NATO sẽ tan rã? Xung đột Nga – Ukraine có chấm dứt? Hòa bình lập lại ở Trung Đông? Theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, đó là những câu hỏi được đặt ra nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Tháng 11 tới, ông Joe Biden và Donald Trump sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Trò chuyện với Viettimes, ngoài phân tích về cơ hội của 2 ứng viên, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh còn đưa ra nhận định về cách giải quyết các vấn đề lớn của tân tổng thống Mỹ.
Chính sách đốingoại thay đổi quá nhiều
- Nhiều nhà bình luận quốc tế nhận xét rằng chính sách đối nội của ông Joe Biden và Donald Trump có nhiều khác biệt, thậm chí là đối nghịch, nếu một trong hai ứng cử viên đắc cử lần hai. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại lại không có nhiều điểm quá khác biệt nếu một trong hai vào Nhà Trắng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Quang Vinh: Về đối nội, như tôi đã phân tích trước đó, giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden có nhiều khác biệt. Nhưng với chính sách đối ngoại, khác biệt lại không quá lớn nếu một trong hai ứng cử viên chiến thắng ở nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Ông Trump vẫn sẽ tiếp tục thất thường và thích đối đầu, đặc biệt là với các đồng minh NATO của Mỹ, giống như cái cách ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng ở các khía cạnh khác, nhiệm kỳ thứ hai của ông nhiều khả năng sẽ không khác với những gì mà ông Biden sẽ làm nếu ông cầm quyền thêm 4 năm.
Để chứng minh điều này, chúng ta hãy xem xét cách mà hai ứng cử viên sẽ giải quyết các vấn đề được cho là quan trọng nhất trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại hiện nay: Ukraine, Trung Quốc, Trung Đông.
Ông Trump từng tuyên bố trong các cuộc tranh cử rằng nếu đắc cử năm 2024, chỉ trong một ngày ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine, mặc dù không nói rõ bằng cách nào. Còn đương kim Tổng thống Biden vẫn ủng hộ Ukraine. Điều này có thay đổi?
Ông Phạm Quang Vinh: Khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu, chính quyền Biden đã dồn toàn lực ủng hộ Ukraine, bất chấp sự phản đối của một số thành viên đảng Cộng hòa và sự bi quan ngày càng lớn về khả năng Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến hoặc giành lại lãnh thổ đã mất.
Ukraine và các đồng minh phương Tây lo lắng rằng ông Trump sẽ cắt hết các khoản hỗ trợ của Mỹ, bỏ mặc cho Ukraine tự định đoạt. Vì vậy, nhiều người nghĩ rằng việc ông Trump đắc cử sẽ mang lại thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề là ông Biden có thể sẽ đi theo con đường tương tự nếu đắc cử, ngay cả khi ông theo đuổi nó theo một cách khác. Cuộc chiến đã thay đổi theo hướng bất lợi cho Ukraine trong năm 2023, dù những người ủng hộ nước này liên tục đưa ra những kế hoạch lạc quan nhằm đảo ngược vận mệnh của nước này. Hy vọng của họ gần như chắc chắn là viển vông, và chính quyền Mỹ có lẽ cũng biết điều đó.
Ông Biden và đội ngũ của ông sẽ không thừa nhận điều này trước cuộc bầu cử, vì nó sẽ làm nảy sinh tâm lý hoài nghi về cách họ xử lý cuộc chiến tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, nếu giữ được ghế tổng thống, ông Biden có thể gây áp lực buộc chính quyền Ukraine phải thiết lập các mục tiêu thực tế hơn và tiến tới một giải pháp thương lượng.
Nhìn chung, cả hai chính quyền sẽ cố gắng đàm phán để chấm dứt chiến tranh sau tháng 1/2025, và thỏa thuận đạt được có thể sẽ gần với các mục tiêu chiến tranh đã nêu của Nga hơn là của Ukraine.
Với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc thì sao? Nhiều người cho rằng chính sách đối với Trung Quốc của ông Trump mạnh mẽ và quyết liệt hơn ông Biden. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Phạm Quang Vinh: Khi nói đến quan hệ với Trung Quốc, tôi cho rằng cả ông Biden và ông Trump đều sẽ có cùng một quan điểm trong nhiệm kỳ thứ hai của họ.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn không?
Ông Phạm Quang Vinh: Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã phá vỡ các chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc trước đó và phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh bằng các đòn thuế quan mạnh tay. Ông Trump có thể sẽ thực hiện chính sách đó một lần nữa nếu trở lại Nhà Trắng.
Vừa qua, ông Trump đề xuất tự động áp thuế với mọi loại hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ hàng nội địa của Mỹ. “Khi họ vào Mỹ và bán phá giá sản phẩm, họ phải nộp thuế. Có thể là mức 10%. Số tiền đó sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ”, ông Trump từng nói với Fox Business
Tuy nhiên, giới quan sát cũng lưu ý rằng chính sách Trung Quốc dưới thời ông Biden không hề dễ chịu hơn so với thời của Trump. Tất cả các biện pháp trừng phạt Trung Quốc của ông Trump, ông Biden đều thực hiện, thậm chí Mỹ còn áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm cản trở nỗ lực thống trị một số lĩnh vực quan trọng về công nghệ cao của Bắc Kinh.
Tóm lại, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi nhiều dù kết quả có ra sao vào tháng 11 tới. Cả chính quyền của ông Trump và ông Biden đều xác định Trung Quốc là một trong những thách thức hàng đầu của Mỹ. Chính sách về Trung Quốc cũng là một trong số ít lĩnh vực nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của lưỡng đảng.
Vấn đề đối ngoại nhức nhối: Trung Đông
Còn vấn đề Trung Đông thì sao, thưa ông?
Ông Phạm Quang Vinh: Chính quyền ông Biden đã ủng hộ chiến dịch chống Hamas của Israel, dù vẫn thúc đẩy “Giải pháp hai nhà nước” (Two-State Solution) cho phép người Palestine có đất nước và chủ quyền riêng. Mục tiêu này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đồng minh Israel, song Nhà Trắng tin rằng đây là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình và ổn định khu vực.
Khi còn là Tổng thống Mỹ, ông Trump từng từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem và đóng cửa văn phòng lãnh sự quán Mỹ về các vấn đề Palestine ở Washington.
Ông Trump ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab. Tuy nhiên, dường như ông chẳng làm gì để giải quyết hoàn cảnh của 5 triệu người Palestine đang sống dưới sự cai trị khắc nghiệt của Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Giới quan sát nhận định nhiệm kỳ hai của ông Trump có thể tiếp tục tập trung cho đối nội, không để Mỹ lún sâu hơn vào những cuộc xung đột tốn kém ở Trung Đông, thay vì theo đuổi chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa can thiệp, truyền thống hơn như ông Biden.
Không có lý do gì để mong đợi sự khác biệt trong chính sách Trung Đông của Mỹ, dù là ông Trump hay Biden đắc cử trong năm nay. Cả hai đều không có khả năng gây áp lực đáng kể nào để buộc Israel thay đổi hướng đi. Ông Trump có lẽ chưa bao giờ bày tỏ sự quan tâm đến một bên cụ thể, nhưng ông nắm rõ việc cân bằng ảnh hưởng chính trị ở Mỹ, và thành kiến chống Hồi giáo của ông đã được ghi lại rõ ràng.
Trong khi đó, nhiệm kỳ thứ hai của ông Biden có thể chứng kiến nỗ lực khôi phục một loại tiến trình hòa bình nào đó, nhưng khó hy vọng nó sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn so với những nỗ lực trước đây của Mỹ.
Mỹ có rút khỏi NATO?
Theo giới truyền thông, ông Trump từng nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rằng “Mỹ sẽ không bao giờ giúp đỡ và hỗ trợ nếu châu Âu bị tấn công”, “NATO đã chết, chúng tôi sẽ rời liên minh. Các vị vẫn nợ tôi 400 tỉ USD vì không chi trả những khoản cần thiết cho quốc phòng”… Theo ông, ông Trump sẽ làm như vậy nếu đắc cử?
Ông Phạm Quang Vinh: Việc ông Trump có thực sự đưa ra những bình luận như vậy hay không cũng không quan trọng đối với các quan chức châu Âu, bởi quan điểm của ông ấy về vấn đề này đã được biết đến từ lâu. Khi còn ở Nhà Trắng, ông thường xuyên chỉ trích NATO, đề cập đến việc cắt giảm ngân sách cho khối.
Tuy nhiên, quan điểm rằng cựu Tổng thống Trump vẫn giữ quan điểm này và việc ông có thể sớm quay trở lại Nhà Trắng đã gây ra mối lo ngại thực sự trên khắp châu Âu. Thực tế này đã khiến châu Âu phải tự đánh giá lại chính sách an ninh của mình. Nhiều quan chức kết luận rằng châu Âu cần chuẩn bị cho một tương lai mà họ không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ như trước đây.
Về thương mại, châu Âu đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm phụ thuộc vào các quốc gia đơn lẻ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng để không bị rơi vào thế khó nếu một đối tác thương mại đột ngột thay đổi chính sách – như việc ông Trump từng áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ EU.
Chắc chắn các quan chức châu Âu không che giấu mong muốn rằng ông Trump không trở lại Nhà Trắng. Christine Lagarde, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu, tuần trước còn nói rằng việc cựu Tổng thống Mỹ tái đắc cử sẽ là “mối đe dọa” đối với châu lục.
Theo ông, ông Trump có đủ thẩm quyền để rút Mỹ khỏi NATO nếu đắc cử?
Ông Phạm Quang Vinh: Rời khỏi NATO sẽ không hề dễ dàng đối với ông Trump. Nếu đưa ra quyết định như vậy, ông ấy sẽ vấp phải hàng loạt rào cản về thể chế. Sau khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2016, do lo ngại về các hành động liều lĩnh của ông ấy, giới chính trị lưỡng đảng đã tìm cách bổ sung luật nhằm bù lấp các lỗ hổng về pháp lý, hạn chế quyền của tổng thống.
Năm 2019, Thượng Viện Mỹ, do đảng Dân chủ kiểm soát, đã thông qua một dự luật, đòi hỏi việc rút khỏi NATO phải được ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ. Trước đó, theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống buộc phải có sự chấp thuận của Quốc Hội mới được phép ký kết một hiệp ước quốc tế, nhưng việc rút khỏi NATO lại không đòi hỏi thủ tục này.
Sau Thượng Viện, đến tháng 12/2023, Hạ Viện Mỹ, do phe Cộng Hòa kiểm soát, đã ra luật đòi hỏi việc rút khỏi NATO phải được Hạ Viện cho phép. Luật này yêu cầu Tổng thống Mỹ chỉ được phép rút khỏi NATO, hay đình chỉ việc tham gia khối liên minh này, nếu Hạ viện ra luật, hoặc được 2/3 thượng nghị sĩ chấp thuận. Và kế hoạch rút khỏi NATO phải được đệ trình 180 ngày trước khi thực thi.
Theo giới quan sát, các điểm bổ sung luật này rõ ràng trực tiếp nhắm vào ông Donald Trump, hạn chế khả năng hành động của ông nếu trở lại nắm quyền.
- Rút khỏi NATO có thực sự là mong muốn của ông Trump?
Ông Phạm Quang Vinh: Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố nói trên vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc tranh cử trong nội bộ đảng Cộng hòa, mà ông coi như đã nắm chắc phần thắng. Tuyên bố dữ dội chưa từng có của cựu Tổng thống Mỹ là về việc sẵn sàng để mặc cho Nga tấn công một “nước đồng minh”, nếu quốc gia này không đóng góp đủ cho chi phí quốc phòng. Có thể hiểu đây như một thủ đoạn tranh cử, nhằm thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng ghi nhận ông Trump đưa ra tuyên bố theo hướng này không chỉ một lần. Điều này cho thấy đó không phải một trò đùa, bởi lập trường này tương ứng với ‘‘chủ nghĩa biệt lập’’ của nước Mỹ, mà bản thân ông Trump đang tuyên truyền và cỗ vũ; và lập trường này ngày càng giành được nhiều sự ủng hộ trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Một vấn đề nữa là, nếu quyết định chống lại NATO, ông Trump chỉ cần tung lên mạng xã hội một nhận định theo hướng này là đủ để ‘‘khai tử’’ niềm tin vào tinh thần đoàn kết của NATO. Lúc đó, tiếng nói của Quốc hội, của truyền thông, của nội bộ đảng Cộng hòa sẽ còn rất ít ý nghĩa.
Châu Âu giờ đây bắt buộc phải chấp nhận đối mặt với hai thách thức nhãn tiền: Có thể bị Nga tấn công và có thể bị Mỹ bỏ rơi. Ông Trump rất có thể chọn khả năng thỏa hiệp với Nga, ngoảnh mặt với châu Âu và Ukraine, để cố gắng tách Nga khỏi Trung Quốc, nhằm đối phó tốt hơn với đối thủ chính.
Nếu ông Trump đắc cửa Việt Nam sẽ được lợi gì?
Với Việt Nam chúng ta, ông Trump đắc cử sẽ có những thuận lợi khó khăn gì, theo ông?
Ông Phạm Quang Vinh: Có lẽ, Việt Nam chịu tác động lớn nhất là từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ dưới thời ông Trump.
Nếu thắng cử, khả năng cao là ông Trump sẽ tiếp tục thực hiện chính sách như trong nhiệm kỳ đầu, đó là tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế nhập khẩu, từ đó gây ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu. Trong số các nước không có thỏa thuận tự do mậu dịch với Washington, Việt Nam nằm trong số những nước phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu hàng điện tử, cũng như những sản phẩm dễ bị hải quan Mỹ nâng thuế trong trường hợp ông Trump trở thành Tổng thống.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc nếu ông Trump đắc cử Tổng thống. Dưới thời chính quyền Trump trước đây, Việt Nam là một trong những nước thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài sau khi ông Trump tăng thuế đối với sản phẩm Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng này có thể sẽ gia tăng dưới thời Trump, nếu ông tái đắc cử.
Ngược lại, nếu ông Joe Biden tái đắc cử, sẽ không có bất kỳ thay đổi nào trong việc ủng hộ ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Đây là một trong những trọng tâm của chính sách “hữu nghị” của ông Biden nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp liên quan đến Trung Quốc.
T.P