Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnẤn Độ gặp rào cản trên đường soán ngôi ‘công xưởng thế...

Ấn Độ gặp rào cản trên đường soán ngôi ‘công xưởng thế giới’ của TQ

Ấn Độ muốn trở thành nhà sản xuất hàng đầu châu Á khi các công ty đang có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, theo CNBC, còn nhiều rào cản để đất nước tỷ dân này có thể trở thành “công xưởng thế giới”.

Công nhân tại cơ sở sản xuất điện thoại di động Lava ở Noida, Ấn Độ.


Thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao

Một trở ngại đối với tham vọng trở thành trung tâm sản xuất của Ấn Độ là thuế nhập khẩu 10% đối với mặt hàng công nghệ. Theo ông Andy Ho, giám đốc đầu tư của VinaCapital, mức này cao hơn thuế nhập khẩu trung bình của Việt Nam khoảng 5%.

Thuế nhập khẩu của Ấn Độ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, nhưng việc giảm thuế này sẽ là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm thu hút các công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa trong nước.

“Năm 2024 sẽ là năm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dỡ bỏ một phần mức thuế này, nhưng ông ấy sẽ thực hiện điều đó tập trung vào từng ngành chứ không phải theo từng quốc gia”, ông Samir Kapadia, Giám đốc điều hành của India Index và giám đốc điều hành của Vogel Group, cho hay.

Trong tháng 1 vừa qua, Ấn Độ đã giảm thuế nhập khẩu đối với một số bộ phận kim loại và nhựa được sử dụng trong sản xuất điện thoại di động từ 15% xuống 10%. Điều đó mang lại lợi ích cho các công ty như Apple và Dixon Technologies, nhà sản xuất điện thoại cho Xiaomi, Samsung và Motorola.

Theo bài đăng trên LinkedIn của Pankaj Mahindroo, Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ, xuất khẩu đồ điện tử của Ấn Độ sang Mỹ đạt 6,6 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 9 năm ngoái, tăng mạnh so với con số 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2022 .

Nhưng ông Ho của VinaCapital cảnh báo rằng việc giảm thuế nhập khẩu “không phải là nguồn lợi thế bền vững trong việc thu hút đầu tư FDI về lâu dài”.

“Điều mà các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng quan tâm hơn là các vấn đề về kinh doanh dễ dàng, đặc biệt là tính linh hoạt trong việc thuê và sa thải công nhân, hơn là thuế và thuế quan. Đây là nguồn lợi thế lâu dài chính của Việt Nam so với Ấn Độ”, CNBC dẫn lời ông Ho.

Cơ sở hạ tầng hạn chế

Mặc dù Ấn Độ muốn trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2047 nhưng cơ sở hạ tầng của nước này vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến thời gian vận chuyển và giao hàng bằng đường bộ kéo dài.

“Một con tàu hàng ở Singapore có thể được dỡ hàng trong 8 giờ và đưa lên xe vận chuyển đến các nhà máy. Thế nhưng cùng một con tàu tương tự tại Ấn Độ thì sẽ mắc kẹt trong bãi đỗ hoặc nhà kho suốt nhiều ngày”, Chủ tịch Aghi của UISPF cho biết.

“Trung Quốc đi trước Ấn Độ khoảng 10 năm về phát triển cơ sở hạ tầng, bởi vậy chúng tôi cần nỗ lực hơn nữa”, ông Aghi nói thêm.

Ngân sách tạm thời của Ấn Độ ước tính chính phủ liên bang sẽ chi 2,55 nghìn tỷ rupee (30,7 tỷ USD) để cải thiện hệ thống đường sắt của Ấn Độ.

“Ấn Độ đang đi đúng hướng trên con đường hiện đại hóa hệ thống hậu cần để tăng cường các mô hình chuỗi cung ứng theo yêu cầu cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu. Tôi nghĩ đó sẽ là ưu tiên hàng đầu trước khi tự động hóa”, ông Kapadia nhận định.

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam

Ấn Độ và Việt Nam là những lựa chọn sản xuất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và công ty nước ngoài, một phần do chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, giữa hai nước, Việt Nam vẫn dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt tổng cộng 96,99 tỷ USD, cao hơn hẳn so với 75,65 tỷ USD của Ấn Độ .

“Việt Nam được biết đến với lợi thế sản xuất thiết bị điện tử”, ông Samir Kapadia nhận định đồng thời cho biết thêm rằng Ấn Độ mới tham gia vào cuộc chơi đó nên điều đó mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh.

Trong khi mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ ngày càng nồng ấm, đặc biệt là sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhà Trắng của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 6 năm ngoái, Việt Nam đã có thỏa thuận thương mại và đầu tư với Washington từ năm 2007.

Ông Nari Viswanathan, giám đốc cấp cao về chiến lược chuỗi cung ứng tại công ty phần mềm Coupa, cho hay: “Việt Nam chiếm thế thượng phong khi nói đến lợi thế kinh tế nhờ quy mô sản xuất, nơi chủ yếu là lao động thủ công”.

Vị chuyên gia Viswanathan cũng nhấn mạnh thêm rằng các lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao động thủ công và có tỷ suất lợi nhuận thấp như sản xuất hàng may mặc “sẽ không tạo được động lực” cho Ấn Độ.

Các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đang dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ đến Ấn Độ.

Tờ Financial Times đưa tin vào tháng 12 năm ngoái rằng Apple đã tuyên bố sẽ chuyển nguồn cung ứng ắc quy iPhone 16 sang Ấn Độ. CEO Tim Cook đã thăm Ấn Độ vào năm 2016 và tăng cường hoạt động của tập đoàn này tại đây kể từ đó đến nay.

Tương tự, Google cũng cho biết sẽ bắt đầu đặt dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel của mình tại quốc gia Nam Á này từ quý II/2024.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới