Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhìn lại cuộc đối đầu ý thức hệ và những dự báo...

Nhìn lại cuộc đối đầu ý thức hệ và những dự báo cho năm 2024

Năm 2023, thế giới tiếp tục chứng kiến những biến động lớn, một năm của xung đột xảy ra ở nhiều nơi, đã có những xung đột biến thành chiến tranh lớn ở châu Âu và Trung Đông.

EU và NATO tuyên bố công khai rằng cuộc đối đầu của họ với Nga ở Ukraine là để bảo vệ nền dân chủ phương Tây.

Cuộc chiến ở Ukraine và ở Gaza đều quyết liệt và đẫm máu, song song với đó là nhiều xung đột nhỏ hơn ở châu Phi, châu Mỹ Latinh. Chưa bao giờ kể từ thời điểm sau Chiến tranh Lạnh, thế giới bước vào những cuộc chiến tranh tiêu hao nhiều nhân mạng và của cải tới vậy. Quan trọng không kém, các cuộc chiến này đều đang lôi kéo hầu hết các quốc gia tham gia theo hình thức này hay hình thức khác.

Cội nguồn của tất cả chiến tranh và xung đột như vậy bắt nguồn từ chủ nghĩa tự do, trong nỗ lực đối chọi với các nước dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tự do đang bị tấn công mạnh mẽ chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh và những gì xảy ra là hệ quả của những nỗ lực bảo vệ nền dân chủ của họ. Các nhà lãnh đạo châu Âu và NATO đã tuyên bố công khai rằng cuộc đối đầu của họ với Nga ở Ukraine là để bảo vệ nền dân chủ phương Tây và lập luận rằng để Nga thắng thì hệ thống chính trị tự do dân chủ sẽ phá sản. Họ coi những khoản đầu tư vào chiến tranh, viện trợ cho Ukraine và trừng phạt Nga là để bảo vệ nền dân chủ. Thực tế này cũng đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia khu vực khác. Mọi cuộc xung đột khắp nơi đều có bàn tay can thiệp của phương Tây nhằm ủng hộ những lực lượng dân chủ tự do trong cuộc chiến chống lại các giá trị dân tộc, giá trị xã hội chủ nghĩa.

Phương Tây phải tiến hành cuộc chiến này bởi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội đang lên ngôi. Tại Nga, chủ nghĩa dân tộc thắng thế, xô đổ các giá trị phương Tây. Với tư cách một cường quốc, Nga không chấp nhận sự áp đặt các giá trị kiểu Mỹ lên nền văn hoá dân tộc truyền thống và tư tưởng tự tôn dân tộc của họ. Ở Trung Quốc, mô hình xã hội chủ nghĩa đang cho thấy hiệu quả rõ rệt, kinh tế tăng trưởng mạnh và đang trên con đường vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm năm tới. Là một siêu cường có giá trị văn hoá riêng, Trung Quốc cũng không chấp nhận việc Mỹ áp đặt các giá trị đã lỗi thời lên nước mình và các quốc gia khác, dùng dân chủ để ép buộc các nước khác phải phụ thuộc. Nga và Trung Quốc đều thấy giá trị Mỹ đã không phù hợp, không tương thích với văn hoá chính trị nhiều nước. Nỗ lực vùng lên tấn công và lật đổ các giá trị Mỹ là hợp lý.

Cuộc đấu tranh này có nguồn gốc từ lịch sử. Trong Chiến tranh Lạnh, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đã diễn ra khốc liệt. Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ thì Mỹ và phương Tây được thể thắng thế, cho rằng mô hình tự do dân chủ của họ ưu việt hơn và lịch sử đã kết thúc với vòng hào quang thuộc về họ. Thực tế không như vậy. Phải thừa nhận sức hút của những giá trị tự do dân chủ trong nhiều giai đoạn và mô hình kinh tế thị trường cạnh tranh đã góp phần làm cho nền kinh tế nhiều nước phát triển mạnh. Với sức mạnh đó, Mỹ và phương Tây đã trở thành lực lượng dẫn dắt trật tự thế giới hai thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh.

Tuy vậy, mô hình này đã đi tới sự phát triển tột cùng như Karl Marx đề cập. Quá tự tin với chiến thắng lịch sử, Mỹ đi vào chủ quan kiêu ngạo, tìm mọi cách áp đặt các giá trị dân chủ phương Tây lên khắp mọi nơi, bằng mọi cách củng cố vai trò lãnh đạo thế giới của mình. Ở châu Âu, Mỹ lôi kéo các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ quay lưng với Nga, để đi theo giá trị dân chủ theo tiêu chí của họ. Ở châu Phi và Trung Đông, Mỹ gây ra các cuộc chiến tranh nhằm lật đổ các chế độ mà Mỹ cho là độc tài ở Syria, Lybia, Iraq, thực tế chỉ vì các nước này không tuân theo các giá trị dân chủ phương Tây. Ở nhiều khu vực khác, Mỹ đứng sau hậu thuẫn các cuộc cách mạng màu, cách mạng hoa nhằm lật đổ các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa xã hội hoặc có tư tưởng tách rời phương Tây. Ở châu Á, Mỹ công khai ủng hộ nhiều phong trào ly khai, tự trị, đòi độc lập ở những quốc gia không cùng phe với Mỹ. Việc Mỹ cổ xuý cho các phong trào tự trị ở Tân Cương, Tây Tạng, ủng hộ và viện trợ quân sự cho Đài Loan là các ví dụ điển hình.

Có thể thấy, các hoạt động nói trên của Mỹ trong hai thập kỷ qua đều chứa đựng mâu thuẫn lớn, tạo ra đối đầu, gây mất ổn định khu vực và thế giới. Sự can thiệp thô bạo của Mỹ đụng đến chủ nghĩa dân tộc, giá trị tôn giáo, bản sắc văn hoá ở khắp nơi, khơi dậy các phong trào chống phương Tây. Các cuộc tấn công khủng bố vào Mỹ chỉ là biểu hiện cực đoan của sự bùng phát tức giận của nhiều quốc gia và lực lượng xã hội khi bị áp đặt các giá trị vốn đang ngày càng bộc lộ những mặt tiêu cực của nó.

Chiến tranh về bản chất chính là một dạng thức phản kháng cuối cùng, chống lại sự đàn áp, cưỡng bức, ép buộc của Mỹ đối với các nước khác. Sự bùng nổ thành bạo lực cũng là để bảo vệ các giá trị bị xâm lấn bởi giá trị phương Tây. Nhiều nước đã mất quyền độc lập, bị mai một giá trị văn hoá và chiến tranh dưới hình thức này hay hình thức khác, quy mô nhỏ hay lớn, đều cho thấy những giá trị bị áp đặt là không phù hợp.

Còn hơn thế, các giá trị dân chủ tự do Mỹ rao giảng cũng chỉ là khẩu hiệu, chỉ là “vũ khí” để phương Tây thông qua đó lấy cớ thiết lập vị thế lãnh đạo của mình. Trong khi chính ở nội bộ Mỹ và phương Tây, hệ thống của họ phạm biết bao lỗi lầm, vi phạm các giá trị dân chủ tự do, họ vẫn tiếp tục dùng các luận điệu này để phê phán các nước khác.

Dân chủ tự do cuối cùng lại trở thành điểm yếu để các nước khác phản công. Và cuộc phản kích không chỉ là nỗ lực đơn lẻ của từng nước mà họ đã tập hợp lại để tạo ra sức mạnh. Các nước dân tộc chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa hình thành nhiều liên minh để dần thoát khỏi vòng ảnh hưởng của phương Tây, đối trọng lại sức mạnh của nhóm này. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi đã thành lập khối BRICS là một ví dụ điển hình. Nhiều tổ chức khác như tổ chức Hợp tác Thượng Hải là một ví dụ khác. Tất cả đều nhằm tạo dựng vị thế độc lập, không muốn lệ thuộc vào nền kinh tế ngày càng bộc lộ nhiều yếu điểm của Mỹ, chống lại các cuộc chiến tranh và xung đột do Mỹ khởi xướng, đang gây ra biết bao vấn đề xã hội không thể kiểm soát được trên thế giới. Nhiều nước đang nhận thức rõ tự do dân chủ không phải là “liều thuốc tiên” đảm bảo an ninh và phát triển, mà ngược lại đang tạo ra hỗn loạn, mâu thuẫn với các giá trị xã hội và dân tộc. Mâu thuẫn ấy ngày một gay gắt, đang hình thành trạng thái đối đầu giữa hai cực và nhiều cực, lên tới đỉnh điểm là cuộc chiến ở Ukraine trong năm 2022 và 2023. Thực tế đang diễn ra đúng như vậy và dự kiến còn diễn ra trong những năm tới, khi có tới gần 140 nước đã không theo Mỹ trừng phạt Nga qua cuộc chiến ở Ukraine.

Như vậy, thế giới trong năm 2024 sẽ phải đối mặt với điều gì? Rõ ràng, những vấn đề như đã trình bày ở trên đang trở thành vấn đề của thời đại. Mâu thuẫn chính của thời đại là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa dân chủ tự do kiểu phương Tây và chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Sự thể hiện của mối mâu thuẫn này không dừng lại ở đấu tranh kinh tế hay đấu tranh chính trị mà đã lên tới đối đầu quân sự, thúc đẩy chạy đua vũ trang ở quy mô toàn cầu. Như thế, vấn đề Ukraine và Gaza dự báo chưa thể sớm chấm dứt trong năm 2024. Mâu thuẫn này còn tiếp tục bùng nổ ở nhiều khu vực khác như châu Phi, châu Mỹ Latinh và thậm chí là châu Á.

Mâu thuẫn này sẽ tiếp tục khiến kinh tế gánh chịu hậu quả nghiêm trọng như đã thấy trong năm 2023. Kinh tế toàn cầu suy giảm do đường vận tải ách tắc bởi chiến tranh, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, nhu cầu từ Mỹ và châu Âu suy giảm nghiêm trọng. Vấn đề di dân do chiến tranh cũng đang khiến châu Âu và Mỹ đau đầu. Đói nghèo và di dân khiến nhiều chính quyền phương Tây bị phản đối, biểu tình chống chính phủ diễn ra khắp nơi. Hầu khắp các quốc gia EU đã chứng kiến những đợt biểu tình lớn phản đối viện trợ cho Ukraine, phản đối thiếu hụt năng lượng, phản đối chiến tranh, phản đối chính các giá trị tự do dân chủ đang mang lại sự mất ổn định. Sự phản kháng này dẫn đến nhiều chính phủ sụp đổ, chủ nghĩa dân tuý dân tộc thiết lập lại ở nhiều nước dân chủ tự do kể cả Mỹ, như Donald Trump đã làm được. Dự báo trong năm 2024, khả năng này tiếp tục được hiện thực hoá ở Mỹ và các nước châu Âu. Chủ nghĩa dân tộc, dân tuý và các chủ nghĩa khác đồng điệu với các giá trị dân tộc, giá trị xã hội sẽ tiếp tục bùng lên mạnh mẽ, làm suy giảm ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do phương Tây.

Việt Nam may mắn đang không bị cuốn theo vòng xoáy của mâu thuẫn thời đại này. Năm 2023, Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn về mặt ngoại giao. Nhờ các chính sách linh hoạt và đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phú, chúng ta có quan hệ tốt đẹp và hài hoà với tất cả các nước lớn trên tinh thần hữu hảo và các bên cùng có lợi. Các nước đều cần Việt Nam, tôn trọng mô hình chính trị của Việt Nam và muốn Việt Nam phát triển. Điều không thể tránh khỏi là kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng do kinh tế toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp và người dân gặp không ít khó khăn.

Với dự báo như trên, Chính phủ và các doanh nghiệp trong năm 2024 nên sẵn sàng với những biến động mới từ cục diện mâu thuẫn của chính trị thế giới, có điều chỉnh phù hợp, vượt qua thách thức bằng cách tận dụng những cơ hội từ chính trật tự thế giới đang chuyển mình. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu thay vì phụ thuộc vào thị trường Âu – Mỹ. Đất nước cũng đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài lớn hơn từ các nhà đầu tư ngoài phương Tây. Một chuyển dịch chính sách linh hoạt, hợp lý sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đứng vững trước các biến động thế giới đầy phức tạp trong năm 2024 và những năm tiếp tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới