Tuesday, January 28, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiAi đã khơi mào cuộc chiến tranh Nga – Ukraine?

Ai đã khơi mào cuộc chiến tranh Nga – Ukraine?

Sau hơn 2 năm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, tấn công vào lãnh thổ Ukraine, tất cả các nhà nghiên cứu và giới quan sát đã đưa ra rất nhiều quan điểm khác nhau về cuộc chiến.

Các xe quân sự Nga bị phá hủy được trưng bày lại trung tâm thủ đô Kiev, nhân ngày kỷ niệm Ukraine độc lập, 24/08/2022.

Phương Tây cho rằng đây là hành động xâm lược, và Nga đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) khi tấn công vào lãnh thổ của một nước có chủ quyền. Trên thực tế, LHQ cũng đã mở nhiều phiên họp, trực tiếp lên án hành động của Nga. Ngược lại, Nga cũng thể hiện quan điểm riêng của mình, cho rằng việc tấn công Ukraine là một hành động chính đáng nhằm đối phó với những nguy cơ an ninh từ phía Ukraine – vốn được Mĩ và NATO hỗ trợ. Nga không những bảo vệ lãnh thổ của mình mà còn bảo vệ các công dân Nga đang bị đàn áp tại Ukraine, trước làn sóng bài Nga dâng cao chưa từng thấy tại nước này. Đặc biệt, Nga cho rằng đây là cuộc chiến tranh tự vệ với mục tiêu phi phát xít, phi quân sự hoá và ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO.

Những thảo luận xoay quanh vấn đề này vẫn gây nhiều tranh cãi cho đến tận ngày hôm nay, và đã hình thành hai luồng dư luận trái chiều khi cuộc chiến Nga – Ukraine đã kéo dài được 2 năm. Rõ ràng, đến nay đã xuất hiện nhiều nước trung lập mới nổi ở các châu lục, đặc biệt là châu Phi và Trung Đông, bày tỏ sự bất đồng chính kiến với Mỹ và phương Tây trong việc lên án Nga xâm lược Ukraine. Nếu quan sát một thống kê số học đơn giản, ta sẽ thấy rằng, qua các phiên thăm dò của LHQ, chỉ có khoảng 50 nước thân Mỹ đi theo quan điểm của phương Tây, còn lại khoảng gần 140 nước vẫn giữ quan điểm trung lập, không bày tỏ thái độ phản đối các hành động của Nga. Điều này chứng tỏ, cách nhìn nhận về cuộc chiến tranh Nga – Ukraine vẫn còn nhiều điểm không nhất quán và cần phải tiếp tục nghiên cứu. Đây không chỉ là vấn đề cần thiết trong tình hình căng thẳng hiện tại, mà ngay cả khi kết thúc chiến tranh, vấn đề này vẫn cần phải được mổ xẻ, nghiên cứu, đưa ra những đánh giá khách quan, chính xác nhất về bản chất của cuộc chiến.

Do đó, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tiếp tục tập trung phân tích các lí do dẫn đến cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine ngày 24/2/2022. Qua các thông tin mà Tạp chí Phương Đông đã cung cấp cho bạn đọc về lịch sử mối quan hệ Nga – Ukraine, bạn đọc có thể thấy được một phần nguyên nhân gây ra cuộc chiến. Phần lớn các thông tin đều tập trung minh chứng cho những mâu thuẫn mang tính lịch sử giữa hai nước.

  1. Điểm lại bối cảnh xung đột Nga – Ukraine

Cụ thể, các bài viết trước đã chỉ ra rằng, Ukraine và Nga vốn dĩ cùng nằm trong Liên bang Xô Viết (Liên Xô). Khi Liên Xô sụp đổ, Nhà nước Xô Viết tan rã, nhiều nước cộng hoà tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Liên Xô, trong đó có Ukraine. Sau đó, cả Nga và Ukraine đều có những cuộc đàm phán, thoả thuận về hợp tác kinh tế, quân sự. Ukraine bàn giao các cơ sở sản xuất quân sự, trong đó có cả các cảng biển chiến lược, cho Nga. Ngược lại, Nga sẽ hỗ trợ Ukraine phát triển kinh tế, cung cấp nhiên liệu, dầu khí… Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm khi tách khỏi Liên Xô vào năm 1991, do công tác quản trị yếu kém, kinh tế của Ukraine rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Những nhân vật chính trị thân Nga tại Ukraine lúc bấy giờ đã bộc lộ rất rõ những thiếu sót, khuyết điểm trong điều hành đất nước, đẩy Ukraine đến tình trạng khủng hoảng toàn diện và gây nên nhiều bất mãn. Lúc này, các quan điểm dân tuý cực đoan cũng nổi lên mạnh mẽ, điển hình là chủ nghĩa dân tộc thân phương Tây. Những người theo quan điểm này muốn đưa Ukraine vào guồng quay làm ăn kinh tế, chuyển hướng hợp tác với EU sau khi đã mất niềm tin nghiêm trọng vào các chính sách thân Nga.

Tình trạng này đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột giữa các quan điểm chính trị ở các nhóm, các đảng phái ở Ukraine, mà đỉnh điểm là cuộc Cách mạng Cam (2004), đưa những nhân vật có tư tưởng chống cộng sản lên nắm quyền. Kể từ đó, nền chính trị Ukraine trượt dài trên con đường xa rời nước Nga và ngả về phương Tây theo chính sách của các nhà lãnh đạo mới tại nước này. Cụ thể, Ukraine không những ngưng hợp tác kinh tế với Nga mà còn hình thành chủ nghĩa bài Nga mạnh mẽ, tẩy chay cả những giá trị lịch sử, văn hoá, giáo dục… thời Liên Xô, cùng những thành quả cách mạng do Liên Xô mang lại. Nguy hiểm hơn, sự bài xích này còn góp phần nuôi dưỡng chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine. Lực lượng phát xít được chính quyền tiếp tay đã ra sức đàn áp người dân Ukraine, đặc biệt là những người gốc Nga ở vùng Donbas.

Trong suốt khoảng thời gian này, những người có xu hướng thân Nga phải chịu một áp lực rất lớn từ dư luận. Hệ quả là phe đối lập đã tổ chức biểu tình lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Fedorovych Yanukovych, khiến ông này phải chạy sang Nga, tạo ra cuộc Cách mạng Euromaidan năm 2014. Tổng thống Petro Poroshenko được bầu lên thay thế là một người bộc lộ rõ quan điểm chống Nga và nhanh chóng thiết lập mối quan hệ thân thiết với phương Tây và NATO. Đây là một thách thức khiến Nga không thể chấp nhận và cho rằng cuộc đảo chính 2014 tại Ukraine đã được Mỹ và NATO giúp sức. Điều này dẫn đến sự kiện Nga đáp trả bằng cách tấn công chiếm bán đảo Crimea thuộc lãnh thổ Ukraine vào tháng 3/2014, đồng thời công bố ủng hộ nền độc lập của tỉnh Donbas – nơi có rất đông người Nga đang sinh sống, sẵn sàng bảo vệ người Nga tại khu vực này.

Ai cũng biết rằng, trong lịch sử, bán đảo Crimea chỉ thuộc về Ukraine vào năm 1954, khi Nikita Khrushchev lên nắm quyền thay Joshep Stalin, do bản thân nhà lãnh đạo này cũng là người gốc Ukraine, sinh ra và lớn lên tại ngôi làng Kalinovka thuộc biên giới Nga – Ukraine. Theo quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin, Crimea vốn thuộc về nước Nga và chỉ tạm thời giao cho Ukraine quản lý khi quan hệ hai nước vẫn còn tốt đẹp, chứ bán đảo này hoàn toàn không thuộc về lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, Crimea vốn là một địa chiến lược vô cùng quan trọng. Hải quân Nga đóng quân và tăng cường kiểm soát quân sự ở vùng này khiến Ukraine bấy giờ chưa đủ sức tấn công lại. Mặt khác, Ukraine cũng không kịp trở tay đáp trả đòn đánh bất ngờ từ phía Nga. Song chính sự kiện này đã trở thành một mối hận khiến Ukraine quyết tâm phải chiếm lại Crimea bằng mọi giá.

