Một thị xã miền núi của Việt Nam được báo chí quốc tế hết lời khen ngợi, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký của châu Á để lọt top 16 thị trấn đẹp nhất thế giới.
Kết quả bình chọn của Tạp chí du lịch Times Out với các điểm đến hấp dẫn năm 2024 công bố thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) là một trong 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới. Nơi đây là điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng từ những năm 1920 với kỷ lục lượng khách du lịch nhiều gấp 50 lần dân số.
Trước đó, năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Sa Pa – thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040, định hướng phát triển Sa Pa xứng đáng là khu du lịch trọng điểm quốc gia, xứng tầm quốc tế.
Quy hoạch thị xã Sapa mới được thông qua nên chưa có bản thiết kế chi tiết. Dưới đây là viễn cảnh phát triển đô thị tương lai của Sapa được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Ngày 20/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 266/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Sa Pa – thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040. Quy hoạch chung có phạm vi lập quy hoạch xây dựng gồm: Trung tâm của Khu du lịch quốc gia Sa Pa có diện tích khoảng 6.090 ha, trong đó bao gồm diện tích đô thị du lịch Sa Pa lõi hiện hữu (diện tích 5.525 ha) và khu vực nghiên cứu mở rộng không gian (diện tích khoảng 565 ha); 4 phân khu kết nối với trung tâm của Khu du lịch quốc gia Sa Pa gồm: Ngũ Chỉ Sơn (diện tích khoảng 285 ha); Tả Phìn (diện tích khoảng 185 ha); Tả Van (diện tích khoảng 306 ha) và Thanh Bình (330 ha).
Theo dự báo, đến năm 2030, dân số Khu du lịch quốc gia Sa Pa – thị xã Sa Pa khoảng 155.000 người, đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch; đến năm 2040 khoảng 210.000 người; đón khoảng 12 triệu lượt khách. Theo quy hoạch chung, đến năm 2040, Khu du lịch quốc gia Sa Pa được xây dựng thành khu du lịch quốc gia, trung tâm giao lưu văn hóa vùng Tây Bắc, là điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, văn hóa, trải nghiệm…
Quy hoạch chung thể hiện định hướng phát triển không gian trung tâm Khu du lịch quốc gia Sa Pa – thị xã Sa Pa theo hướng tái thiết khu vực lõi trung tâm Sa Pa, phát triển các chức năng hỗn hợp đô thị dịch vụ du lịch. Cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, bổ sung đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Phát triển các khu chức năng đô thị, dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với chủ đề văn hóa Sa Pa dọc thung lũng Mường Hoa, suối Hồ.
Thị xã Sa Pa được thành lập ngày 1/1/2020 trên cơ sở toàn bộ diện tích 681 km2 và dân số 66.600 người của huyện Sa Pa (Lào Cai). Nằm trên dãy núi Hoàng Liên với độ cao trung bình 1500 – 1800 m so với mực nước biển, đây là thị xã cao nhất Việt Nam. Trong những năm qua, kinh tế Sa Pa có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, ngành du lịch của Sa Pa trở nên bùng nổ khi liên tục phá vỡ kỷ lục, trở thành “điểm du lịch vàng” của Lào Cai. Các cơ sở lưu trú liên tục kín phòng với tỷ lệ đặt tới đạt 97% công suất.
Để thu hút nhiều hơn nữa khách quốc tế đến với Sapa, dự án nâng cấp sân bay Sapa thành cảng hàng không quốc tế đã được thông qua.
Dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai có tổng mức đầu tư hơn 6.948 tỉ đồng. Sân bay này sẽ có khả năng khai thác các loại máy bay như Airbus A320, A321 và tương đương trở xuống với 9 vị trí đỗ máy bay. Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.
Nhằm giúp Sa Pa sớm trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế, Chính phủ sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng cho Sa Pa. Nguồn lực này sẽ được dành cho phát triển hạ tầng kết nối, trong đó, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, các tuyến đường kết nối Cảng Hàng không, đường cao tốc nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với Sa Pa.
Trong tương lai, có thể sẽ có hệ thống tàu cao tốc giúp du khách từ mọi miền đất nước có thể nhanh chóng đến tham quan thị xã Sapa đẹp bậc nhất thế giới. Đây là một phần quan trọng trong việc biến Sapa thành điểm sáng trên bản đồ phát triển kinh tế – du lịch khu vực.
Điểm du lịch nổi bật ở Sapa trong tương lai vẫn là khu du lịch Sun World Fansipan Legend. Khách đến Sa Pa những năm qua đã tăng 144% sau khi có cáp treo lên “nóc nhà Đông Dương” và dự kiến còn tăng cao hơn nữa.
Tuyến cáp treo được chính thức khánh thành vào 2/2/2016, sau 800 ngày đêm thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở. Sau đó nắm giữ 2 kỷ lục thế giới, cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1.410m và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6.292,5 m.
Tàu hỏa leo núi Mường Hoa vẫn là một trong những chuyến tàu hỏa leo núi dài nhất, hiện đại bậc nhất Việt Nam. Cả hai toa tàu đều là sản phẩm của Garaventa – một hãng nổi tiếng tại Thụy Sĩ thực hiện hoàn toàn từ khâu thiết kế và sản xuất với chiều dài mỗi toa là 20 mét, chiều ngang 3 mét và có vận tốc di chuyển tối đa là 5m/giây. Tổng trọng lượng hai toa tàu lên đến 25 tấn và có sức chứa tối đa 200 người.
Trong tương lai, Sapa sẽ xây dựng các trung tâm du lịch vệ tinh hỗ trợ, chia sẻ chức năng cho trung tâm Khu du lịch quốc gia tại các xã Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van và Thanh Bình.
Các phân khu này sẽ khai thác lợi thế về cảnh quan, văn hóa, thiên nhiên của từng khu vực phát triển gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm, thể dục thể thao chất lượng cao.
Đồng thời, định hướng phát triển khu vực nông thôn với 10 xã thuộc thị xã Sa Pa, sẽ bảo vệ, khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan văn hóa để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
T.P