiện trên, ông Lim Soo-suk nhấn mạnh: “Chúng tôi (Hàn Quốc) ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, cũng như tự do hàng hải và hàng không dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”

Xét cho cùng, động thái trên của Seoul “chẳng có gì đáng làm ầm ĩ” như thái độ hậm hực, cay cú của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 12/3: “Hàn Quốc không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông nhưng trong những năm gần đây, nước này đã thay đổi lập trường thận trọng và trung lập đã duy trì trong nhiều năm qua”. Phàm những ai nhận thức đúng về công pháp quốc tế, về lẽ công bằng, đều thấy đó là việc Hàn Quốc nên làm; tới nay, mới làm, là muộn.

Hơn 10 năm trước, trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên một số đảo, đá, bất chấp hối thúc của Mỹ và các đồng minh phương Tây đòi Hàn Quốc phải chỉ trích Bắc Kinh, chính phủ Hàn Quốc từng “im lặng” một cách khó hiểu. Sau đó, cái họ làm chỉ là một tuyên bố không đứng về bên nào và giữ quan điểm trung lập.

Quan quan điểm trung lập của Hàn Quốc về vấn đề Biển Đông, theo một số nhà phân tích quốc tế, bắt nguồn từ việc Hàn Quốc từng là nạn nhân của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn, hay nói đúng hơn, thành con tốt trong cuộc tranh giành quyền lực chính trị giữa các nước lớn. Điều đó đã dẫn đến một câu ngạn ngữ đầy ám ảnh của người Hàn, rằng “Trong một cuộc chiến giữa bầy cá voi, lưng con tôm bị “vỡ vụn” (tiếng Hàn: teojinda)”.

Vẫn theo các nhà phân tích quốc tế, cảm xúc đó, dần dần thành một phần trong thế giới quan của người Hàn, trong đó có cái gọi là “văn hóa chiến lược”, khiến họ tránh xa các tác nhân có thể ảnh hưởng, đe dọa quan hệ bang giao đang ngày một chồng chéo và dày đặc, song hành cùng các thành tựu của “kỳ tích sông Hàn”.

Xét theo giác độ ấy, Biển Đông hiển nhiên là một tác nhân Hàn Quốc cần phải thận trọng, nếu không nói là cảnh giác. Lý do, thứ nhất, khu vực này liên quan tranh chấp “5 nước, 6 bên”. Các bên tùy theo mức độ, không chỉ cùng khu vực, mà còn là các đối tác kinh tế quan trọng, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam. Đồng thời, ASEAN cũng là đối tác chiến lược toàn diện của nền kinh tế có quy mô thứ 10 toàn cầu với GDP lên tới nghìn tỷ USD (năm 2023, con số này là gần 2000 tỷ. Vì thế, làm mếch lòng bất cứ bên nào, Seoul đều phải nghĩ tới hậu quả có thể đến.

Thứ hai, Biển Đông, trong thời gian gần đây, là nơi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc. Mỹ thì là đồng minh nên gắn với đó là trách nhiệm. Nhưng “mất” một thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân như Trung Quốc thì Seoul quá thiệt hại. Vậy là, một lần nữa, nỗi “ám ảnh teojinda” lại hiện ra, buộc những nhà lãnh đạo xứ Kim Chi phải tính toán.

Nhưng có những thứ ngoài tầm tính khi câu chuyện Biển Đông ngày một phức tạp căng thẳng. Thành quả của công mở cửa giúp Trung Quốc không chỉ giàu mà còn vươn lên thành một siêu cường quân sự. Một quốc gia luôn nghĩ mình là trung tâm tất không thể bằng lòng với việc bị ai đó đè nén. Một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc lúc nào cũng thèm khát nguồn năng lượng khiến Bắc Kinh càng tham vọng Biển Đông là của riêng mình…Trong khi đó, Washington choàng tỉnh trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, từ hơn 10 năm nay, triển khai chiến lược “xoay trục” Châu Á – Thái Bình Dương có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Thế là, trong thực tế, một cuộc thách thức Mỹ – Trung đã hình thành, cuốn theo vào nhiều quốc gia.

Tới lúc này, Mỹ không thể không hối thúc thêm Hàn Quốc thể hiện trách nhiệm đồng minh trong vấn đề Biển Đông. Và trong thực tế, chưa cần Washington chỉ giáo, Seoul cũng nhận ra, cùng với những diễn biến địa chính trị phức tạp khác, nếu Trung Quốc khống chế, áp đặt thành công âm mưu độc chiếm Biển Đông – tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất, cái nguy chẳng dành cho riêng ai, mà cho nhiều quốc, trong đó có Hàn Quốc. Thậm chí, thiệt hại của Hàn Quốc có thể nói là to lớn, bởi quy mô và độ mở của một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại.

Vậy nên tới lúc này, Hàn Quốc, dù muốn cũng không thể giữ mãi thái độ “trung lập” trong câu chuyện Biển Đông, qua tuyên bố của ông Lim Soo-suk. Seoul làm điều đó dù biết rằng thể nào Bắc Kinh cũng sẽ phản ứng một cách hậm hực và cay cú.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới