Sunday, November 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới75 năm tồn tại, NATO mạnh đến mức nào?

75 năm tồn tại, NATO mạnh đến mức nào?

NATO có thể xem là tổ chức liên minh quân sự lớn nhất thế giới và họ có những đối thủ đáng gờm trong bối cảnh hiện nay.

NATO là tổ chức có sức mạnh quân sự mạnh nhất thế giới hiện nay.


Ngày 4/4/2023, Phần Lan chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Sự xuất hiện của cường quốc Bắc Âu này sẽ mang lại cho NATO một lực lượng quân sự được đào tạo bài bản và trang bị tốt.

Các nhà phân tích cho rằng Phần Lan sẽ tăng gấp đôi chiều dài biên giới giữa các nước NATO và Nga, đồng thời sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc hội nhập các lực lượng quân sự của NATO và hình thành một vòng vây răn đe chiến lược gây áp lực cho Moskva từ Bắc tới Nam.

Vậy sức mạnh quân sự của NATO mạnh đến mức nào sau khi đã thu hút được 31 quốc gia thành viên và tồn tại trong suốt 75 năm qua?

Tại sao NATO, vốn có quân số đông và trang bị tốt, thường xuyên gây áp lực lên Nga bằng các cuộc tập trận quân sự và mở rộng về phía Đông nhưng lại chưa bao giờ can dự trực tiếp vào xung đột?

Sức mạnh của NATO

Khi nói đến quốc gia hay tổ chức nào có sức mạnh quân sự mạnh nhất thế giới hiện nay thì NATO xứng đáng được gọi tên. Hiện tại, tổng số quân tại ngũ của 31 quốc gia thành viên trong khối là khoảng 3,5 triệu, lực lượng dự bị hơn 6,2 triệu.

Ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, NATO đã đặc biệt chú trọng xây dựng sức mạnh quân sự, chỉ riêng lực lượng quân sự thống nhất đóng tại Trung Âu đã có 800.000 quân. Trong trường hợp khẩn cấp, NATO có thể huy động 110 sư đoàn, 500 tàu chiến và 250 phi đội không quân chỉ trong vòng 48 giờ.

Sau Chiến tranh Lạnh, NATO đã tiến hành cắt giảm lực lượng trên quy mô lớn, nhưng vẫn giữ lại 70 sư đoàn lục quân thường trực, 350 tàu chiến và 120 phi đội bay.

NATO không chỉ duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh mà còn sở hữu một hệ thống chỉ huy quân sự thống nhất và hoàn chỉnh.

Trong thời bình, ngoại trừ một số đơn vị thường trực, phần lớn lực lượng quân sự của NATO do các quốc gia thành viên tự kiểm soát.

Trong số các lực lượng thống nhất của NATO, mạnh nhất là sức mạnh trên biển và trên không. Trong lịch sử. các nước thuộc khối NATO có ưu thế về hàng hải. Ngày nay, các cường quốc lớn của NATO cũng đều là cường quốc quân sự hàng hải.

Trong đó, Mỹ sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới hiện nay với 350.000 quân, bao gồm 11 nhóm tác chiến tàu sân bay, 72 tàu ngầm, 297 tàu chiến trên 1.000 tấn và 10 phi đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay.

Anh là cường quốc hải quân thứ hai của NATO, với 52 tàu chiến các loại, tổng tải trọng 720.000 tấn, đứng thứ 5 thế giới.

Hải quân Italia có 46 tàu chiến với tổng tải trọng 269.000 tấn, thống trị khu vực ven biển Địa Trung Hải.

Hiện nay, NATO đã triển khai 5 hạm đội hải quân thống nhất tại khu vực chiến lược Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, bao phủ toàn bộ châu Âu và Bắc Mỹ.

Về lực lượng không quân, tổng số máy bay chiến đấu các loại của các nước NATO vượt quá 20.000 chiếc, chiếm 40% lực lượng không quân toàn cầu, hầu hết là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, trong đó chủ yếu là F-16, F- 22, Rafale, Mirage và B-2,…

Nhìn vào các quốc gia thành viên NATO, không nghi ngờ gì Mỹ sở hữu lực lượng không quân hùng mạnh và hiện đại nhất. Nước này sở hữu hơn 13.000 máy bay chiến đấu, áp đảo hoàn toàn bất kỳ quốc gia nào khác.

Đặc biệt, các máy bay chiến đấu F-22, F-35 và máy bay ném bom B-2 của Mỹ đều vượt trội về khả năng tác chiến và công nghệ kỹ thuật so với máy bay chiến đấu của hầu hết các quốc gia khác.

Sau Mỹ, Đức và Anh là hai quốc gia có lực lượng không quân mạnh nhất trong NATO.

Lực lượng không quân Đức duy trì quân số khoảng 70.000 người và sở hữu 730 máy bay chiến đấu các loại. Trong khi đó, Anh có 55.000 lính không quân và 430 máy bay chiến đấu.

Ngoài ra, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ba Lan và một số quốc gia khác cũng duy trì lực lượng không quân với quy mô tương đối lớn.

Ngoài sức mạnh quân sự thông thường, NATO còn sở hữu lực lượng vũ khí hạt nhân vượt trội so với toàn thế giới.

Khối này sở hữu lực lượng hạt nhân chiến thuật lớn nhất hiện nay, với khả năng tấn công hạt nhân ba chiều trên không, trên biển và trên bộ. Lực lượng hạt nhân này chủ yếu dựa trên sức mạnh của Mỹ.

Cường quốc hạt nhân này có hơn 7.000 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động vào đầu thế kỷ 21.

Trong môi trường an ninh quốc tế mới, chiến lược hạt nhân của NATO và Mỹ đã có những thay đổi và điều chỉnh, số lượng đầu đạn hạt nhân dự trữ cũng được cắt giảm. Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn duy trì kho vũ khí hạt nhân với hơn 5.000 đầu đạn.

Hơn nữa, kể từ khi rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM), chính phủ Mỹ bắt đầu sửa đổi mạnh mẽ chiến lược hạt nhân. Họ không chỉ coi Trung Quốc và Nga là các mục tiêu tấn công hạt nhân tiềm năng mà còn chuẩn bị hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, tuyên bố không loại trừ khả năng tấn công hạt nhân đối với các tổ chức khủng bố. Từ đó, Mỹ bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ.

Nhìn vào sức mạnh quân sự của NATO, dù ở bất kỳ góc độ nào, không một quốc gia nào trên thế giới có thể cạnh tranh với khối này, cả Trung Quốc và Nga cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, với một lực lượng hùng mạnh như vậy, NATO vẫn chưa một lần can dự quân sự trực tiếp với Nga mà chỉ răn đe, gây áp lực thông qua các cuộc tập trận quân sự và tổ chức mở rộng về phía đông.

Dè chừng sức mạnh hạt nhân của Nga

Nga cũng sở hữu “át chủ bài” khiến NATO dè chừng, đó chính là sức mạnh hạt nhân. Kế thừa toàn bộ di sản công nghiệp nặng của Liên Xô, Nga sở hữu số lượng đầu đạn hạt nhân còn nhiều hơn cả Mỹ.

Tổng thống Nga Putin từng cảnh báo phương Tây rằng “nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân là thực tế hiện hữu nếu họ gửi quân tới chiến đấu ở chiến trường Ukraine”.

Quay trở lại tháng 10/2022, NATO tiến hành cuộc tập trận hạt nhân mang tên “Steadfast Noon” bất chấp sự phản đối của Nga.

Theo báo cáo, cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 60 máy bay chiến đấu, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Phát ngôn viên NATO khi đó cho biết: “Mục đích của cuộc tập trận là duy trì khả năng răn đe hạt nhân chiến lược đáng tin cậy của NATO, cuộc tập trận sẽ mô phỏng một loạt các sự kiện có thể xảy ra trong chiến tranh tương lai”.

Mặt khác, Nga, trước tình hình không thể ngăn chặn cuộc tập trận hạt nhân của NATO, đã lập tức tổ chức cuộc tập trận hạt nhân “Grom”, với sự tham gia của máy bay ném bom, tàu ngầm, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Cuộc tập trận hạt nhân với quy mô hoành tráng như vậy của Nga đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của toàn thế giới, khiến các quốc gia NATO chấn động.

Trước cuộc tập trận hạt nhân của Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công khai tuyên bố rằng xung đột Nga – Ukraine đã “gây ra mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”.

Nga coi đây là sự cường điệu hóa luận điệu về “ngày tận thế hạt nhân”, cho biết “mức độ nghiêm trọng của các cuộc tập trận hạt nhân của NATO là đáng lưu ý. Giống như trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Washington đã không xem xét những lo ngại chính đáng của Moskva về mối đe dọa hạt nhân”.

Điện Kremlin tuyên bố: “Nhà Trắng càng muốn ủng hộ chế độ ở Kiev thì càng chống lại Nga, đồng nghĩa với việc khả năng xảy ra xung đột hạt nhân sẽ gia tăng, kéo theo những hậu quả thảm khốc”.

Tuyên bố này ngay lập tức làm dấy lên cảnh giác giữa các nước NATO.

Nhà Trắng đã phải ra tuyên bố khẩn cấp để làm rõ rằng họ “không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Tổng thống Pháp Macron cũng kêu gọi Nga kiềm chế trước các mối đe dọa hạt nhân. “Nếu Ukraine bị tấn công hạt nhân, Pháp sẽ không đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.”

Phản ứng của Mỹ và Pháp đủ cho thấy NATO lo ngại về năng lượng hạt nhân của Nga.

Do đó, trong trường hợp NATO phát động cuộc chiến toàn diện chống lại Nga, rất có thể lúc đó, chào đón các quốc gia trong khối này sẽ là hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân của Moskva.

Không thể bỏ qua Trung Quốc

Một lý do khác khiến NATO không động thủ với Nga là sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga.

Mặc dù Bắc Kinh và Moskva chưa đạt được liên minh quân sự nhưng hai bên đang ở cùng một mặt trận, vì một sự thực dễ hiểu “môi hở thì răng lạnh”. Trung Quốc không thể để NATO đánh bại Nga.

Chỉ cần Nga tồn tại, sẽ có một khu vực đệm mạnh mẽ giữa Trung Quốc và NATO, hai bên sẽ không trực tiếp đối đầu.

Nhưng một khi Nga sụp đổ, ảnh hưởng của NATO sẽ lan rộng sang Đông Á và hệ thống liên minh này có thể mở rộng đến tận biên giới Trung Quốc và quốc gia rộng nhất châu Á này có thể là mục tiêu tiếp theo của NATO.

Trong trường hợp này, nếu NATO muốn tấn công Nga, họ buộc phải cân nhắc đến lập trường của Trung Quốc, thậm chí hoàn toàn đối đầu với Trung Quốc. Đây là điều mà phần lớn các quốc gia NATO không muốn chứng kiến.

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 12/2019, các nước châu Âu đã chỉ ra rằng: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với NATO vừa là thách thức vừa là cơ hội”.

Tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2/2024, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tổ chức một loạt cuộc họp bên lề với những lãnh đạo và người đồng cấp châu Âu. Ông Vương liên tục khẳng định Trung Quốc là “đối tác đáng tin cậy” của châu Âu và là “lực lượng ổn định” trong các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đứng đầu bộ phận đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng cam kết “phản đối” việc tách rời nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị ở Paris hôm 20/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp tôn trọng “quyền tự chủ chiến lược” của EU và sẵn sàng tăng cường phối hợp với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình và ổn định trước những thách thức toàn cầu.

Ông Macron đã tích cực thúc đẩy chiến lược tự chủ của EU, cho rằng khối này cần trở nên hùng mạnh hơn trên trường thế giới và hoạt động độc lập trong nhiều lĩnh vực, từ các hoạt động quân sự đến chính sách công nghiệp. Ông kêu gọi khối không nên “lệ thuộc” vào Mỹ hoặc bị cuốn vào căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có thể thấy rằng, sự căng thẳng của các thành viên châu Âu trong khối NATO đối với Trung Quốc phần lớn là do sự tác động của Mỹ. Về cơ bản, không có xung đột lợi ích không thể hòa giải giữa Trung Quốc và châu Âu.

Tựu chung, NATO bao gồm hàng chục quốc gia phát triển nhất trên thế giới, dù xét về quy mô kinh tế, ảnh hưởng chính trị hay sức mạnh quân sự, không quốc gia nào trên thế giới có thể sánh được.

Tuy nhiên, một khi NATO chọn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, phương Tây sẽ phải đối mặt với sự kháng cự chung tay của Trung Quốc và Nga. Bỏ qua sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh, chỉ riêng hàng nghìn đầu đạn hạt nhân của Nga cũng đủ để khiến NATO phải điêu đứng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới