Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2024 diễn ra từ ngày 24-25.3 với chủ đề “Sự phát triển không ngừng của Trung Quốc”. Khoảng 400 đại biểu đã tham dự lễ khai mạc diễn đàn ngày 24.3.
“Chúng tôi chân thành chào đón các công ty từ tất cả các quốc gia đầu tư vào Trung Quốc và củng cố chỗ đứng tại Trung Quốc” – Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu ngày 24.3. Ông Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ nghiên cứu kỹ các vấn đề về tiếp cận thị trường, luồng dữ liệu xuyên biên giới và sẽ sớm ban hành các quy định mới trong các lĩnh vực này. Thủ tướng Trung Quốc cũng nhấn mạnh, nước này đang thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất sinh học và sẽ đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế dữ liệu.
Trước đó, ngày 19.3, Bắc Kinh đã nới lỏng một số quy định về đầu tư nước ngoài, sau khi dòng vốn đầu tư giảm gần 20% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2.2024. Ngày 22.3, cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc nới lỏng một số quy định bảo mật về xuất dữ liệu, từng khiến các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại.
Tại diễn đàn thường niên kéo dài 2 ngày, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh, tỉ lệ lạm phát, gánh nặng nợ công của Trung Quốc tương đối thấp, tạo cơ hội cho các động thái chính sách vĩ mô. Các biện pháp mà Trung Quốc triển khai trong năm ngoái để giảm bớt rủi ro về bất động sản và nợ đã có hiệu quả. Thủ tướng Trung Quốc chỉ ra, 1.000 tỉ nhân dân tệ (140 tỉ USD) trong trái phiếu kho bạc đặc biệt được công bố trước đó, sẽ thúc đẩy đầu tư và ổn định tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế trị giá 18.000 tỉ USD của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đối mặt với những cơn gió ngược trong thời gian gần đây, trong đó có khủng hoảng bất động sản, dư thừa công suất công nghiệp, rủi ro giảm phát và đầu tư nước ngoài giảm sút.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2024 rằng: “Trung Quốc đứng trước một ngã rẽ quan trọng: Dựa vào các chính sách đã từng hiệu quả hoặc tái tạo lại chính mình để hướng tới một kỷ nguyên mới về tăng trưởng chất lượng cao”.
Bà Georgieva cho biết, phân tích của IMF nhận thấy, sự kết hợp chính sách lấy người tiêu dùng làm trung tâm hơn có thể bổ sung thêm 3.500 tỉ USD cho nền kinh tế Trung Quốc trong 15 năm tới.
Nếu đạt được, mức tăng trưởng này sẽ tương đương tăng thêm sản lượng quy mô gấp đôi nền kinh tế Hàn Quốc. Để làm được điều đó, Trung Quốc cần thực hiện các động thái quyết đoán để hoàn thiện những khu nhà chưa hoàn thiện của các công ty bất động sản bị phá sản và giảm rủi ro từ nợ của chính quyền địa phương. “Đặc điểm chính của tăng trưởng chất lượng cao là sẽ cần phải phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa. Làm được điều này phụ thuộc vào việc thúc đẩy sức chi tiêu của các cá nhân và gia đình” – bà Georgieva cho hay.
Các nhà kinh tế khác cũng kêu gọi xây dựng mô hình tăng trưởng mới cho Trung Quốc. CEO Apple Tim Cook chia sẻ với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN rằng Vision Pro của Apple sẽ tiến vào thị trường Trung Quốc đại lục trong năm nay và công ty sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc. “Tôi nghĩ Trung Quốc đang thực sự mở cửa” – Tim Cook chia sẻ.
Stephen von Schuckmann – thành viên hội đồng quản trị, giám đốc điều hành của ZF Group, người giám sát hoạt động sản xuất xe điện của nhà cung cấp ôtô này – cho biết, ZF Group cam kết với Trung Quốc. “Chúng tôi đã đầu tư và sẽ ở đây” – ông nhấn mạnh.
Diễn đàn Phát triển Trung Quốc diễn ra lần đầu năm 2000 nhằm thông tin cho các lãnh đạo doanh nghiệp về kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước. Ngày 21.3, Wall Street Journal đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch gặp một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vào 27.3, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh mong muốn thu hút các doanh nghiệp Mỹ.
T.P