Tuesday, November 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMalaysia: Bên chiến thắng bất ngờ trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

Malaysia: Bên chiến thắng bất ngờ trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về tiếp cận công nghệ đã thúc đẩy nhiều công ty mở nhà máy ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Malaysia.

Fengshi Metal Technology, một công ty có trụ sở tại Tô Châu, Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị bán dẫn, gần đây đang chiêu mộ nhân viên với mức lương cao hơn 30% so với thị trường và những “cơ hội độc nhất” khác bao gồm du lịch nước ngoài và các bữa ăn miễn phí.

Fengshi chỉ là một trong số hàng chục công ty đang được thiết lập hoặc mở rộng ở Penang – một bang ở miền bắc Malaysia nổi tiếng với những bãi biển, ẩm thực đa dạng và bầu không khí thoải mái – trong 18 tháng qua. Những công ty khác bao gồm gã khổng lồ chip Micron và Intel đến từ Mỹ, các công ty bán dẫn châu Âu như AMS Osram và Infineon.

Trong bối cảnh các công ty trên khắp thế giới tìm kiếm sự phương án dự phòng để bảo vệ mình khỏi những gián đoạn địa chính trị – một chiến lược được gọi là “Trung Quốc +1” – Malaysia đã trở thành một điểm đến đầu tư bất ngờ.

Malaysia có lịch sử 50 năm thực hiện khâu “back end” của chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn: đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip. Nhưng họ có tham vọng tiến lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 520 tỉ USD, trong đó bao gồm các hoạt động có giá trị cao hơn như chế tạo tấm wafer và thiết kế mạch tích hợp.

Việc Mỹ mở rộng hạn chế đối với công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất chip, là lý do chính tạo nên sự hấp dẫn của Malaysia. Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc để giành vị trí thống trị về công nghệ toàn cầu và tranh thủ sự hỗ trợ từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á khi tiến hành hạn chế bán các con chip và thiết bị sản xuất tiên tiến nhất cho Trung Quốc.

“Đây là một cuộc đua. Không chỉ có các công ty Trung Quốc đến Penang, mà còn có các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản và phương Tây”, Marcel Wismer, giám đốc điều hành của Kemikon cho biết. “Và tất cả những diễn biến này đều liên quan đến cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Kemikon là công ty chuyên chế tạo các bộ phận, chẳng hạn như khung máy, cho các khách hàng bao gồm công ty LAM Research và Applied Materials của Mỹ. Ông Wismer cho biết Fengshi không phải là công ty Trung Quốc duy nhất cố gắng chiêu mộ nhân viên.

Ông nói thêm rằng các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn của phương Tây không thể bán thiết bị tiên tiến nhất của họ cho Trung Quốc vì những hạn chế của Mỹ. Ông giải thích: “Nhưng phần khác của câu chuyện là tất cả các nhà sản xuất này đều lấy linh kiện từ các công ty Trung Quốc”.

“Vì vậy, họ nói với các nhà cung cấp của mình: nếu anh không rời khỏi [Trung Quốc], chúng tôi phải tìm những nhà cung ứng mới. Các công ty Trung Quốc sau đó buộc phải di chuyển hoặc mở rộng sang những nơi như Đông Nam Á để không bị mất việc kinh doanh. Và Penang trở thành điểm đến”, ông Wismer nói.

Nhờ vậy hoạt động đầu tư vào Penang đang bùng nổ. Bang này đã thu hút 60,1 tỉ RM (12,8 tỉ USD) vốn FDI trong năm 2023, nhiều hơn tổng số vốn mà họ nhận được từ năm 2013 đến năm 2020 cộng lại.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times rằng việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và dồn lực lượng lao động của Malaysia vào ngành sản xuất có giá trị cao hơn này là một “mục tiêu quan trọng”.

Nhưng kế hoạch này có có một số lỗ hổng, bao gồm sự thiếu hụt nhân tài trầm trọng và chưa có một “nhà vô địch” về bán dẫn trong nước có thể thu hút những bên khác.

Một vấn đề nữa là Mỹ, nước đóng góp vốn FDI nhiều nhất cho Malaysia, có thể siết chặt thêm hạn chế đối với công nghệ Trung Quốc; một số nhà phân tích và người trong ngành lo ngại rằng điều này có thể hạn chế các sản phẩm và thiết bị được sản xuất tại Malaysia trước làn sóng các công ty mới của Trung Quốc.

“Thung lũng Silicon” của phương Đông
Năm 1972, Penang đã trở thành nơi có cơ sở sản xuất đầu tiên bên ngoài nước Mỹ của Intel. Bị thu hút bởi khu vực thương mại tự do mới và cảng vận chuyển sầm uất ở eo biển Malacca, Intel cùng với AMD, Renesas (trước là Hitachi), Keysight Technologies (trước là Hewlett-Packard) và một số tập đoàn công nghệ đa quốc gia khác là những bên tiên phong tiến vào nơi được gọi là “Thung lũng Silicon của phương Đông”.

Malaysia đã trở thành một cỗ máy hoạt động trơn tru trong lĩnh vực lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip. Cho đến gần đây, Malaysia vẫn được coi là một phần cấp thấp, sử dụng nhiều lao động nhưng cần thiết trong chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn.

Malaysia vốn đã là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới và nắm giữ 13% thị trường đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn toàn cầu. Nước này cũng là nơi xuất xứ của 20% lượng chất bán dẫn nhập khẩu hàng năm của Mỹ, nhiều hơn cả Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng trước đây, chưa có nhiều chất xúc tác để họ tiến lên trong chuỗi giá trị trong lĩnh vực bán dẫn.

Hiện nay, nhu cầu về chip công suất cao hơn trong các lĩnh vực như xe điện (EV) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến cho khâu đóng gói cao cấp – kết nối chip với bảng mạch và bảo vệ chúng khỏi bị nhiễm bẩn – được coi là chìa khóa để cải thiện hiệu suất. Quy trình này từng sử dụng rất nhiều lao động, nhưng giờ được xử lý bằng máy móc tự động nhiều hơn.

Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, đang chi 7 tỉ USD xây dựng các cơ sở mới ở Malaysia, bao gồm cả cơ sở đóng gói tiên tiến “3D” sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Họ cũng đang xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip khác ở Kulim, giáp Penang.

Micron và Infineon (Đức) cũng đang tích cực mở rộng. Năm ngoái, hãng Micron của Mỹ đã khai trương cơ sở lắp ráp và thử nghiệm thứ hai tại Penang, trong khi Infineon, từng là công ty con của Siemens, cho biết họ sẽ chi tới 5,4 tỉ USD để mở rộng trong 5 năm tới. Công ty này đang xây dựng cơ sở sản xuất chip cacbua silic – được các hãng sản xuất EV sử dụng rộng rãi – lớn nhất thế giới.

David Lacey, giám đốc điều hành của AMS Osram tại Penang, cho biết việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng bắt đầu từ đại dịch nhưng “bối cảnh địa chính trị đang khiến mọi bên phải tìm các địa điểm và nguồn thay thế”. Tập đoàn điện tử có trụ sở tại Thụy Sĩ này là một trong số những công ty nước ngoài đầu tiên thiết lập sự hiện diện ở Penang và vẫn đang đầu tư tại đó.

Zafrul Aziz, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia đồng thời là chủ tịch nhóm chuyên trách về bán dẫn quốc gia được thành lập vào tháng 2 vừa qua, cho biết ông rất ngạc nhiên khi thấy các nhà máy ở Penang đã có mức độ tự động hóa và năng suất cao như hiện nay. “Bây giờ tôi đến Mỹ và thấy máy móc, công cụ dùng để sản xuất chip đều đến từ Malaysia”, ông nói.

Bùng nổ đầu tư ở địa phương
Ngay cả chính quyền bang Penang cũng đang đón đầu làn sóng đầu tư mới. Chính quyền Penang sở hữu phần lớn đất đai trong bang, điều này giúp họ có được lợi ích lớn khi thu hút được các công ty nước ngoài tới xây dựng nhà máy.

Loo Lee Lian, giám đốc điều hành của Invest Penang, một tổ chức phi lợi nhuận của chính quyền bang, cho biết tổ chức này đã phải “chọn lọc kỹ hơn” những công ty tham gia do tình trạng siết chặt về đất đai. Sự phát triển nhanh chóng đã lan sang các bang lân cận như Kedah và Perak.

Theo Mark Saw, giám đốc điều hành của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank Penang, giá đất công nghiệp đã tăng từ khoảng 50 RM/foot vuông vào năm 2022 lên tới 85 RM/foot vuông. Theo Knight Frank, trên khắp Đông Nam Á, tốc độ tăng giá bất động sản nhà ở của Penang trong nửa đầu năm 2023 chỉ đứng sau thành phố đắt đỏ Singapore.

Trong khi đó, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Phó chủ tịch Micron Malaysia, Ramu Iyer nói đùa rằng mặc dù chỉ sống cách nhà máy của mình 14 km nhưng ông vẫn phải mất một giờ di chuyển mới có thể về nhà.

Tình trạng thiếu hụt nhân viên kỹ thuật của Malaysia cũng trở nên trầm trọng hơn. Zafrul, Bộ trưởng Thương mại, cho biết chỉ riêng lĩnh vực điện và điện tử đã cần 50.000 kỹ sư, trong khi chỉ có 5.000 sinh viên kỹ thuật tốt nghiệp mỗi năm – và nhiều người trong số này đổ tới Singapore để tìm kiếm mức lương cao hơn.

