Thông tin về vị cựu ngoại trưởng và Nhật Bản đã không được nhắc đến tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.
Trong chính trị Trung Quốc, những điều không được nói ra thường ám chỉ một sự thật phũ phàng.
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại) năm nay, kết thúc vào ngày 11/03 vừa qua, nhưng để lại một loạt câu hỏi chưa được trả lời.
Đứng đầu danh sách những điều cấm kỵ mà các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước không dám nhắc đến tại kỳ họp Quốc hội thường niên là những bí ẩn xoay quanh việc cựu ngoại trưởng Tần Cương bất ngờ bị sa thải vào năm ngoái và những thay đổi nhân sự ngoại giao theo sau.
Nhiều quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ Ngoại giao nước này đã kỳ vọng một bộ trưởng mới sẽ được bổ nhiệm tại kỳ họp lần này. Vương Nghị, thành viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng, và là người tiền nhiệm trực tiếp của Tần, hiện đang đảm nhận vị trí này, nhưng đây được cho là một nhiệm vụ tạm thời.
Tuy nhiên, nhận thức đó bắt đầu thay đổi kể từ thời điểm Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2. Đó là lúc những bình luận đầy ngờ vực bắt đầu râm ran trong nội bộ chính giới Bắc Kinh. “Có thể ghế ngoại trưởng sẽ không thay đổi trong một thời gian.”
Ngay trước khi Nhân đại toàn quốc khai mạc vào ngày 5/3, đã có thông báo rằng Tần Cương không có tên trong danh sách đại biểu tham dự, nhưng đó là toàn bộ tin tức về ông, ngoài ra, không có ngoại trưởng mới nào được nêu tên.
Kể từ năm ngoái, truyền thông nước ngoài đã đưa tin về chuyện Tần ngoại tình với một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc và họ đã có một đứa con với sự giúp đỡ của một người đẻ thuê ở Mỹ. Ngoài ra còn có các thông tin rò rỉ từ bên trong nội bộ Trung Quốc, rằng một cuộc điều tra về “lối sống” của Tần đang được tiến hành, một động thái có thể hiểu là Bắc Kinh ngầm xác nhận vụ bê bối được báo cáo.
Gần đây, các quan chức đã công khai bàn tán về “các vấn đề liên quan đến phụ nữ” xoay quanh vị cựu ngoại trưởng. Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp trừng phạt nào được đưa ra.
Nhiều khả năng, đội ngũ lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa thể quyết định sẽ giải quyết vấn đề như thế nào.
Tần được cho là người được Tập yêu thích.
Vụ bê bối có thể sẽ trở nên phức tạp hơn nếu người ta phát hiện ra rằng các hành động của người dẫn chương trình truyền hình, vốn có lịch trình làm việc dày đặc ở nước ngoài, có thể đã gây tổn hại đến ngoại giao hoặc an ninh của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Tập còn một vấn đề phức tạp khác cần giải quyết – cuộc tranh giành quyền lực giữa các trợ lý thân cận của ông, nhiều người trong số họ đã thể hiện lòng trung thành với chủ tịch nước, nhưng họ lại chưa đoàn kết với nhau. Tập cần cẩn thận phân tích xem điều gì đang thực sự diễn ra. Những người được ông bảo trợ này đang tuyệt vọng tìm cách tồn tại trong một hệ thống đơn cực mang lại cho Tập quyền lực vô song; họ sẽ làm bất cứ điều gì để hạ bệ đối thủ.
Những vụ “mách nước” theo kiểu Trung Quốc đã xảy ra thường xuyên hơn dưới thời Tập, bằng chứng là sự biến mất đột ngột của nhiều lãnh đạo đảng và cán bộ sau cuộc chiến chống tham nhũng của chủ tịch nước.
Trong bầu không khí này, tung tích của Tần đã trở thành chủ đề cấm kỵ tại phiên họp thường niên của Nhân đại, vốn được rút ngắn xuống còn bảy ngày.
Vương Nghị không hề đề cập đến vấn đề này khi gặp các phóng viên vào ngày 7/3. Ông hiểu rằng việc thảo luận về Tần trước khi lãnh đạo tối cao đưa ra quyết định cuối cùng là hành động vô cùng nguy hiểm về mặt chính trị.
Một vấn đề khác mà Vương không đề cập đến trong cuộc họp báo kéo dài một tiếng rưỡi là quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Nhật Bản.
Ông đã nhận câu hỏi từ 21 nhà báo trong và ngoài nước, nhưng không có nhà báo nào từ Nhật Bản, và điều này rất bất thường.
Từ châu Á, các nhà báo Hàn Quốc và Indonesia đã đặt câu hỏi cho Vương. Các phóng viên châu Phi, Mỹ, và châu Âu cũng được mời đến. Nhưng chẳng một ai đề cập đến các vấn đề liên quan đến Nhật Bản.
Quan hệ Trung-Nhật đã trở thành một chủ đề nhạy cảm đối với Trung Quốc và Vương Nghị.
Cuộc họp báo diễn ra chỉ bốn ngày trước lễ kỷ niệm 13 năm trận động đất kinh hoàng tấn công Nhật Bản vào ngày 11/03/2011, gây ra trận sóng thần tàn khốc và làm hỏng nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Nếu Vương có những phát biểu mạnh mẽ về lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản do Trung Quốc áp đặt nhằm đáp trả việc xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, hậu quả sẽ ra sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông đưa ra những nhận xét cứng rắn liên quan đến việc Trung Quốc bắt giữ giám đốc điều hành hãng dược phẩm Astellas Pharma của Nhật Bản?
