Tỷ phú người Mỹ Ray Dalio là người sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới Bridgewater Associates. Gần đây, ông Dalio nói rằng chính quyền Trung Quốc nên dồn lực vào việc giải quyết vấn đề nợ nần, nếu không họ có thể sẽ phải trải qua một “thập kỷ mất mát” tương tự thời kỳ kinh tế trì trệ của Nhật Bản.
Hôm 27/3, ông Ray Dalio đã đăng một bài viết trên Linkedin và chỉ ra rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với “cơn bão trăm năm có một”, với áp lực nợ nần, xung đột giữa các cường quốc, những thay đổi lớn về công nghệ cũng như hạn hán, lũ lụt và dịch bệnh đan xen lẫn nhau, những nhân tố trên đã và đang tạo điều kiện cho cơn bão này đổ bộ.
Ông Dalio kêu gọi người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình giảm nhẹ gánh nặng nợ nần, nếu không Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một thập kỷ trì trệ kinh tế như Nhật Bản. Sau khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản bị vỡ vào năm 1991, nền kinh tế của nước này đã ở trong trạng thái trì trệ suốt 10 năm.
Vị tỷ phú này nói: “Theo tôi, việc này đáng lẽ phải được thực hiện từ hai năm trước. Nếu không được thực hiện, sẽ khiến Trung Quốc trải qua một thập kỷ mất mát”.
Ông Dalio cho rằng, hiện giờ chính quyền Trung Quốc nên tập trung vào việc giảm thiểu sự mất cân bằng, bao gồm vấn đề lương hưu, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng và nguy cơ chiến tranh do xung đột Trung – Mỹ gây ra, v.v.
Nhưng ông Dalio cũng thẳng thắn nói rằng, điều quan trọng là phải “phân biệt nhận rõ những quân bài trong tay ông Tập Cận Bình và cách ông này chọn chơi chúng”.
Từ năm 2023 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang suy thoái nhanh chóng, việc người dân cắt giảm chi tiêu, chi phí sản xuất giảm, bất động sản trì trệ… cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng giảm phát.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong cũng liên tục trượt dốc, điều này cũng phản ánh tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc. Tính đến ngày 27/3, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm 3,8% trong năm nay, giảm 16% so với một năm trước. Trong năm nay, cổ phiếu A (cổ phiếu của công ty Trung Quốc được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ ở hai sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến) từng giảm xuống dưới 2.700 điểm, chạm mức thấp nhất trong 5 năm qua, khiến các nhà đầu tư Trung Quốc kêu than rợp trời dậy đất.
Chủ đề liệu Trung Quốc có trải qua một “thập kỷ mất mát” như Nhật Bản hay không đã thu hút sự chú ý từ thế giới bên ngoài.
Người đạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman từng viết một bài báo vào tháng 10/2023 chỉ ra rằng, Trung Quốc có những điểm tương đồng với Nhật Bản 30 năm trước, chẳng hạn như nhu cầu tiêu dùng giảm sút và dựa vào bong bóng bất động sản để hỗ trợ nền kinh tế; nhưng sự khác biệt là so với Nhật Bản của năm đó, Trung Quốc hiện nay thua xa về năng suất lao động.
Ông Krugman cũng đặt ra câu hỏi: Nếu nền kinh tế Trung Quốc thực sự trì trệ như Nhật Bản, liệu họ có được sự gắn kết xã hội như Nhật Bản để có thể quản lý một quốc gia có tốc độ tăng trưởng thấp mà không gây ra tình trạng bất ổn xã hội trên quy mô lớn hay không?
“Liệu có thể thực hiện được điều này dưới [sự cai trị của] một chính quyền chuyên chế bất ổn định?”, ông Krugman bày tỏ nghi vấn.
Tiến sĩ William Overholt của Trường Harvard Kennedy cũng chỉ ra trong cuốn sách “China’s Crisis of Success” (tạm dịch: Cuộc khủng hoảng về Thành công của Trung Quốc) rằng, Trung Quốc rất có khả năng lặp lại sai lầm của Nhật Bản và rơi vào tình trạng trì trệ, mà tình hình của Trung Quốc có thể sẽ còn tồi tệ hơn.
Khi kinh tế Nhật Bản trì trệ, GDP bình quân đầu người của nước này là hơn 40.000 USD; trong khi GDP bình quân đầu người hiện tại của Trung Quốc chỉ hơn 10.000 USD. Sự bất bình trong nhân dân Trung Quốc sẽ biến thành áp lực chính trị rất lớn.
Điều đáng sợ hơn nữa là, quy mô nợ hiện nay của Trung Quốc cực kỳ lớn, đặc biệt là nợ địa phương đã trở thành một con “tê giác xám” không thể nhắm mắt làm ngơ.
Khái niệm “tê giác xám” lần đầu tiên được học giả người Mỹ Michele Wucker đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Davos tổ chức hồi tháng 1/2013. Trong cuốn sách “Tê giác xám: Cách nhận biết và hành động trước những nguy cơ rõ ràng mà chúng ta bỏ qua”, bà Wucker mô tả như sau: “Tê giác xám là cụm từ để chỉ một rủi ro có xác suất cực lớn và lực tác động cực lớn, nhưng lại bị bỏ qua, một rủi ro mà chúng ta nên nhận thức được, giống như một con tê giác nặng hai tấn đang hướng cặp sừng của nó vào chúng ta và tấn công với tốc độ tối đa”.
Trước những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt, vào tháng 6/2023, ông Ninh Cát Triết (Ning Jizhe), Phó Giám đốc Ủy ban Kinh tế của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Mặt trận tổ quốc), đã cảnh báo tại một diễn đàn kinh tế rằng: “Chính quyền nên sớm đưa ra các chính sách vĩ mô, chứ đừng nên chậm trễ, nên ban hành chính sách càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt, nhưng chính sách không được quá yếu…”.
Tuy nhiên, trong một năm qua, trong số những chính sách mà Bắc Kinh đưa ra, không có một chính sách nào có thể cứu vãn nền kinh tế nước này khỏi suy thoái nghiêm trọng. Ngược lại, việc chính quyền và Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp các công ty nước ngoài đã khiến ngày càng nhiều dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi Trung Quốc, và bất động sản cũng đang trên bờ vực sụp đổ. Chính quyền này còn nói với các công ty bất động sản trong nước rằng “nên phá sản thì hãy phá sản”, điều này cho thấy họ không có cách nào để giải quyết vấn đề bong bóng bất động sản sắp nổ.
T.P