Thành ngữ Việt Nam có câu “Già đòn non nhẽ”, ý muốn nói tới những người luôn dùng sức mạnh, vũ lực để áp đảo, khống chế, bắt nạt người khác, mà không đủ bằng chứng, lý lẽ thuyết phục.
Trên Biển Đông thời gian qua cũng luôn có tình trạng này. Kẻ dùng “đòn” thường là kẻ mạnh, lấn lướt, bắt nạt kẻ khác, không làm sao chứng minh được mình đúng. Cụ thể ở đây là Trung Quốc và Mỹ.
Hôm 20/3, Bắc Kinh lên tiếng, yêu cầu Washington phải kiềm chế “khuấy động vấn đề”, không được chọn phe trong vấn đề Biển Đông. Làm gì có “phe” khi chân lý chỉ có một, anh đúng thì tôi sai, vậy thôi.
Vì sao Bắc Kinh lại tuyên bố có phần căng thẳng như vậy? Chẳng là, ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, vừa có lời nhắn nhủ đến các bên liên quan rằng, “thỏa thuận an ninh với Malina đã mở rộng đến việc phản ứng với các cuộc tấn công vào cảnh sát biển Philippines”. (Tin chi tiết do Hãng Reuters đưa).
“Mở rộng” là một khái niệm mập mờ chiến lược, khiến Bắc Kinh giận dữ. Có nghĩa là, nếu Trung Quốc tấn công vào cảnh sát biển Philippines thì Mỹ sẽ không để yên. Họ dứt khoát phải hỗ trợ nhau nếu cuộc tấn công đó nhằm vào Philippines, hoặc Mỹ. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện thường kỳ ở Biển Đông, với các hoạt động bay giám sát, tuần tra tự do hàng hải, tập trận với các đồng minh và đối tác để khẳng định khu vực này là vùng biển quốc tế.
Phản ứng ngay sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã phát đi tuyên bố nói rằng, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua là “hợp pháp và đúng luật”. Những phát biểu của ông Blinken đã “phớt lờ thực tế, cáo buộc Trung Quốc một cách vô căn cứ”. Mỹ sao dám “đe dọa Trung Quốc” bằng cái gọi là những bổn phận theo Hiệp định Phòng thủ Chung Mỹ – Philippines”. Hiệp định này chỉ là một “quái thai” (!).
Về cái gọi là “bổn phận”, vào năm 2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã thúc ép Washington làm rõ phạm vi của cam kết an ninh trong Hiệp định phòng thủ chung đó. Và rồi, giờ đây Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã giải thích: Thỏa thuận an ninh 1951 đã bao gồm việc phản ứng lại các cuộc tấn công vào quân đội, tàu và máy bay công cộng, cũng như cảnh sát biển Philippines.
Do cái thỏa thuận này mà Bắc Kinh quy kết, Mỹ là kẻ đe dọa hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Sự thật là, Mỹ không phải là một bên trong vấn đề tranh chấp trong khu vực. Nhà Trắng không có quyền can thiệp vào những vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Philippines.
Nói rõ hơn việc này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho rằng, Mỹ luôn nói rằng muốn bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, nhưng thực tế là họ muốn bảo vệ tự do hàng hải của… các tàu chiến Mỹ. Tại hiện trường, các tàu chiến và máy bay của Mỹ đã di chuyển hàng nghìn dặm tới thềm cửa của Trung Quốc để phô trương sức mạnh và kích động mâu thuẫn. Đây là hành động bá chủ, cá lớn nuốt cá bé.
Nghe qua thì thấy có lý. Nhưng không phải. Điều này chỉ có lý khi tôn trọng luật pháp quốc tế. Trung Quốc vẫn cố tình phớt lờ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế tại Liên hợp quốc, Lahaye, vào năm 2016. Tòa tuyên rõ: Bác bỏ yêu sách “Đường 9 đoạn” nuốt gần hết Biển Đông. Thế nhưng, tám năm trôi qua, Bắc Kinh vẫn nói và làm ngang ngược như thế, vẫn non về “nhẽ” và già về “đòn”.
“Đòn” của Trung Quốc là những hành vi tấn công, cưỡng bức không chính đáng và các hành động nguy hiểm, gần đây nhất là việc bắn vòi rồng làm bị thương các thủy thủ của Philippines. Vậy làm sao có thể tin được sự chân thành của họ trong việc kêu gọi đối thoại hòa bình và giảm căng thẳng trên Biển Đông?
Trong khi chỉ trích Mỹ “can thiệp thô bạo” thì Trung Quốc luôn bất chấp mọi phản đối của các nước láng giềng ở khu vực và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhất là Philippines, Việt Nam, Indonesia… Các cuộc tập trận, các cuộc đưa tàu chiến vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác mang nhiều thông điệp.
Thông điệp đó là, đối với các quốc gia Đông Nam Á, những cuộc tập trận của Trung Quốc khoe tàu bè, súng ống hiện đại mang hàm ý, nếu quốc gia nào có hành động phản kháng, thì hãy liệu hồn! Cả gan chống lại sẽ phải đối diện với sức mạnh quân sự khổng lồ của Trung Quốc. Tốt nhất là nên đối thoại, hợp tác riêng rẽ với Trung Quốc.
Đối với Mỹ, Trung Quốc gửi một thông điệp khác: Vùng biển rộng lớn này là của Trung Quốc. Mỹ biết điều thì nên lùi về châu Mỹ cho yên thân!
Thông điệp gì, hàm ý gì thì cũng không thay được lí lẽ. Tâm không sáng thì trí bấn loạn. Và sự đe dọa lẫn nhau rốt cuộc cũng chỉ là những trận “võ mồm” chỉ khiến cho ngân sách quốc phòng ở cả hai cường quốc tăng cao chót vót, kinh tế sa sút, đình trệ.
H.Đ