Rất có thể Nhật Bản sẽ phản ứng dữ dội, gây ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế của Trung Quốc với nước láng giềng. Đây là điều Trung Quốc không mong muốn khi quan hệ của nước này với Mỹ không có dấu hiệu cải thiện, và nền kinh tế của nước này vẫn sa lầy trong tình trạng ảm đạm.
Vương biết rất rõ hậu quả có thể xảy ra.
Tại cuộc họp báo, ông đã bắt đầu nói về đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Ông thậm chí còn đề cập đến tầm quan trọng của “ngoại giao kinh tế,” dường như là do nhận thức được sự sụt giảm gần đây của đầu tư trong nước.
Trong khi đó, phiên họp năm nay của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp), cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước, chỉ toàn những lời sáo rỗng. Phiên họp thường niên, được tổ chức song song với kỳ họp Quốc hội, đã tìm cách tung hô một “tương lai tươi sáng” nhờ “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” dưới sự lãnh đạo của đảng.
Những lời này cộng hưởng với bầu không khí chính trị hiện tại, trong đó mọi người được khuyến khích chỉ nói những điều tốt đẹp về Trung Quốc. Trong khi các vấn đề nghiêm trọng như thanh niên thất nghiệp chạy sang Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản lại không được thảo luận.
Bất chấp bầu không khí đó, một bài viết bất thường trên mạng đã tiết lộ một sự thật quan trọng, gây chấn động giới giáo dục và ngoại giao Trung Quốc.
Đó là bài viết của một nhân vật có thẩm quyền: Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng, đồng thời là thành viên của Chính hiệp.
Bài viết này, được đăng trên một trang liên quan đến Đại học Bắc Kinh, đã tiết lộ một đề xuất mà Giả đã đệ trình lên cơ quan cố vấn chính trị.
Cụ thể, ông viết “Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên nước ngoài từ các nước phát triển đến học tại Trung Quốc đã giảm mạnh. Theo dữ liệu công khai, số lượng sinh viên Mỹ học tập tại Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 350 người vào năm 2023, từ mức đỉnh khoảng 15.000 hồi một thập niên trước.”
Giả tiết lộ số lượng sinh viên Hàn Quốc tại Trung Quốc cũng giảm mạnh, gần 80% so với mức đỉnh vào năm 2017.
Tình hình hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, khi hàng loạt sinh viên nước ngoài rời Trung Quốc. Người Mỹ hồi đó đã lũ lượt rời khỏi Trung Quốc, nhưng số người ở lại chắc chắn vẫn nhiều hơn 350, đặc biệt là tại các trường đại học ở các thành phố nhỏ hơn, với tình hình an ninh ổn định hơn.
Quan trọng hơn là phần sau của bài viết, trong đó vị giáo sư phân tích lý do tại sao số lượng sinh viên nước ngoài ở Trung Quốc lại giảm mạnh và đề xuất các biện pháp đối phó với xu hướng này.
“Hướng dẫn chi tiết về việc triển khai các luật như luật chống gián điệp cần được sớm ban hành để giải thích những điểm còn mơ hồ trong luật,” ông viết. “Làm thế mới giúp bảo vệ và khuyến khích nghiên cứu học thuật hợp pháp.”
Ông nói rằng sự mơ hồ về các khái niệm và phạm vi của các luật liên quan đến an ninh quốc gia mà Trung Quốc ban hành trong những năm gần đây đang khiến các sinh viên Mỹ và nhiều nước khác rời khỏi Trung Quốc vì lo sợ.
Thẳng thắn chỉ trích những sai sót trong chính sách của bộ máy an ninh quốc gia – hiện đang ở đỉnh cao quyền lực – là một hành động dũng cảm ở Trung Quốc ngày nay.
Các hoạt động trao đổi quốc tế ở các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, và các tổ chức khác đã gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng. Nếu Trung Quốc tiếp tục đóng cửa theo cách này, họ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì năng lực khoa học và công nghệ hiện tại.
Không rõ liệu Chính hiệp có nghiêm túc xem xét đề xuất của Giả hay không. Nhưng chí ít có một điều chắc chắn: Bài viết này đã gây xôn xao khắp xã hội Trung Quốc.
Nhân đại năm nay bế mạc mà không có cuộc họp báo của thủ tướng như truyền thống. Và nhiều chủ đề quan trọng đã bị bỏ qua trong phiên họp – hoàn toàn trái ngược với khung cảnh 26 năm trước.
Tháng 3/1998, Chu Dung Cơ có tư tưởng cải cách, người được bầu làm thủ tướng trong phiên họp quốc hội cùng năm, đã trò chuyện với các nhà báo tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
“Tôi muốn nói rõ rằng tôi hoan nghênh mọi câu hỏi từ tất cả các vị, không có giới hạn nào ở đây cả,” ông nói với họ. “Tôi sẽ rất vui lòng trả lời.”
Quả thực, ông đã làm điều đó một cách lạc quan và vui vẻ.
Nhờ các sáng kiến của Chu, Trung Quốc đã bắt tay thực hiện một loạt các cải cách và khiến thế giới ngạc nhiên khi tiến vào kỷ nguyên tăng trưởng nhảy vọt. Tuy nhiên, ngày nay không có người kế nhiệm nào của Chu dám “hoan nghênh mọi câu hỏi.”
T.P