Đến nay, đã có nhiều thông tin, tài liệu nhằm “vén màn bí mật”, những sự thật đã được công bố từ phía Ukraine, Nga, Mỹ – NATO, cho phép chúng ta xem xét các khía cạnh đa chiều về nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine năm 2022. Mặc dù bức tranh tổng thể vẫn còn khuyết một vài mảnh ghép, song dựa trên những căn cứ mới, ta đã có thể phân tích sâu hơn về căn nguyên của vấn đề.

  1. Tính toán chiếm lại Crimea và học thuyết chống Nga của Tổng thống Zelensky dưới sự bảo trợ của phương Tây

Các tài liệu đều ghi lại rằng, cuộc họp cuối cùng theo thể thức Normandy (ngày 8-9/2/2019) nhằm tìm ra giải pháp cho tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine, với sự tham gia của các bên gồm Nga, Ukraine, Pháp, Đức, đã đi tới một thông báo chung mà sau này gọi là Thoả thuận Minsk. Tuy nhiên, trong một cuộc họp sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông không thực sự có ý định thực hiện Thoả thuận này và khoảng một tuần sau đó, một số thoả thuận khác vốn đạt được ở cuộc họp Minsk cũng đều bị ông bác bỏ. Kể từ đó, ông Zelensky công khai kêu gọi không thực hiện Thoả thuận Minsk.

Vào đầu tháng 8/2022, khi chiến tranh Nga – Ukraine đã bước vào giai đoạn khốc liệt, người đứng đầu cơ quan An ninh và Tình báo SBU của Ukraine ông Vasyl Maliuk công bố rằng: Kể từ tháng 12/2019, giới lãnh đạo Ukraine đã không còn dựa vào tiến trình hoà bình đã được thống nhất trong các Thoả thuận Minsk. Và cũng kể từ thời điểm này, Ukraine đã ráo riết chuẩn bị cuộc chiến quân sự với Nga. Ông Vasyl Maliuk cho biết, khi Tổng thống Zelensky ở Paris, ông đã không đồng ý với các điều kiện mà Nga – Đức – Pháp đưa ra cho Ukraine vào ngày 8-9/2019, do đó cũng không thực hiện các điều khoản trong Thoả thuận Minsk. Người Ukraine sẽ chiến đấu vì đất nước của mình. Và thực tế cho thấy, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã xảy ra khoảng 3 năm sau đó.

Dưới thời Tổng thống Petro Poroshenko, Chính phủ Ukraine thậm chí đã liên hệ với Mỹ và NATO để đặt vấn đề tăng cường lực lượng giúp đỡ nước này cho đến năm 2019. Ngay từ thời điểm này, Mĩ đã đưa nhiều lực lượng vào huấn luyện quân đội Ukraine, chuyển đến Ukraine nhiều loại vũ khí tối tân. Các cơ quan tình báo của Anh – Mỹ và NATO cũng đã hỗ trợ tích cực, cung cấp cho Ukraine những thông tin quân sự của Nga, vạch ra những kế hoạch tác chiến cụ thể nhằm tấn công Nga. Kế tục người tiền nhiệm, ông Zelensky tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ và NATO.

Tuy nhiên, ông đã gặp một trở ngại rất lớn, khi đúng vào thời điểm Ukraine ráo riết chuẩn bị chống Nga, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Việc ủng hộ cho Ukraine lúc này là điều không tưởng. Ông Trump liên tục đưa ra các yêu sách, buộc Tổng thống Zelensky phải cung cấp những tài liệu về các hoạt động làm ăn của con trai đối thủ Joe Biden ở Đảng Dân chủ, nếu không sẽ không chuyển vũ khí sang cho Ukraine. Từ giai đoạn đó, ông Zelensky gặp nhiều khó khăn, không thể hoạt động được như kế hoạch.

Mãi đến năm 2021, khi Tổng thống Joe Biden đắc cử, những trở ngại dưới thời ông Trump gần như bị xoá bỏ hoàn toàn. Với các chính sách mới của ông Biden, các công đoạn chuẩn bị chống Nga của Ukraine diễn ra hết sức nhanh chóng, thuận lợi. Ngày 24/3/2021, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố chiến lược giải phóng và tái sáp nhập bán đảo Crimea vào Ukraine. Tài liệu này đã xác định cụ thể một loạt biện pháp tái chiếm Crimea thông qua các phương tiện quân sự, ngoại giao, kinh tế, thông tin, nhân đạo… và coi đây là những biện pháp quan trọng, cơ bản nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, khôi phục chủ quyền của Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận trước kia. Có thể nói, thông qua việc giải phóng Crimea khỏi sự chiếm đóng của Nga, Ukraine sẽ sáp nhập bán đảo này trở về lãnh thổ nước mình.

Tài liệu này cũng cho thấy rằng, với tuyên bố về việc giành lại Crimea, Ukraine đã chính thức công khai tuyên chiến với Nga. Đặc biệt, chỉ một ngày sau khi phát đi lệnh tái chiếm Crimea (25/3/2021), Tổng thống Zelensky cũng đã công bố một học thuyết quân sự mới của Ukraine. Học thuyết này đặt mục tiêu đưa Ukraine vào cấu trúc an ninh NATO, đồng thời khẳng định và kêu gọi nhân dân Ukraine phải bảo vệ Crimea bằng mọi giá, kể cả bằng quân sự, thông qua các biện pháp bạo lực.

  1. Ukraine đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân, tiến hành chiến tranh sinh học và những cam kết hỗ trợ từ phương Tây

Tháng 4/2021, Ukraine tập trung quân gần biên giới Nga. Đại sứ Ukraine ở Đức Andrij Melnyk lúc bấy giờ đã “úp mở” về một cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga, với sự đe doạ trang bị vũ khí hạt nhân, thậm chí kêu gọi các nước phương Tây suy nghĩ về việc hỗ trợ Ukraine khôi phục tình trạng hạt nhân. Tuyên bố này không phải không có cơ sở, bởi trên thực tế, Ukraine vẫn đang sở hữu một số nhà máy điện hạt nhân xây dựng từ thời Liên Xô để lại, và cả nguồn nhân lực với các kĩ sư, nhà khoa học, các vật liệu và kĩ nghệ cần thiết để có thể tự sản xuất ra bom nguyên tử. Điều này giúp ta hiểu được vì sao ngay sau khi tấn công Ukraine, mục tiêu đầu tiên mà quân đội Nga hướng đến là chiếm các nhà máy hạt nhân. Nga phải ngay lập tức chiếm đóng các nhà máy này, bởi hơn ai hết, Tổng thống Vladimir Putin hiểu rõ tiềm lực hạt nhân của Ukraine và các tính toán của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Sự leo thang căng thẳng một lần nữa được ngăn chặn vào tháng 4/2021, sau khi Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin có một cuộc điện đàm dẫn đến việc thống nhất tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ vào mùa hè năm 2021. Các tài liệu sau này cho thấy, hội nghị thượng đỉnh bấy giờ thực chất chỉ là một cách để Mỹ “câu giờ”, có thêm thời gian rút hẳn quân đội ở Afganishtan để dồn toàn tâm, toàn lực vào ủng hộ Ukraine.

Tuy nhiên, hiệu quả của hội nghị cũng không kéo dài được bao lâu vì chỉ 6 tháng sau đó, Ukraine đã chính thức mở cuộc tấn công quân sự vào Donbas (10/2021). Cuối năm 2021, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã gấp rút chuẩn bị một cuộc gặp cấp Bộ trưởng ngoại giao theo hình thức Normandy, nhằm thực hiện một kế hoạch “hoà bình” dựa trên khuôn khổ thoả thuận của Mỹ. Ngày 29/10/2021, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã đến Berlin và đề xuất tổ chức một hội nghị khác tại Paris. Song ông cũng nhấn mạnh rằng, hội nghị này phải được chuẩn bị kĩ lưỡng, và Nga sẽ đưa ra câu trả lời 5 ngày sau đó.

Đức và Pháp đã thông báo rằng, đề xuất của Nga và tuyên bố cuối cùng theo hình thức Normandy đã không được chấp nhận. Bởi lẽ, đề xuất này đã bao gồm cả những vấn đề liên quan đến Donbas. Thực tế cho thấy, mặc dù đề nghị của Ngoại trưởng Lavrov có nội dung tương tự với đề nghị quan trọng nhất trong các Thoả thuận Minsk đã được kí kết, song Đức và Pháp lại mô tả điều đó là “không thể chấp nhận được”. Do vậy, có thể nói rằng, chính các nước này đã đặt dấu chấm hết cho Thoả thuận Minsk mà họ từng đồng thuận lập ra.

Ngày 6/11/2021, Ngoại trưởng Nga Lavrov lên tiếng đáp trả, cho rằng phản ứng của Đức và Pháp trong sự việc trên là rất đáng thất vọng. Ông cũng bác bỏ đề xuất của Đức và Pháp về việc tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng theo thể thức Normandy vào ngày 11/11, vì vẫn chưa nhận được phản hồi nào về việc chấp nhận đề xuất của Nga. Ngày 15/11/2021, các Ngoại trưởng của Ukraine, Đức, Pháp… đã gặp nhau và công khai cáo buộc Nga từ chối tổ chức hội nghị ngoại trưởng theo hình thức Normandy một lần nữa. Ngoại trưởng Nga Lavrov sau đó đã viết một bức thư cho các Bộ trưởng Ngoại giao của Đức và Pháp, trong đó nêu rõ quan điểm của Nga về việc giải quyết vấn đề Ukraine. Không những thế, ông còn công bố tất cả các thư từ ngoại giao đã có trước cuộc họp ngay sau đó 1 ngày. Điều này cho thấy, Nga sẵn sàng “chơi bài ngửa” để cả thế giới thấy được Đức và Pháp đã chôn vùi Thoả thuận Minsk, đồng thời đổ mọi tội lỗi cho Nga như thế nào.

Trong bức thư dài 28 trang, ông Lavrov viết: “Tôi chắc chắn rằng các bạn hiểu sự cần thiết của bức thư này. Bởi vì, nó nhằm truyền đạt cho toàn cầu hiểu một sự thật, ai đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở mức cao nhất và thực hiện nó bằng cách nào”. Từ ngày 18/11 đến 03/12/2021, Pháp và các quốc gia NATO đã tổ chức một cuộc tập trận chung mang tên Polaris 21 đe dọa Nga dựa theo học thuyết quân sự của Zelensky, thể hiện quan điểm chống Nga một cách công khai.

Khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, các nước NATO cũng cam kết sẽ hỗ trợ cho Ukraine. Đầu tiên, các bên tham gia bao gồm cả Mỹ – Anh đã đánh tín hiệu báo cho Ukraine biết rằng họ sẽ giúp Ukraine đánh Nga. Chính quyền Zelensky thậm chí còn “úp mở” về việc sử dụng vũ khí sinh học trong cuộc chiến tranh này. Đây là điều rất không bình thường. Nó khiến các chuyên gia quân sự của Nga có thêm cơ sở để tin rằng, Mỹ đã nghiên cứu vũ khí sinh học tại Ukraine trong suốt nhiều năm liền. Ngay sau khi Ukraine “vén màn” bí mật này, phương Tây đã lập tức phủ nhận nó.

Đối với Nga, đây là bí mật được mở ra muộn nhất kể từ năm 2014, bởi sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã phát hiện một trong những phòng thí nghiệm do Mĩ tài trợ đặt tại khu vực này. Ngày 2/8/2022, các quan chức của Nga đã công bố Covid-19 là do Mỹ phát triển. Cuộc tập trận Phonarite năm 2021 cũng cho thấy phương Tây có dấu hiệu sử dụng vũ khí sinh học tại Crimea. Trên thực tế, Nga đã phân tích và lường trước được rằng Mĩ sẽ có một cuộc tấn công như vậy vào Ukraine, rồi sau đó đổ lỗi cho Nga.

Mặc dù những thông tin về việc Mỹ nghiên cứu và sử dụng vũ khí hoá học tại Crimea đã được Nga lan truyền, công bố, song phương Tây cũng không có phản ứng đáp lại, nên các thông tin này sớm bị chôn vùi.

Tháng 12/2021, Nga gửi tới Mỹ và NATO yêu cầu đảm bảo an ninh chung và rút quân đội NATO ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Nga tuyên bố rằng, trong trường hợp bị từ chối các điều kiện đảm bảo an ninh chung, Nga sẽ buộc phải đáp trả bằng quân sự, và Mỹ cần khoảng 1 tháng (19/1/2022) mới đưa ra quyết định đàm phán giữa hai bên. Trong khi Mỹ và Nga đang thảo luận về các yêu cầu đảm bảo an ninh chung, thì Chính phủ Mĩ bất ngờ đệ trình lên Quốc hội dự luật thuê tài sản dành cho Ukraine. Luật này vốn đã được áp dụng từ Thế chiến II, giờ đây có thể được áp dụng lại nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến sắp tới. Nội dung dự luật tạm thời lược bỏ một số yêu cầu liên quan đến thẩm quyền của Tổng thống trong việc cho vay hoặc cho thuê tài sản quốc phòng. Dự luật cũng coi đây là điều điều hết sức cần thiết khi tài sản quốc phòng được sử dụng nhằm bảo vệ dân thường Ukraine khỏi sự xâm lược của Nga. Điều này chứng tỏ, Mỹ đã công khai chuẩn bị chiến tranh, khi luật hỗ trợ Ukraine chống lại lực lượng quân sự Nga đã được đưa ra cho Quốc hội Mỹ quyết định khoảng 1 tháng trước cuộc tấn công quân sự của Nga vào lãnh thổ Ukraine.

Ngoài ra, một tài liệu của tập đoàn tư vấn RAND (Mỹ) rò rỉ vào ngày 25/1/2022 (mang tên “Weakening Germany, strengthening the U.S.”) cho biết, Mỹ có lợi thế khi làm suy yếu nền kinh tế Đức thông qua sự di cư của người dân, kiểm soát vốn và sản xuất. Trong tài liệu cũng đề cập đến một cuộc chiến sắp xảy ra giữa Nga và Ukraine, đồng thời đưa ra nhận định rằng, Đức sẽ bị lôi kéo vào chiến tranh, và ít nhất cũng phải cung cấp một lượng vũ khí đủ lớn cho Ukraine. Để làm Đức suy yếu, cách khả thi nhất là khiến nước này từ chối nguồn năng lượng của Nga và đảm bảo kéo cả Đức và Nga tham gia vào cuộc chiến. Điều này tưởng không liên quan gì đến chiến tranh Nga – Ukraine, nhưng sau đó, mọi hệ quả mà Đức và châu Âu phải hứng chịu từ cuộc chiến đã diễn ra đúng như những tính toán trên của Mỹ.

Ngày 26/1/2022, Mĩ đã bác bỏ hoàn toàn những yêu cầu an ninh chung của Nga, dẫn đến một cuộc xung đột không thể tránh khỏi giữa Nga và Ukraine, mà đứng sau là Mĩ – EU. Các biện pháp mà Nga đưa ra đã được thực hiện ngay sau khi bắt đầu cuộc can thiệp quân sự. Ngày 17 – 19/2/2022, tại Hội nghị An ninh Munich, ông Zelensky đưa ra lời đe doạ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến, trước sự tán thưởng của các thành viên là các nhà lãnh đạo phương Tây. Điều này cho thấy, việc Nga nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến tranh hầu như không có hiệu quả, bởi chính quyền Ukraine đã quyết tâm đối đầu với Nga ở mức độ cao nhất, thông qua xây dựng học thuyết quân sự chống Nga và đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân huỷ diệt nước Nga. Đó là điều mà Nga không thể chấp nhận được.

Đáp lại thái độ gay gắt của Tổng thống Zelensky, ngày 21/2/2022, Tổng thống Putin đã chính thức công nhận Cộng hoà Donbas và kí kết một thoả thuận hỗ trợ cho Donbas. Trong một bài phát biểu, ông Putin đã cảnh báo ông Zelensky về hậu quả của việc leo thang quân sự do Ukraine phát động. Ngay sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra lệnh tăng cường các đợt pháo kích vào những mục tiêu quân sự và dân sự ở Donbas, làm 14 ngàn dân thường thiệt mạng.

  1. Củng cố thêm bằng chứng về âm mưu tấn công quân sự của Ukraine và sự thất hứa của NATO

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, tấn công vào lãnh thổ Ukraine nhằm chấm dứt chiến tranh Donbas và phi phát xít, phi quân sự hoá Ukraine. Tại thời điểm này, Nga dự báo rằng Ukraine sẽ tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn vào Donbas, dựa trên các học thuyết chiến tranh, các cuộc tập trận, tuyên bố sử dụng vũ khí hạt nhân và dự luật của Mĩ về việc cho Ukraine vay mượn các tài sản quốc phòng. Rất có thể cơ quan tình báo của Nga đã nắm rõ các hoạt động này song chưa công bố chính thức.

Ngày 8/3/2022, quân đội Nga đưa tin, họ đã thu được một cuốn sổ ghi chép từ một cơ sở quân sự của Ukraine. Trong cuốn sổ này, họ tìm thấy những thông tin cụ thể, chi tiết về các hoạt động hỗ trợ của Mỹ và NATO, giúp Ukraine tấn công bán đảo Crimea và vùng Donbas. Như vậy, Nga đã quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine chỉ trong vòng hai tuần trước khi Ukraine kịp thực hiện kế hoạch tấn công Donbas và Crimea.

Ngoài ra, cũng trong tháng 1 và tháng 2 năm 2022, Nga ghi nhận nhiều tuyên bố, cam kết mạnh mẽ của chính trị gia phương Tây trong việc giúp đỡ Ukraine nếu nước này xảy ra chiến tranh với Nga. Mặc dù chưa rõ nội dung cụ thể của những cam kết này ra sao, nhưng có những dấu hiệu hiển nhiên cho thấy rằng, phương Tây không những ủng hộ Ukraine giữ vững lập trường và thái độ hung hăng chống Nga, mà còn hứa hẹn về một cuộc chiến chống Nga trong tương lai gần. Có thể nói, đây không phải là một giả định vô căn cứ, mà đều là những thông tin được tổng hợp, phân tích và thể hiện một mạch logic rõ ràng kể từ đầu tháng 3/2019.

Bên cạnh đó, mặc dù NATO không đưa quân đội tham gia trực tiếp, song lời hứa về ủng hộ, viện trợ quân sự của họ thì đầy tính khích lệ, nhất là trong những ngày đầu diễn ra cuộc chiến. Phải nói rằng, Ukraine ban đầu càng đặt nhiều hi vọng vào NATO, thì về sau càng phải hứng chịu sự thất vọng nặng nề. Tháng 3 năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine từng phát biểu: “Tôi phải nói rõ rằng có sự thoả thuận chính trị trong NATO, rằng các đồng minh nên giúp đỡ Ukraine bằng mọi cách. Song điều đó đã không xảy ra. Ukraine phải thừa nhận một sự thật rằng, NATO không giống như những gì mà người dân và chính quyền Ukraine mong đợi, ít nhất là vào thời điểm hiện tại”. Ông cũng cho biết thêm, “nếu ngày mai NATO thay đổi thì thật tuyệt, nhưng đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra”.

Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Ukraine và các nhà lãnh đạo nước này khó có thể chỉ trích NATO một cách rõ ràng. Bởi lẽ ra ban đầu, Ukraine nên tính toán đến tình huống xấu nhất, rằng NATO có thể thất hứa với họ trong trường hợp cuộc đối đầu Nga – Ukraine diễn biến theo hướng không có lợi cho NATO, và tổ chức này chắc chắn sẽ không cung cấp cho Ukraine tất cả những vũ khí tối tân nhất mà họ sở hữu trong cuộc chiến.

Tóm lại, nếu quan sát một cách khách quan thì cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ của một quốc gia có độc lập, chủ quyền được LHQ công nhận là hành vi vi phạm hiến chương LHQ. Nhưng tất cả những thông tin trên đều cho thấy, nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh này không phải chỉ xuất phát từ phía Nga, mà trên thực tế, nó đã phát sinh ngay trong quá trình chống Nga ở Ukraine. Công cuộc chống Nga tại Ukraine ban đầu chỉ là những hoạt động mang tính chính trị, nhắm vào phương diện kinh tế. Song đến cuối thập niên 2010, nhất là sau khi Tổng thống Zelensky lên nắm quyền, nó đã chuyển hướng sang các hoạt động quân sự, thậm chí được nâng lên thành một học thuyết chống Nga, do Mỹ và NATO hỗ trợ. Suốt một thập kỷ sau đó, chính quyền Ukraine luôn thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ phải chiếm lại Crimea bằng mọi giá, từ đó sẽ cấu trúc hoá Ukraine vào NATO.

Đối với Nga, điều này đã chạm tới “lằn ranh đỏ”, đe doạ trực tiếp đến chủ quyền, an ninh nước Nga, buộc Nga phải đáp trả. Như vậy, trên thực tế, Ukraine mới là bên khởi sự, phát động chiến tranh trước, thông qua các hành vi gây hấn với Nga, mà đứng sau là sự bảo trợ của Mỹ và NATO. Rõ ràng, bất kể một quốc gia nào bị đe doạ về an ninh đều sẽ có một phản ứng tự nhiên là phòng thủ, đẩy lùi những mối nguy đó. Nhất là nước Nga – một nước có nền quân sự hùng mạnh, đặt vào tình thế bị đe doạ chủ quyền, an ninh như vậy, thì việc giải quyết các nhân tố đe doạ bằng giải pháp quân sự là tất yếu sau khi không đạt kết quả bằng biện pháp chính trị và ngoại giao; nhằm bảo vệ nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và hoà bình, tự do cho người dân Nga. Phản ứng này cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu và chính đáng đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Nhìn tổng thể, ta thấy rằng, mặc dù đây là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, song đứng sau Ukraine lại là Mỹ và NATO. Có thể nói, cuộc chiến này vốn đã nằm trong tính toán chiến lược làm suy yếu Nga của phương Tây, và Mỹ chính là thế lực đã khơi mào chiến sự. Mỹ không những dàn dựng lên tất cả các kịch bản gây hấn của Ukraine nhằm kích động chiến tranh, mà còn coi Ukraine như đội quân uỷ nhiệm của mình tại châu Âu, thậm chí nhân cơ hội này làm suy yếu toàn bộ châu Âu, khiến châu Âu chia rẽ và phải phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế, năng lượng, quân sự… Với mục tiêu “một mũi tên trúng hai đích”, Mỹ chỉ xem Ukraine như “con tốt thí” trên bàn cờ chống Nga và kiểm soát châu Âu, từ đó âm mưu lấy lại vị thế “bá chủ” của mình, ngăn chặn việc hình thành thế giới đa cực. Đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm khi phân tích nguyên nhân dẫn đến xung đột Nga – Ukraine, cũng là một gợi dẫn quan trọng cho việc nghiên cứu những thay đổi chiến lược của Mỹ và trật tự thế giới trong thời gian tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới