Thursday, January 23, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam hướng tới kỷ lục mới: Xuất nhập khẩu 2024 lên...

Việt Nam hướng tới kỷ lục mới: Xuất nhập khẩu 2024 lên gần 800 tỷ USD

Các chuyên gia trường Đại học Thương mại đề ra kịch bản tăng trưởng cao với những diễn biến kinh tế thuận lợi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 790,56 tỷ USD, tăng 16,08% so với năm 2023, xuất siêu 27,16 tỷ USD.

Báo cáo đã đưa ra những kịch bản dự báo thương mại, nhưng đều có mức tăng trưởng cao và duy trì xuất siêu.


Theo đó, với kịch bản cơ sở thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 760,15 tỷ USD, tăng 11,62% so với năm 2023. Trong kịch bản tăng trưởng cao thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 790,56 tỷ USD, tăng 16,08% so với năm 2023. Với kịch bản tiêu cực thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 737,35 tỷ USD, tăng 8,27% so với năm 2023. Mức xuất siêu ở 3 kịch bản đều duy trì từ 25-27 tỷ USD.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, quý 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, số liệu xuất nhập khẩu trong quý đầu tiên của năm mới đạt được khoảng 22,5% so với mức kỳ vọng cả năm ở kịch bản tăng trưởng cao.

Nên theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu cao nhất cho tăng trưởng về thương mại, xuất nhập khẩu thì cần phải thực hiện nhiều chính sách được phân chia cụ thể theo từng lĩnh vực, từng vấn đề từ thị trường đến hoạt động doanh nghiệp…

PGS.TS. Phan Thế Công – Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Thương mại cho biết, báo cáo đã chỉ ra 6 nhóm chính sách cho phát triển xuất nhập khẩu, cụ thể gồm phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu; xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu; phát triển chuỗi cung ứng; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và dịch vụ logistic phục vụ hoạt động ngoại thương; hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quản lý nhập khẩu.

Liên quan đến nhóm chính sách về cơ sở hạ tầng, báo cáo của trường Đại học Thương mại kiến nghị Chính phủ cần tăng cường thực hiện đầu tư công cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, bao gồm: xây dựng, mở rộng, và nâng cấp các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay để tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa và dịch vụ; đầu tư vào cơ sở hạ tầng kho bãi, trung tâm phân phối và hệ thống quản lý logistics để cải thiện quá trình vận chuyển và lưu trữ hàng hóa; cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại các cảng biển và cửa khẩu để tăng cường khả năng xử lý hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu.

Đặc biệt là cần cải thiện quy trình hải quan và thông quan, tạo ra các khu vực đặc khu logistics nhằm phát triển các dịch vụ hỗ trợ logistics; thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ logistic trên các nền tảng số hóa để nâng cao chất lượng và hiệu suất của dịch vụ…

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, theo các chuyên gia, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ về tài chính để nâng cao năng lực; đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu…

Đánh giá về môi trường vĩ mô 2024, đại diện nhóm biên soạn báo cáo, PGS.TS. Phan Thế Công, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Thương mại cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi về hoạt động thương mại khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những FTA thế hệ mới. Hơn nữa, những tín hiệu tích cực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng với hoạt động thương mại…

Ngoài ra, ông Công nhấn mạnh, các cải cách về chính sách thương mại và hải quan đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam có chi phí lao động, nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng, cũng như vị trí địa lý thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Tuy nhiên, năm 2024, tình hình thương mại Việt Nam vẫn được đánh giá là tương đối khó khăn khi sự phồi phục kinh tế của các nước đối tác của Việt Nam diễn ra chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở thương mại cao nên chịu tác động lớn từ diễn biến quốc tế, kéo theo những khó khăn cho những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, gỗ, điện tử…

Cùng với đó là những khó khăn nội tại như chất lượng lao động chưa được cải thiện, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng chậm lại, việc ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế… Đặc biệt, Việt Nam tham gia nhiều FTA với yêu cầu cao hơn nên phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… nên không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới