Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiXin các ngài đừng “đánh trống chiến trận” !

Xin các ngài đừng “đánh trống chiến trận” !

Vâng, lại vẫn là chuyện căng thẳng ở Biển Đông. Một ông nhà báo, một nhà bình luận quốc tế chuyên ăn to nói lớn đã đe dọa rằng: “Cần phải đánh trống chiến trận” để đối phương đừng liều lĩnh vượt qua mọi phép tắc.

Ông nhà báo ấy là cựu Tổng biên tập thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến. Ông này đe dọa Philippines: “Tàu sẽ bị bắn bởi đạn”. Tức là hải quân Trung Quốc sẽ nã đạn vào tàu của Philippines nếu như đối phương đi quá giới hạn.

Cố nhiên ông Tiến chỉ đe dọa trên giấy. Sự thật là thời gian qua hải quân Trung Quốc chỉ bắn “đạn nước”, tức là dùng vòi rồng bắn về phía tàu tuần duyên của Philippines. Rốt cục, chuyện lặp đi lặp lại chỉ có vậy, bởi hai bên đều hết sức kiềm chế.

Nhưng lần này thì không phải thế. Lần này, ông Hồ Tích Tiến đã ngửi thấy mùi chiến tranh khét lẹt khi Mỹ và các đồng minh tuyên bố sẽ tiến hành tuần tra chung chống lại Trung Quốc. Cụ thể Mỹ sẽ cùng Nhật Bản và Philippines sẽ thực hiện các cuộc tuần tra hải quân chung.

Cái mùi khét lẹt ấy được định danh rất khó chịu. Rằng, các cuộc tuần tra hải quân chung trên Biển Đông nhằm đối phó với sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Và, đây là một phần trong “gói sáng kiến” mà các nhà lãnh đạo cao nhất của ba nước sẽ công bố trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của họ, duẹ kiến diễn ra vào ngày 11/4 tới.

Thông tin này được đưa khá hoành tráng trên mạng báo Politico của Mỹ. Trước đây Philippines và Mỹ đã nhiều lần tiến hành tuần tra chung. Còn với NhậtBanr thì đây sẽ là lần đầu Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tham gia. “Gói sáng kiến” sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất.

Ông Hồ Tích Tiến cay mũi bởi cái “gói” ấy. Sao có thể coi là sáng kiến khi ba bên tìm cách “gây rối”, chống lại những “hoạt động tuần tra bình thường” của hải quân Trung Quốc. Mỹ và đồng minh còn coi đây là “một cuộc biểu dương sức mạnh nhằm cho Bắc Kinh thấy rằng sự hiếu chiến và thù địch của họ sẽ không được dung thứ”.

Theo các nguồn tin mới tung ra, các chiến thuật “vây lấn” của Bắc Kinh sẽ là nội dung được ưu tiên trong chương trình nghị sự tại cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khi ba nước thiết lập một “tam giác an ninh” khu vực. Trong tam giác đó, Nhật Bản có vị trí thuận lợi để đóng vai trò kết nối giữa các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tokyo tin tưởng việc giúp các nước Đông Nam Á đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông “là một phần để đẩy lùi chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc trên toàn khu vực”.

Không dừng ở việc hợp tác an ninh ba bên, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) còn ráo riết chuẩn bị một kế hoạch hỗ trợ an ninh hàng hải kéo dài 10 năm cho bốn quốc gia ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam nhằm tăng cường an ninh ở Biển Đông.

Trước sự công khai hợp sức tấn công Trung Quốc, Bắc Kinh đã hết sức tức giận. Thời báo Hoàn cầu gọi động thái này là “vụ việc mới nhất cho thấy ý định làm cạn kiệt đồng minh và làm suy yếu Trung Quốc”. Báo này cho rằng: Washington đã “tuyển dụng Nhật Bản” để làm mất ổn định khu vực hơn nữa (!).

Như nhiều lần trước đó, cách phản ứng của Bắc Kinh mỗi khi căng thẳng leo thang đều là quy về “sự khiêu khích” quá đáng của đối phương. Bộ Tư lệnh Mặt trận phía nam của quân đội Trung Quốc (khu vực phụ trách chính của Mặt trận này là Biển Đông) vừa tiến hành một cuộc diễn tập chiến đấu nhằm vào các “mục tiêu của kẻ thù”. Các mục tiêu ấy được mô tả là “các tàu cá có vũ trang quấy rối Trung Quốc”.

Nhà “nổ súng học” Hồ Tích Tiến chẳng ngần ngại khi đăng một video clip về cuộc diễn tập trên nền tảng mạng xã hội X với lời cảnh báo: “Một khi Philippines bắn phát súng đầu tiên, tôi hoàn toàn ủng hộ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắn vào tàu Philippines bằng đạn!”. Ông Tiến bồi tiếp: “ Tôi tin rằng phần lớn người dân Trung Quốc khi đó sẽ ủng hộ việc này”.

Như vậy là đã rõ. Chiến lược của Trung Quốc là leo thang căng thẳng đến khi nào đối phương chùn bước. Họ khua chiêng gõ trống để áp đảo, để đối phương hoảng sợ, rút lui.

Nhưng, tiếng trống ấy hiện thời không làm ai nao núng. Manila đang tiếp cận và tạo dựng quan hệ đối tác Washington, với Tokyo và các quốc gia đồng minh. Xin các ngài đừng “đánh trống chiến trận!”. Chuyện này xưa rồi.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới