Giá dầu tăng ngay sau khi Nga yêu cầu các công ty cắt giảm sản lượng dầu để đáp ứng mục tiêu của OPEC+.
Reuters dẫn ba nguồn tin trong ngành cho biết hôm 25.3 rằng, chính phủ Nga yêu cầu các công ty giảm sản lượng dầu trong quý 2 để đáp ứng mục tiêu sản xuất 9 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 6 theo cam kết với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Đầu tháng 3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo Nga sẽ cắt giảm sản lượng và giảm xuất khẩu dầu thêm 471.000 thùng/ngày trong quý 2, với sự phối hợp của một số thành viên OPEC+.
Nga có kế hoạch giảm dần xuất khẩu và chỉ tập trung vào việc giảm sản lượng. Ông Novak chưa đưa ra mức mục tiêu về sản lượng, nhưng sản lượng sẽ giảm xuống gần 9 triệu thùng/ngày trong tháng 6 nếu việc cắt giảm được thực hiện theo kế hoạch.
Các nguồn tin tiết lộ chính phủ đã đưa ra các mục tiêu cụ thể cho từng công ty, cho thấy ý định đáp ứng cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC+ để hỗ trợ giá dầu quốc tế.
Phil Flynn – nhà phân tích tại Price Futures – cho biết: “Nga thực hiện cam kết cắt giảm với OPEC+. Họ đang nhìn xa hơn các nguyên tắc cơ bản về cung – cầu hiện tại và xem xét sự thống nhất với OPEC+, cũng như nguy cơ xảy ra cú sốc giá lớn hơn trong tương lai”.
Theo các nguồn tin, việc cắt giảm sản lượng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cao điểm bảo trì theo mùa tại các nhà máy lọc dầu. Nhiều trong số các nhà máy này đã giảm sản lượng do ngừng hoạt động và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraina.
Cuối tháng trước, ông Novak nói rằng sản lượng dầu của Nga là 9,5 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga đã giảm từ mức cao nhất hàng năm là 11,7 triệu thùng/ngày trong năm 2019 xuống còn khoảng 10,8 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây do các hành động phối hợp với OPEC.
Nga quyết định không tiết lộ số liệu thống kê về sản xuất dầu thô vì nước này coi đây là dữ liệu mật sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Dữ liệu từ các nguồn cung cấp và tính toán của Reuters cho thấy sản lượng dầu của Nga trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6 dự kiến sẽ giảm lần lượt khoảng 3,6%, 4,1% và 4,9% so với tháng 3, phù hợp với cam kết của Nga về việc tự nguyện giảm sản lượng.
Ông Novak cho biết, Nga sẽ giảm sản lượng thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 4, xuất khẩu giảm 121.000 thùng/ngày so với mức tháng 3. Trong tháng 5, sản lượng sẽ giảm 400.000 thùng/ngày và xuất khẩu giảm thêm 71.000 thùng/ngày. Vào tháng 6, tất cả các đợt cắt giảm bổ sung sẽ là từ sản lượng dầu.
Con số nói trên không bao gồm sản lượng khí ngưng tụ, một loại dầu rất nhẹ – vào năm 2023 là khoảng 1,3 triệu thùng/ngày.
Trong bối cảnh Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở cả Nga và Ukraina, cũng như căng thẳng ở Dải Gaza, giá dầu thế giới đã tăng hôm 25.3.
Dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 1,32 USD hay 1,55%, ở mức 86,75 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giao kỳ hạn tăng 1,32 USD, tương đương 1,64%, ở mức 81,95 USD.
Cả hai loại dầu chuẩn này đều tăng đều đặn trong năm nay, với dầu Brent tăng gần 11% và dầu WTI tăng khoảng 12,5% vào cuối ngày 22.3, do kỳ vọng rằng lãi suất ở các nền kinh tế lớn sẽ giảm vào mùa hè, cũng như do căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông.
Hiroyuki Kikukawa – Chủ tịch NS Trading, một đơn vị của Nissan Securities – cho biết, các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Nga và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina đã làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng một nhà máy lọc dầu khác của Nga đã bị mất một nửa công suất trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cuối tuần qua. Theo tính toán của Reuters, đây là nạn nhân mới nhất sau một loạt các cuộc tấn công của Ukraina trong tháng này, khiến 7% tổng công suất lọc dầu phải đóng cửa.
T.P