Lương của kỹ sư, đặc biệt là đối với sinh viên mới tốt nghiệp, vẫn thấp hơn hầu hết các lĩnh vực chuyên môn khác ở Malaysia. Các chuyên gia cho rằng Malaysia vẫn còn thiếu chuyên môn cần thiết để tiến lên vị trí đầu trong chuỗi cung ứng.

Đóng góp chính cho đợt bùng nổ đầu tư ở Penang chính là các công ty đến từ Trung Quốc.

Theo bà Loo đến từ InvestPenang, kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt các hạn chế thương mại đối với công nghệ Trung Quốc dưới thời chính quyền Donald Trump, và đặc biệt là kể từ khi các hạn chế được thắt chặt bởi Tổng thống Joe Biden, Penang bắt đầu nhận thấy làn sóng quan tâm từ các tập đoàn đến từ Trung Quốc đại lục như Fengshi.

Bà nói, nhiều trong số này là các công ty có nhà cung ứng toàn cầu hoặc khách hàng phương Tây đang phòng ngừa rủi ro trước những hạn chế tiếp theo của Mỹ. InvestPenang ước tính hiện có 55 công ty Trung Quốc ở Penang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu là chất bán dẫn. Trước khi Mỹ bắt đầu chiến dịch hạn chế, con số này chỉ là 16.

Những rủi ro tiềm ẩn

Một nhà phân tích giấu tên đến từ một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong cho biết, các hạn chế của Mỹ hiện không áp dụng cho các dịch vụ đóng gói chip tiên tiến, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn lo ngại những hạn chế tiềm ẩn trong tương lai. Một số công ty đang giảm thiểu rủi ro bằng cách hợp tác với các công ty Malaysia để lắp ráp một phần chip cao cấp của họ.

Đơn vị xFusion trước đây của Huawei đang hợp tác với công ty NationGate của Malaysia để sản xuất máy chủ đồ họa ở Penang. Trong một số trường hợp, các công ty Trung Quốc và Mỹ thậm chí còn hợp tác cùng nhau. Công ty đóng gói và thử nghiệm TongFu Microelectronics đã mở rộng cơ sở ở Penang sau khi hợp tác với tập đoàn AMD của Mỹ vào năm 2022.

Công ty Simmtech của Hàn Quốc, chuyên sản xuất chất nền để khắc các mạch tích hợp, đã mở một nhà máy sản xuất tiên tiến mới ở Penang vào năm 2022 và trong vòng vài tháng đã tuyên bố đẩy nhanh việc mở rộng cơ sở. Một người quen thuộc với hoạt động của công ty cho biết một số nhà cung ứng Trung Quốc của Simmtech đã theo họ đến Penang và thiết lập hoạt động ở đó.

Hầu hết các công ty Trung Quốc vẫn tham gia vào khâu lắp ráp và thử nghiệm của chuỗi cung ứng. Nhưng các nhà phân tích nói rằng nếu các công ty trong các lĩnh vực nhạy cảm và có giá trị cao hơn bắt đầu thiết lập hoạt động, điều đó có thể dẫn đến sự giám sát chặt chẽ hơn.

StarFive Technology, có trụ sở tại Thượng Hải,, là công ty dẫn đầu về RISC-V, một công nghệ nguồn mở được sử dụng ở Trung Quốc để cạnh tranh với những công ty thiết kế chip nước ngoài, như Arm của Anh. Họ đang xây dựng một cơ sở ở Penang, nhưng một số nhà lập pháp Mỹ muốn hạn chế các công ty Mỹ hợp tác trong các dự án RISC-V.

Vấn đề sẽ là nếu người Mỹ tiếp tục mở rộng tiêu lệnh hạn chế của mình – bằng cách đưa các sản phẩm và thiết bị được sản xuất tại Malaysia vào danh sách hạn chế – thì Malaysia có thể sẽ đi theo con đường khác.

Bộ trưởng Thương mại Zafrul cũng thừa nhận rằng kế hoạch hành động tiếp theo của Mỹ vẫn là một “dấu chấm hỏi”. “Nhưng tiếp tục siết chặt hạn chế có thể sẽ phản tác dụng, đặc biệt khi tính đến sự hiện diện đáng kể của các công ty Mỹ ở Malaysia”, ông nói.

Trong khi đó, Malaysia phải tập trung mạnh mẽ vào việc tăng cường đầu tư cao cấp nếu không sẽ “thua” trước các đối thủ trong khu vực, ông Zafrul cho biết thêm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới