Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Putin sẽ làm gì tới đây?

Ông Putin sẽ làm gì tới đây?

Ngày càng có nhiều cảnh báo của phương Tây về kế hoạch tương lai của Vladimir Putin – nhưng chúng vẫn không thuyết phục hơn chút nào.

Các thành viên chủ chốt của giới tinh hoa chính sách đối ngoại phương Tây hẳn phải là những người có khả năng đọc suy nghĩ của người khác: Họ tuyên bố mình biết chính xác ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin là gì. Các quan chức nổi tiếng và các nhà bình luận chính trị ngày càng đồng ý rằng tham vọng của ông ấy là vô hạn và Ukraine chỉ là mục tiêu đầu tiên của ông mà thôi.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng phát biểu “Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine.” Cựu Giám đốc CIA David Petraeus trả lời Christiane Amanpour của CNN: “Putin sẽ không dừng lại ở đó.” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo “Litva, Latvia, Estonia, Moldova sẽ là những nạn nhân tiếp theo,” còn Đại sứ Mỹ tại Anh Jane Hartley nói rằng “bất kỳ ai nghĩ rằng Nga có thể dừng lại sau chuyện này… đều sai lầm.” Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cũng thể hiện quan điểm tương tự khi nói “Nga sẽ không dừng lại. … [Putin] rõ ràng đã có kế hoạch tiến xa hơn.” Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra cảnh báo tương tự vào tháng 12/2023 và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng vậy. Các quan chức phương Tây không chắc chắn khi nào Nga sẽ tấn công NATO, nhưng ngày càng có nhiều người tin rằng chiến tranh mở rộng là điều không thể tránh khỏi nếu Moscow không bị đánh bại hoàn toàn.

Như Walter Lippmann đã cảnh báo, “Nếu tất cả mọi người đều nghĩ giống nhau, thì không ai thực sự suy nghĩ cả.” Sự thật rõ ràng là không ai trong số những người này biết Putin hay Nga sẽ làm gì nếu chiến tranh ở Ukraine kết thúc với việc Nga kiểm soát một số lãnh thổ từng thuộc về Ukraine trước năm 2022. Tôi cũng vậy, và bất kỳ ai khác cũng vậy, ngoại trừ chính Putin (nhưng có lẽ ông ấy cũng không biết chắc chắn). Đúng là có khả năng Putin có tham vọng lớn hơn và sẽ cố gắng nối tiếp thành công tốn kém ở Ukraine bằng một cuộc tấn công mới ở nơi khác. Nhưng cũng hoàn toàn có khả năng tham vọng của ông không vượt quá những gì Nga đã giành được – với cái giá khổng lồ – và ông không có nhu cầu hay mong muốn đánh cược nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, Putin gần đây đã tuyên bố rằng Nga sẽ không tấn công NATO, dù ông cũng nhấn mạnh rằng F-16 hoặc các máy bay khác được cung cấp cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp một khi chúng được triển khai ở Ukraine. Không nên vội vàng tin những lời đảm bảo của Putin, nhưng cũng không nên tự động cho rằng mọi điều ông ấy nói đều là dối trá.

Tất nhiên, các chuyên gia phương Tây đưa ra những cảnh báo khủng khiếp về hành động trong tương lai của Putin đang cố gắng thuyết phục công chúng phương Tây (và Quốc hội Mỹ) tăng thêm viện trợ cho Ukraine và ngân sách quốc phòng cho châu Âu. Xin nói rõ, tôi cũng ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, và tôi muốn thấy các thành viên châu Âu của NATO tăng cường khả năng răn đe bằng cách xây dựng lực lượng quân đội thông thường của họ. Điều làm tôi khó chịu là việc phóng đại các mối đe dọa theo phản xạ, từ đó dẫn đến những tuyên bố kiểu như trên, cùng với xu hướng xem những dự báo ảm đạm này như thể chân lý đã được xác lập, và gán cho bất kỳ ai dám nghi ngờ chúng là kẻ ngây thơ, tay sai của Nga, hoặc cả hai.

Niềm tin rằng Putin có tham vọng không giới hạn một phần được dựa trên tuyên bố quen thuộc của chủ nghĩa tự do, rằng tất cả các nhà độc tài đều có bản chất hung hăng và khó ngăn chặn. Logic rất đơn giản: “Mọi nhà độc tài đều tìm cách bành trướng; Putin là một nhà độc tài; do đó, Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine.” Tam đoạn luận này là một niềm tin cơ bản trong giới tinh hoa theo chủ nghĩa tự do, nhưng có rất ít bằng chứng ủng hộ nó. Chắc chắn một số nhà độc tài – chẳng hạn như Napoléon hay Adolf Hitler – là những kẻ xâm lược hàng loạt nguy hiểm, và đó là lý do tại sao bất kỳ nhà độc tài nào mà chúng ta gặp phải ngày hôm nay cũng đều bị gắn mác là “Hitler thứ hai.” Nhưng vẫn có những nhà độc tài cư xử tương đối tốt trên trường quốc tế, bất kể hành vi của họ ở quê nhà nghiêm trọng đến mức nào. Ví dụ, theo bất kỳ định nghĩa nào, Mao Trạch Đông cũng là một bạo chúa, và các chính sách của ông đã dẫn đến cái chết của hàng triệu đồng hương, nhưng cuộc chinh phạt duy nhất của Mao là để chiếm Tây Tạng vào năm 1950. Nước Phổ của Otto von Bismarck đã tham gia ba cuộc chiến riêng biệt chỉ trong vòng tám năm, nhưng nước Đức thống nhất được thành lập vào năm 1871 là một cường quốc kiên quyết giữ nguyên trạng đến hết phần còn lại của thế kỷ. Như Stanislav Andreski từng lập luận nhiều năm trước, nhiều chế độ độc tài quân sự có khuynh hướng hòa bình bởi vì việc tham chiến sẽ yêu cầu họ trang bị vũ khí cho chính công dân của mình và làm vậy có thể đe dọa khả năng nắm giữ quyền lực của họ. Việc Putin là một nhà độc tài tàn nhẫn, người đã bỏ tù hoặc giết hại nhiều đối thủ trong nước của mình, cũng như tham gia vào các hành vi hèn hạ khác, hầu như không thể cho chúng ta biết liệu ông có muốn chinh phục một loạt các nước láng giềng của Nga, hay tin rằng ông ta có thể làm vậy được hay không. Và cũng không nhất thiết phải là một nhà độc tài thì mới có thể phát động một cuộc chiến tranh phi nghĩa, bất hợp pháp, và gây tàn phá nặng nề; tôi có thể kể tên một số nền dân chủ tự do nổi bật đã làm việc đó nhiều lần.

Thứ hai, Nga sẽ không có khả năng phát động các cuộc chiến xâm lược mới khi chiến tranh Ukraine cuối cùng cũng kết thúc. Tình báo Mỹ tin rằng hơn 300.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine, cùng thiệt hại hàng nghìn xe bọc thép, hàng chục tàu và máy bay. Putin vẫn chần chừ ra lệnh động viên bổ sung (dù ông có thể làm vậy sau khi kết thúc “tái tranh cử”), đều là vì các biện pháp này sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga hơn nữa và có nguy cơ gây bất bình trong dân chúng. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây không gây tổn hại cho nền kinh tế Nga nhiều như Mỹ và các đồng minh hy vọng, nhưng hậu quả kinh tế lâu dài đối với Nga vẫn sẽ rất nghiêm trọng. Tham gia một cuộc chiến kéo dài là việc làm rất tốn kém, và tiến hành một cuộc chiến mới ngay sau khi cuộc chiến hiện tại kết thúc thậm chí còn liều lĩnh hơn quyết định ban đầu của Putin, phát động điều mà ông tin rằng sẽ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” dễ dàng. Chẳng phải sẽ hợp lý hơn nếu nói những khó khăn của Nga ở Ukraine sẽ khiến Putin thận trọng hơn nhiều trong tương lai, ngay cả khi quân đội của ông cuối cùng vẫn giành chiến thắng dù phải trả giá đắt?

Thứ ba, nếu lý do chính khiến Putin quyết định xâm lược là để ngăn Ukraine bước vào quỹ đạo của phương Tây và một ngày nào đó gia nhập NATO, thì ông có thể hài lòng nếu khả năng đó bị loại bỏ trong một hiệp định hòa bình hậu chiến. Các quốc gia thường gây chiến vì sợ hãi hơn là vì lòng tham, và nếu nỗi sợ về an ninh của Nga giảm bớt thì động cơ của nước này nhằm xâm lược các quốc gia khác ở châu Âu có lẽ cũng sẽ giảm theo. Tất nhiên, các thành viên NATO không nên coi khả năng này là đương nhiên, nhưng nó cũng hợp lý như khi giả định rằng các mục tiêu của Putin là không có giới hạn.

Một số nhà quan sát ở phương Tây cho rằng việc mở rộng NATO là không liên quan, và nhấn mạnh rằng Putin xâm lược vì ông tin rằng người Ukraine và người Nga có chung nguồn gốc văn hóa và lịch sử, và do đó phải liên kết với nhau về mặt chính trị, nếu không muốn nói là thống nhất về mặt chính thức. Theo quan điểm này, việc mở rộng NATO không liên quan gì đến quyết định bắt đầu chiến tranh của ông, nhưng đây chỉ là một ví dụ về chủ nghĩa đế quốc văn hóa Nga đã có từ xưa. Tuy nhiên, nếu đúng như vậy, thì điều đó hàm ý rằng Ukraine là một trường hợp độc nhất trong suy nghĩ của Putin, và những lý do khiến ông xâm lược (và nghĩ rằng việc đó sẽ dễ dàng) không thể áp dụng được ở bất kỳ nơi nào khác. Điều thú vị là kết luận này nhất quán với quan điểm mà William Burns đưa ra vào năm 2008 khi còn là Đại sứ Mỹ tại Nga, khi ông cảnh báo Washington rằng “Việc Ukraine gia nhập NATO [là] lằn ranh đỏ nhất trong tất cả các lằn ranh đỏ đối với giới tinh hoa Nga (chứ không chỉ Putin).” Nga đã miễn cưỡng chấp nhận các đợt mở rộng NATO trước đó, nhưng Ukraine thuộc một trường hợp rất khác. Dù người ta nghĩ gì về những tuyên bố vòng vo của Putin xoay quanh “sự thống nhất lịch sử giữa người Nga và người Ukraine,” ông không nhìn nhận Phần Lan, Thụy Điển, hay Ba Lan hay bất kỳ nước nào khác theo cách tương tự. Tình trạng của các nhóm thiểu số nói tiếng Nga ở các nước vùng Baltic có thể trở thành cái cớ cho lần can thiệp tiếp theo của Nga, nhưng liệu Putin có chấp nhận đánh cược vào khả năng xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp với NATO ở các quốc gia mà hầu hết người dân không phải là người Nga và kiên quyết phản đối việc tái hợp nhất với Nga?

Quan điểm của tôi là nếu bạn tin rằng Putin xâm lược chủ yếu vì ông ấy cho rằng người Nga và người Ukraine là “một dân tộc,” thì bạn có thể kết luận một cách hợp lý rằng tham vọng của ông ấy chỉ giới hạn trong trường hợp duy nhất đó.

Cuối cùng, tuyên bố rằng Putin là kẻ xâm lược không ngừng nghỉ, người sẵn sàng phát động các cuộc chiến mới nếu không bị đánh bại hoàn toàn, sẽ cản trở những nỗ lực chấm dứt chiến tranh và giảm thiểu thiệt hại cho Ukraine. Nếu bạn tin rằng thất bại hoàn toàn là điều duy nhất sẽ ngăn Putin bắt đầu một cuộc chiến mới, thì trên thực tế, bạn đang nói rằng cuộc giao tranh hiện tại phải tiếp tục cho đến khi Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình. Tôi rất muốn thấy điều đó xảy ra, nhưng kịch bản đó đang ngày càng xa vời, bất chấp việc sắp có thêm viện trợ của phương Tây. Và nhân tiện, có ai trong nhóm lạc quan mù quáng, những người đã dự đoán sai rằng cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái sẽ thành công, đã xin lỗi về sai sót của mình và giải thích tại sao mình lại sai hay chưa?

Xin nhắc lại: Tôi không nói rằng tôi biết Putin sẽ làm gì – vì tôi không biết. Tôi cũng không nghĩ chúng ta nên đơn giản cho rằng ông ấy có ý tốt, hoặc ông ấy sẽ duy trì hiện trạng ở châu Âu một cách đáng tin cậy sau khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc. Điều tôi phản đối là tất cả những nhân vật có ảnh hưởng đang tự cho là mình biết chính xác những gì Putin sẽ làm và đang dựa vào phỏng đoán đơn thuần để theo đuổi những mục tiêu không thực tế.

Nếu cuộc chiến ở Ukraine kết thúc với một điều gì đó không phải là một chiến thắng hoàn toàn cho Ukraine, thì phản ứng thích hợp là giảm thiểu khả năng các quốc gia khác sẽ phải chịu chung số phận với Ukraine trong tương lai. Bởi chẳng ai trong chúng ta biết Putin có thể làm gì, nên các thành viên châu Âu của NATO cần tăng cường khả năng phòng thủ và khắc phục mọi điểm yếu dễ thấy của họ. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Mỹ và các đồng minh NATO nên thừa nhận những quan ngại an ninh chính đáng của Nga (giống như mọi quốc gia, Nga thực sự có quan ngại an ninh) và xem xét những gì họ có thể làm để xoa dịu những quan ngại đó. Một nỗ lực như vậy sẽ gây tranh cãi và gặp nhiều khó khăn, vì người ta vẫn muốn “bắt Nga phải trả giá” cho những gì họ đã làm. Nhưng chiến lược khôn ngoan là phải hướng tới tương lai, và việc ngăn chặn chiến tranh trong tương lai nên được ưu tiên. Điều này sẽ đòi hỏi sự kết hợp giữa khả năng răn đe đáng tin cậy và trấn an đáng tin cậy để Putin hoặc những người kế nhiệm ông không có nhu cầu cân nhắc việc sử dụng vũ lực, và cũng không tin rằng làm như vậy sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới