Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTự tay đốt nhà rồi kêu dập lửa

Tự tay đốt nhà rồi kêu dập lửa

Đó là sự ví von của báo chí nước ngoài khi chỉ trích Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông. Những căng thẳng ấy chủ yếu do nước này gây ra, nhưng bao giờ họ cũng lớn tiếng “cảnh báo” và chỉ trích, lên án các nước láng giềng.

Mới đây Bắc Kinh lại “đốt nhà” khi họ “cảnh báo” với ASEAN về những “căng thẳng không kiểm soát được” ở Biển Đông (!). Họ như kẻ vô can, thản nhiên đứng ở vị trí quan tòa, khuyến cáo các nước Đông Nam Á giải quyết tranh chấp về Biển Đông ở cấp vùng, không nên lôi kéo các thế lực bên ngoài khiến cho căng thẳng vượt “ngoài tầm kiểm soát”.

Chẳng là, hôm 28/3, phát biểu tại diễn đàn Châu Á – Bác Ngao ở đảo Hải Nam, ông Lưu Chấn Dân – Đặc sứ Trung Quốc về biến đổi khí hậu đã kêu gọi các nước Đông Nam Á nên “trân trọng hòa bình bền vững trong khu vực”.

Ô hay, chẳng lẽ lâu nay các nước láng giềng không trân trọng hòa bình? Chẳng lẽ những chuyện lấy thịt đè người, chèn ép các nước nhỏ của Trung Quốc là “trân trọng” hay sao? Năm 2023 và ba tháng đầu năm 2024, tiếp tục thực hiện “chiến lược vùng xám”, Trung Quốc liên tục có hành động gây rối, như đưa tàu hải cảnh vào khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam, Philippines, phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây,v.v..

Lại nữa việc Trung Quốc cố tình trì hoãn, gây rắc rối cho tiến trình đàm phán COC chính là gây nên những căng thẳng không đáng có. Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước trong khu vực đang bị vi phạm nghiêm trọng đều do Trung Quốc gây ra, mà nguyên nhân sâu xa là âm mưu độc chiếm Biển Đông. Họ liên tục có hành động bắt chẹt các nước nhỏ hơn, điều đó thể hiện một điều, chính phủ Trung Quốc không có khả năng tiến hành các cuộc đàm phán cởi mở, minh bạch và hợp pháp.

Sự thật là như thế, nhưng ông Lưu Chấn Dân vẫn cố tình tỏ ra ngây thơ. Ông nói: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi thấy căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong năm 2023”… “Việc Mỹ, Nhật Bản và Philippines thắt chặt hợp tác quân sự có nguy cơ khơi mào một cuộc xung đột mới ở Đông Nam Á”.

Ông Lưu hạ lời khuyên: “Các nước bên ngoài khu vực nên hỗ trợ các quốc gia ở Biển Đông tìm ra những giải pháp công bằng thông qua đàm phán, thay vì thổi bùng ngọn lửa và gây rủi ro”. Và “các nước Đông Nam Á không nên chọn phe; cần hiểu và trân trọng hòa bình có từ ba thập niên qua ở trong vùng, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và cần nỗ lực để ngăn xung đột trỗi dậy ở Biển Đông”.

Người đại diện cho chính quyền Bắc Kinh này chẳng có “lời khuyên” nào mới mà toàn những lý sự giả dối và cũ rích. Cách đây gần 10 năm, ngày 7/11/2015, khi phát biểu tại trường Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố: “Biển Đông đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời Cổ đại”. Và : “một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác xâm chiếm. Bắc Kinh sẽ tiếp tục tìm giải pháp cho các tranh chấp chủ quyền biển đảo thông qua thương lượng”. Tại đây, ông Tập nhắn nhủ Mỹ, rằng Trung Quốc hoan nghênh các quốc gia ngoài khu vực “tham gia vào hòa bình và phát triển ở châu Á”, nhưng không nên trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Nay ông Lưu chỉ nhắc lại lời của ông chủ ở Trung Nam Hải mà thôi. Trong khi ông cao giọng thì ngoài kia lửa vẫn đang cháy. Hàng loạt vụ va chạm gần đây giữa Trung Quốc và Philippines trong những khu vực tranh chấp ở Biển Đông (tại Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough) vẫn đang tiếp diễn. Hôm 23/3, Manila cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công một tầu dân sự Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở Bãi Cỏ Mây.

Mặc cho Bắc Kinh vừa hăm dọa vừa đổ lỗi cho hàng xóm, Philippines tái khẳng định “không chịu khuất phục”, “không muốn gây chiến hay rắc rối ở Biển Đông”. Trong thông cáo hôm 29/3, Bộ Quốc phòng Philippines đánh giá những thông cáo gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này đang bị cô lập với phần còn lại của thế giới vì “những hoạt động bất hợp pháp và thiếu văn minh của họ” ở Biển Đông.

So với Manila, Hà Nội tỏ thái độ kiên quyết nhưng uyển chuyển hơn. Chiều 28/3, khi các nhà báo quốc tế hỏi về những va chạm mới đây ở Bãi Cỏ Mây giữa Trung Quốc và Philippines, Phó phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thắng tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Ông nói: “Việc các bên liên quan cho người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình…”.

Rốt cuộc, kẻ tự tay châm lửa đốt nhà dù có cố tình trốn chạy, đổ vấy cho người khác thì trước sau cũng sẽ chuốc họa vào thân.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới