Khi xung đột Nga – Ukraine kéo dài, tình trạng kho vũ khí phương Tây và khả năng tăng cường sản xuất đạn dược cũng được đề cập và ‘mổ xẻ’.
Theo Financial Times, khi xung đột Nga – Ukraine kéo dài, các nước ủng hộ Kiev ngày càng lo ngại về khả năng tăng cường sản xuất đạn dược và kho dự trữ vũ khí của họ. Mối đe dọa không chỉ dừng lại ở việc tiếp tục cung cấp vũ khí, mà còn là các nước cần thể hiện mình có đủ cơ sở công nghiệp để sản xuất vũ khí cho một hệ thống phòng thủ đáng tin cậy, có khả năng đối phó với một cuộc tấn công.
“Ukraine khiến chúng tôi phải tập trung vào những gì thực sự quan trọng, đó là sản xuất”, quan chức Lầu Năm Góc William LaPlante, phát biểu trong một hội nghị tháng 12/2022.
Sau khi gửi hàng chục tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, chủ yếu từ nguồn dự trữ có sẵn, bộ quốc phòng của các nước thành viên NATO phát hiện ra rằng các dây chuyền sản xuất vũ khí không được tăng lên trong một sớm một chiều. Việc tăng công suất đòi hỏi phải đầu tư phụ thuộc vào việc đảm bảo các hợp đồng sản xuất dài hạn.
Các nước phương Tây gửi số lượng lớn vũ khí cho Ukraine, như tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger từ Mỹ, tên lửa chống tăng NLAW từ Anh, pháo tự hành Caesar từ Pháp,… Các quan chức quốc phòng và giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết có hai lý do chính khiến các quốc gia phương Tây gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp quân sự mới.
Đầu tiên là về mặt cấu trúc. Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, các quốc gia này đã tận dụng lợi ích hòa bình bằng cách cắt giảm chi tiêu quân sự, thu hẹp quy mô các ngành công nghiệp quốc phòng và chuyển sang sản xuất tinh gọn, “đúng lúc”, với lượng thiết bị tồn kho thấp. Đó là bởi vì việc chống lại quân nổi dậy và khủng bố không cần đến loại vũ khí hạng nặng vốn cần thiết trong các cuộc xung đột trên bộ cường độ cao.
Xung đột Ukraine thay đổi môi trường này. Với cuộc giao tranh dữ dội ở khu vực phía đông Donbass, trong 2 ngày, Nga sử dụng nhiều đạn dược hơn cả lượng đạn dược mà quân đội Anh dự trữ. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, tỷ lệ tiêu thụ pháo của Ukraine có thể làm trống kho dự trữ của Anh trong một tuần, và các đồng minh châu Âu khác cũng không khá hơn.
Mick Ryan, cựu thiếu tướng trong quân đội Australia, cho biết: “phương Tây gặp vấn đề với năng lực công nghiệp quốc phòng hạn chế. Sẽ cần phải có một chương trình mở rộng công nghiệp lớn nếu các quốc gia phương Tây muốn xây dựng lại năng lực thiết kế, sản xuất và dự trữ số lượng lớn đạn dược”.
Yếu tố thứ hai là quan liêu. Các chính phủ cho biết họ cam kết tăng ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế có quá nhiều bất ổn, họ chậm ký các hợp đồng mua sắm kéo dài nhiều năm mà khối công nghiệp quốc phòng cần để đẩy nhanh sản xuất.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của châu Âu cho biết: “Đó là vấn đề tài chính doanh nghiệp. Không công ty nào muốn đầu tư vào dây chuyền nhà máy thứ hai để thúc đẩy sản xuất mà không có sự chắc chắn về mặt hợp đồng lâu dài. Liệu Nga có còn là mối đe dọa trong 5 năm nữa không và nếu không thì liệu các chính phủ có còn mua vũ khí từ các công ty này không?”
Giám đốc điều hành công ty cho biết, sự thiếu chắc chắn này xảy ra ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Saab, công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ của Thụy Điển chuyên sản xuất máy bay chiến đấu NLAW và Gripen, cho biết họ đang đàm phán với một số chính phủ về các đơn đặt hàng nhưng tiến độ ký kết hợp đồng còn chậm.
“Khi nói đến lượng đơn đặt hàng kết nối trực tiếp với Ukraine… rất ít đơn thực sự xuất hiện hoặc xảy ra”, Micael Johansson, giám đốc điều hành của Saab, cho biết.
BAE của Anh cũng cho biết họ đàm phán với chính phủ nước này về việc tăng cường sản xuất một số loại đạn dược, trong khi các công ty quốc phòng Mỹ có những phàn nàn tương tự về việc thiếu “tín hiệu nhu cầu” rõ ràng từ Washington.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết: “Họ đang ở trong tình thế ‘phải cho tôi xem tiền’. Điều họ lo lắng là mở rộng công suất, sau đó chiến tranh sẽ kết thúc và bộ quốc phòng sẽ cắt hợp đồng”.
Trong khi đó một số nhà sản xuất quốc phòng đã làm hết công suất, với các ca làm việc 24 giờ một ngày.
“Khi chúng tôi hiểu rõ tín hiệu về nhu cầu sẽ như thế nào, chúng tôi sẵn sàng tài trợ để mở rộng công suất”, Frank St John, giám đốc điều hành của Lockheed Martin, công ty sản xuất hệ thống tên lửa pháo binh Himar và Javelin, cho biết.
T.P