Thursday, November 14, 2024
Trang chủQuân sựTại sao Su-35S ‘thất sủng’ trong không quân TQ?

Tại sao Su-35S ‘thất sủng’ trong không quân TQ?

Việc Trung Quốc mua Su-35S từ Nga đã khiến cho các chuyên gia bất ngờ, bởi Trung Quốc đã có thể sản xuất ra những chiếc máy bay được đánh giá cao hơn Su-35.

Su-35 của Không quân Trung Quốc.


Vào tháng 11/2015, Bộ Quốc phòng Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên của máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ 4++, Su-35S của Nga. Chiếc đầu tiên trong số này đã được giao vào tháng 1/2017 và chiếc cuối cùng đã đến Trung Quốc vào giữa năm 2019.

Việc mua Su-35S khiến các nhà phân tích và giới quan sát quân sự ngạc nhiên, vì Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khi đó đã trang bị nhiều máy bay chiến đấu được đánh giá là có khả năng chiến đấu tốt hơn Su-35S.

Ví dụ tiêu biểu là máy bay chiến đấu hạng nặng J-16 được Trung Quốc đưa vào sử dụng từ năm 2015, chiếc máy bay này được trang bị tên lửa hiện đại, sử dụng nhiều vật liệu tổng hợp, tiết diện radar thấp hơn, được bổ sung hệ thống điện tử hàng không và các cảm biến mạnh mẽ, đáng chú ý là việc tích hợp radar quét mảng điện tử chủ động đầu tiên do Trung Quốc sản xuất.

Nguyên nhân mua Su-35 của Trung Quốc

Theo các chuyên gia phân tích, Su-35 được Trung Quốc mua lại chủ yếu là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận chuyển giao công nghệ, liên quan đến động cơ vectơ lực đẩy, một công nghệ mà Nga đang dẫn đầu thế giới và là công nghệ mà quân đội Trung Quốc đang tìm cách tích hợp vào các phiên bản tương lai của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20.

Các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến của Trung Quốc khi đó như J-16 và J-10C đã chứng tỏ được khả năng vượt trội so với Su-35 trong các cuộc tập trận. Đến năm 2017 Trung Quốc tiếp tục ra mắt J-17 và đến năm 2021 thì biến thể J-20A tiên tiến hơn lại ra đời, điều này khiến Su-35 trở thành một trong những máy bay chiến đấu bị đánh giá là kém năng lực hơn trong biên chế của Không quân Trung Quốc.

Điều này trái ngược hoàn toàn với tình trạng của không quân Trung Quốc vào những năm 1990, khi họ mua 100 chiếc Su-27 của Nga vào năm 1991 và 8 năm sau đó mua tiếp 100 chiếc Su-30, cả hai loại máy bay này đều vượt trội hơn nhiều so với bất cứ thứ gì mà ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có thể sản xuất vào thời điểm đó.

Thực tế là chỉ có 24 chiếc Su-35 được mua từ Nga, trong khi không quân Trung Quốc đã mua J-16 với tốc độ gần 30 chiếc mỗi năm, J-10C là gần 50 chiếc và J-20 với tốc độ hiện nay là gần 100 chiếc mỗi năm. Su-35 dù có chi phí sản xuất rẻ hơn đáng kể so với J-16 hoặc J-20, tuy nhiên lại sử dụng vật liệu composite ít hơn và thiết bị điện tử kém tiên tiến hơn.

Khả năng hoạt động của Su-35 trong không quân Trung Quốc vẫn bị đánh giá là khá hạn chế, bởi sự lạc hậu của các tên lửa không đối không được trang bị trên loại máy bay này. Tên lửa chính của nó là R-77-1 có tầm bắn chỉ 110 km, thấp hơn nhiều khi so với tên lửa PL-15 do Trung Quốc sản xuất, nó có tầm bắn lên tới 250 km.

Ngoài ra còn có tên lửa tầm ngắn R-74, loại tên lửa này được đánh giá là cũ hơn nhiều và bị hạn chế khả năng tấn công mục tiêu ở phạm vi góc hẹp so với loại tên lửa tương tự PL-10 do Trung Quốc phát triển.

Tuy nhiên, Lực lượng Không quân Trung Quốc vẫn có hi vọng để tăng cường khả năng chiến đấu cho những chiếc Su-35 trong biên chế, cụ thể là mua tên lửa không đối không R-37M từ Nga để trang bị cho phi đội Su-35 duy nhất của mình.

Tên lửa R-37M của Nga

R-37M là một tên lửa cỡ lớn có tầm bắn lên tới 400 km và đạt tốc độ Mach 6, được thiết kế để tấn công cả máy bay chiến đấu và các loại máy bay hỗ trợ. Tên lửa này bắt đầu được tích hợp trên các máy bay Su-35 của Không quân Nga từ cuối những năm 2010 và đã được thử nghiệm chiến đấu rộng rãi ở Ukraine.

Trong khi vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về hiệu suất của các máy bay chiến đấu Nga, nhưng các nhà phân tích của cả phương Tây và Trung Quốc đều đánh giá cao tên lửa R-37M, vì hiệu suất vượt trội so với các loại tên lửa khác mà Su-35 được trang bị.

Hạn chế chính đối với khả năng sử dụng R-37M của Su-35 là radar Irbis-E được trang bị trên chiếc máy bay này, loại radar trên không được coi là đủ mạnh để hướng dẫn Su-35 phát huy hết tầm hoạt động.

Tên lửa R-37M ban đầu được thiết kế để triển khai bởi máy bay đánh chặn MiG-31BM Foxhound, loại máy bay được trang bị radar N007M mạnh hơn đáng kể, đồng thời có thể bắn tên lửa với tốc độ và độ cao lớn.

Do đó, các máy bay Su-35 hoạt động ở Ukraine buộc phải dựa vào sự hỗ trợ từ các máy bay cảnh báo và kiểm soát sớm trên không (AEW&C) như A-50U để hỗ trợ các cuộc tấn công tầm xa hơn. A-50U cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tên lửa đất đối không tầm xa của Nga chống lại các mục tiêu bay ở độ cao thấp đến từ Ukraine.

R-37M rất phù hợp với Trung Quốc

Tuy nhiên, trong biên chế của Không quân Trung Quốc, các máy bay chiến đấu sử dụng các loại cảm biến mạnh hơn nhiều so với Su-35 như J-16, J-11BG và J-20, tất cả đều có khả năng cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu để hỗ trợ Su-35 sử dụng R- 37M.

Hơn nữa, Trung Quốc không chỉ sở hữu nhiều máy bay AEW&C hơn mà còn có những mẫu máy bay phức tạp hơn nhiều so với Nga, trong đó KJ-500A được xem là loại máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm mạnh nhất trên thế giới và chỉ có chiếc E-7 của Mỹ là đối thủ.

Do đó, không quân Trung Quốc được trang bị tốt hơn nhiều để tận dụng tối đa khả năng bắn tên lửa R-37M so với Không quân Nga. R-37M sẽ cho phép Su-35 đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột ở nhiều chiến trường từ Bán đảo Triều Tiên đến Eo biển Đài Loan.

Lớp tên lửa này sẽ tăng gấp ba lần phạm vi tiếp cận của máy bay chiến đấu, do đó tăng đáng kể khả năng chiến đấu của máy bay nhằm bù đắp cho những thiếu sót khác, đặc biệt là trong việc tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao của đối phương như máy bay AEW&C và máy bay ném bom chiến lược.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới