Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNghị quyết đầu tiên về trí tuệ nhân tạo của LHQ

Nghị quyết đầu tiên về trí tuệ nhân tạo của LHQ

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21.3 nhất trí thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm khuyến khích các nước bảo vệ nhân quyền, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giám sát rủi ro AI.

Nghị quyết không mang tính ràng buộc do Mỹ đề xuất và được Trung Quốc cùng 122 quốc gia khác đồng bảo trợ, được thông qua bằng hình thức đồng thuận mà không cần bỏ phiếu. Nghị quyết mất 3 tháng để đàm phán và ủng hộ việc tăng cường các chính sách về quyền riêng tư, theo Reuters hôm nay 22.3. Đây là lần đầu tiên Đại hội đồng thông qua nghị quyết về lĩnh vực này.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Hôm nay, tất cả 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã cùng nhau lên tiếng và lựa chọn quản lý trí tuệ nhân tạo thay vì để nó chi phối chúng ta”.

“Việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo không đúng cách hoặc có ác ý gây ra những rủi ro có thể làm suy yếu việc bảo vệ, thúc đẩy, tận hưởng các quyền con người và quyền tự do cơ bản”, theo nghị quyết.

Đại hội đồng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và các bên liên quan kiềm chế hoặc chấm dứt việc sử dụng các hệ thống AI không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, hay gây ra những rủi ro quá mức đối với việc thực hành nhân quyền. Đại hội đồng cũng kêu gọi khu vực tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và phương tiện truyền thông phát triển và hỗ trợ các phương pháp điều hành và quản trị việc sử dụng AI một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, theo thông tin chính thức trên trang web của Liên Hiệp Quốc.

Nghị quyết đề nghị các nước thành viên Liên Hiệp Quốc và các bên liên quan hợp tác, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để họ có thể thụ hưởng việc tiếp cận toàn diện, công bằng, thu hẹp khoảng cách và nâng cao trình độ kỹ thuật số.

Đây là sáng kiến mới nhất trong những sáng kiến của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể là sự lo ngại về việc AI có thể được sử dụng để phá vỡ các quy trình dân chủ, tăng nguy cơ gian lận hoặc dẫn đến mất việc làm nghiêm trọng cùng nhiều tác hại khác. Tuy nhiên chỉ mới một vài trong số các sáng kiến đó mang lại hiệu quả, theo Reuters.

Vào tháng 11.2023, Mỹ, Anh và hơn chục quốc gia khác đã công bố thỏa thuận quốc tế chi tiết đầu tiên về cách đảm bảo an toàn AI trước những kẻ lừa đảo, đồng thời thúc đẩy các công ty tạo ra các hệ thống AI “an toàn ngay trong bước thiết kế”.

Châu Âu đang đi trước Mỹ với việc các nhà lập pháp EU thông qua một thỏa thuận tạm thời trong tháng 3 để giám sát công nghệ AI.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thúc giục các nhà lập pháp nước này tiến tới quy định về AI, nhưng một Quốc hội Mỹ đang bị phân cực thì khó tạo ra bước tiến. Hiện đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang nắm thế đa số ở một viện của Quốc hội Mỹ.

Trong khi đó, Nhà Trắng tìm cách giảm thiểu rủi ro AI cho người tiêu dùng, người lao động và các nhóm thiểu số, đồng thời củng cố an ninh quốc gia bằng sắc lệnh hành pháp mới vào tháng 10.2023.

Khi được hỏi liệu các nhà đàm phán có gặp phải sự phản đối từ Nga hay Trung Quốc không, các quan chức Mỹ thừa nhận đã có “rất nhiều cuộc đối thoại nảy lửa… nhưng chúng tôi đã tích cực thương lượng với Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác vốn thường không đồng quan điểm với chúng tôi về các vấn đề”.

“Chúng tôi tin rằng nghị quyết này tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc thúc đẩy phát triển hơn nữa đồng thời tiếp tục bảo vệ nhân quyền”, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới