Cùng lúc với Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Úc diễn tập ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc cũng tổ chức diễn tập quân sự nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.
Trung Quốc diễn tập hai ngày ở Biển Đông
Ngày 9-4, quân đội Trung Quốc thông báo hoàn thành hai ngày diễn tập hải quân và không quân ở Biển Đông.
Người phát ngôn Tian Junli của Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc cho biết cuộc tập trận ngày 7 và 8-4 bao gồm các hoạt động tuần tra của máy bay chiến đấu, các cuộc đột kích chung trên không và trên biển cũng như lập đội hình tuần tra của các tàu chiến.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không nói rõ địa điểm diễn tập.
Bộ chỉ huy sẽ “liên tục tăng cường huấn luyện quân sự và chuẩn bị chiến tranh” và “bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, tờ South China Morning Post dẫn lời ông Tian nói.
Đợt diễn tập của Trung Quốc diễn ra cùng lúc với hoạt động diễn tập của Philippines và các đồng minh Mỹ, Nhật Bản, Úc tại Biển Đông ngày 7-4. Các hoạt động diễn ra trong bối cảnh Philippines dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ, Nhật Bản vào ngày 11-4 tới để bàn về những căng thẳng tại khu vực thời gian qua.
Theo quân đội Philippines, các tàu hải quân và máy bay sẽ tham gia diễn tập trong “vùng đặc quyền kinh tế của Philippines” ở biển Tây Philippines, tên Manila gọi phần Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Đợt diễn tập có sự tham gia của ba tàu chiến Philippines gồm BRP Gregorio del Pilar, BRP Antonio Luna và BRP Valentin Diaz, cùng với tàu USS Mobile của Mỹ, JS Akebono của Nhật Bản và HMAS Warramunga của Úc.
Đây là cuộc tập trận chung toàn diện đầu tiên giữa bốn nước.
Theo tuyên bố của quân đội Philippines ngày 7-4, các bên đã tiến hành một “cuộc diễn tập liên lạc, chiến thuật sư đoàn hoặc diễn tập canh gác” để tăng cường hợp tác trong chiến đấu hải quân. Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila cho biết cuộc tập trận chung còn bao gồm cả huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm.
Trong tuyên bố chung của bốn nước Mỹ, Nhật, Philippines, Úc phát ngày 6-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh: “Những hoạt động này (diễn tập chung ở Biển Đông) với các đồng minh Úc, Nhật Bản và Philippines nhấn mạnh cam kết chung của chúng tôi nhằm đảm bảo tất cả các nước được tự do đi lại, bay qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Ông Austin nói thêm rằng: “Các hoạt động chung của chúng tôi hỗ trợ hòa bình và ổn định, cốt lõi của tầm nhìn chung của chúng tôi về một khu vực tự do và cởi mở”.
Căng thẳng Philippines – Trung Quốc
Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr ngày 8-4 cho biết Manila sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc và đang tận dụng mọi lựa chọn để trao đổi với lãnh đạo Bắc Kinh, nhằm tránh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.
Ông cũng hy vọng “hoạt động hàng hải chung” (diễn tập quân sự – PV) vừa kết thúc giữa Philippines, Nhật Bản, Úc và Mỹ sẽ làm giảm các sự cố trên biển với Trung Quốc.
Thời gian qua, các cuộc đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines đã khiến căng thẳng tại khu vực Biển Đông leo thang. Nổi bật trong số này là hai lần tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lần lượt vào ngày 5 và 23-3.
Manila cáo buộc Bắc Kinh cản trở các nhiệm vụ tiếp tế của nước này cho các quân nhân đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre mắc cạn ở khu vực bãi Cỏ Mây.
Ngược lại, Trung Quốc cáo buộc tàu Philippines xâm nhập trái phép “lãnh thổ nước này”. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ yêu sách của các nước khác, bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS 1982.
Ngày 9-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Việt Nam rất quan ngại về căng thẳng gần đây ở Biển Đông, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.
Bà Hằng nhấn mạnh mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, bà Hằng nói.
T.P