“Tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra rằng PLA sẽ đáp ứng chỉ thị của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về việc sẵn sàng tấn công Đài Loan vào năm 2027…”. Đó là lời Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ, ông John Aquilino.
Ông John Aquilino nêu nhận định trên trong báo cáo tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 21/3 vừa qua. Ông nhấn mạnh: “Các hành động của PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc) cho thấy khả năng của họ trong việc đáp ứng mốc thời gian ông Tập muốn thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục bằng vũ lực nếu được chỉ đạo”.
Những người theo sát tình hình Trung Quốc – Đài Loan có thể thấy, trước đây không lâu, người tiền nhiệm của ông John Aquilino cũng từng cảnh báo như vậy. Cụ thể, hồi tháng 3.2021, phát biểu trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ khi sắp rời khỏi vị trí Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng với đưa ra “nguy cơ Bắc Kinh tấn công Đài Loan”, ông Davidson đã nói: “mối đe dọa hiển hiện trong thập kỷ này – trên thực tế là trong 6 năm tới”.
Hai ông lớn mỗi người một phách thì cần phải xét. Đằng này, không hẹn mà gặp, cả hai đều cùng một giọng. Vậy thì những bên liên quan trực tiếp là Đài Loan, và nữa, là Washington mà ai cũng biết, từ bao nhiêu năm nay đóng vai trò hậu thuẫn cho hòn đảo này – không quan tâm sao được?
Có người cho rằng, ông Tập Cận Bình bấy lâu nay “oan” quá. Oan là bởi nào đã bao giờ ông tuyên bố thẳng thời điểm thu hồi Đài Loan là năm 2027 đâu. Càng chẳng ai có thể chứng minh, ông hối thúc quân đội phải phát triển, trưởng thành, hiện đại hóa, tối tân hóa nhanh lên, để tới năm 2027 là khai hỏa phủ đầu hòn đảo Đài Loan bướng bỉnh không nghe lời nói nhẹ để tự giác quay trở về “đất mẹ”. Cũng vậy, danh chính ngôn thuận, đề cập tới quân đội, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc hiện nay dường như chưa bao giờ giao cho quân đội sứ mệnh thu hồi Đài Loan. Điều ông nhấn mạnh thường chỉ chung chung, kiểu như “cải thiện hệ thống an ninh quốc gia, tăng cường năng lực bảo vệ an ninh quốc gia, tăng cường quản trị an toàn công cộng, cải thiện hệ thống quản trị xã hội và bảo vệ mô hình phát triển mới của Trung Quốc với cấu trúc an ninh mới” – như trong phát biểu đầu năm 2023, tại phiên bế mạc kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa 14.
Mới đây nhất, ngày 7/3/2024, tại phiên họp toàn thể của Đoàn đại biểu cảnh sát vũ trang và quân đội tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, cái mới trong yêu cầu của ông với quân đội, là nhấn mạnh năng lực chiến lược trong các “lĩnh vực mới nổi” như một phần quan trọng của hệ thống và năng lực chiến lược quốc gia, liên quan đến sự phát triển chất lượng cao của kinh tế xã hội Trung Quốc, cũng như sự chủ động trong đấu tranh quân sự và an ninh quốc gia.
“Mới nổi” ở đây là gì? Chẳng có giải thích cụ thể. Nhưng căn cứ ý kiến đáp lại thảo luận của các đại biểu, có thể thấy, chúng không thể không liên quan các vấn đề như: phối hợp giữa chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh quân sự trên biển với bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải cùng phát triển kinh tế biển, nâng cao năng lực trù tính trên biển…
Nếu vậy, thì đã rõ: trọng tâm hiện nay của ông Tập trong phát triển PLA đều liên quan đến biển. Nói đến biển, thì tránh sao khỏi việc phải xướng lên những cái tên bao gồm Biển Đông, Hoa Đông – ở đó, đã và đang diễn ra những tranh chấp, xung đột hoặc tiềm ẩn xung đột giữa Trung Quốc với ít nhất là 5 nước trong ASEAN về chủ quyền Biển Đông; giữa Trung Quốc với Nhật Bản về tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư); giữa Trung Quốc đại lục với Đài Loan. Chỉ có điều, người đàn ông quyền lực cỡ không nhất thì cũng nhị thế giới như ông Tập Cận Bình, đủ khôn để không nói toạc ra tất cả, nhằm hạn chế phản ứng của Đài Loan, Mỹ và cộng đồng quốc tế. Nói cách khác, “mới nổi” – đó chính là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tính đến vấn đề Đài Loan.
Thứ hai, sự tăng tốc đầu tư cho quân đội của Trung Quốc trong nhiều năm gần đây. Trung Quốc đã bắt đầu quá trình cải cách quân đội từ thời ông Giang Trạch Dân, nhưng thực sự phải đến thời ông Tập, những nỗ lực đó mới được chuyển hóa thành kết quả.
Dễ dàng nhận thấy, ông Tập chú trọng hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Từ chiếc tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh hoán cải tử chiến hạm cũ Varyag của Ukraine, tới nay, Trung Quốc đã có thêm 2 tàu sân bay nữa, là tàu Sơn Đông và Phúc Kiến, đều tự đóng. Hải quân Trung Quốc cũng phát triển thành công tiêm kích hạm J-15, dựa trên mẫu Su-33 của Nga, để vận hành trên tàu sân bay. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được cho là tăng liên tiếp 27 năm, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, hai năm gần nhất, cùng ở mức gần 300 tỷ USD. Cùng với bước phát triển thần tốc của hải quân, không quân, Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận, thực chất, là ‘diễu võ giương oai’ với quy mô ngày một lớn, điển hình như cuộc tập trận bao vây cấm vận Đài Loan nhằm trả đũa Chủ tịch Hạ viện Mỹ – bà Pelosi – thăm Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Để làm gì? Để dằn mặt, trước hết là Đài Loan. Để thách thức Mỹ. Để đe các đối thủ khác trong khu vực phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông, dằn mặt Nhật Bản…
Và thứ ba, liên quan trực tiếp đến cái mốc 2027 mà nhiều người đoán định Trung Quốc sẽ khai hỏa. Người Trung Quốc vốn nặng bệnh hình thức. Nặng, nên họ thường phấn đấu để đạt được một cái gì đó đáng kể vào một thời điểm gắn với một sự kiện (thường là sự kiện chính trị) quan trọng. Năm 2027 kỷ niệm 100 năm thành lập PLA. Vậy thì, thành tích có ý nghĩa chính trị nhất thời điểm đó, hỏi có gì hơn việc PLA hoàn thành mục tiêu thống nhất Đài Loan về đại lục?
Dĩ nhiên, như Bắc Kinh vẫn nói, việc thu hồi Đài Loan bằng vũ lực chỉ là bất đắc dĩ, khi không thể đạt được mục tiêu đó bằng biện pháp hòa bình. Tới nay, với những gì đã và đang diễn ra, thu hồi Đài Loan bằng biện pháp hòa bình hẳn là chuyện tưởng tượng rồi. Trong khi đó, chỉ còn 3 năm nữa là tới mốc 2027.
Mới hiểu vì sao, ông Đô đốc Mỹ John Aquilino lại tỏ ra lo lắng đến thế.
T.V