Sunday, January 26, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVatican và Đảng Cộng sản Việt Nam: chuyển biến mới về ý...

Vatican và Đảng Cộng sản Việt Nam: chuyển biến mới về ý thức hệ

Thiên Chúa giáo hay Kito giáo là một tôn giáo độc thần khởi nguồn từ Abraham, bao gồm các nhánh Công giáo La Mã, Chính thống giáo, Anh giáo và Tin lành. Đây là tôn giáo có nhiều tín đồ nhất thế giới, với khoảng 2,6 tỉ người, trong đó số người theo Công giáo chiếm số lượng lớn nhất (khoảng 1,3 tỉ người).

Tòa thánh Vatican – nơi quyền lực nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Nguồn: Vatican

Tôn thờ Chúa Cha là Thượng đế duy nhất, Thiên Chúa giáo lấy Kinh Thánh (Tân Ước và Cựu Ước) làm giáo lý, quan niệm vạn vật trong vũ trụ đều do Thiên Chúa sáng tạo ra. Mọi giáo lễ, giáo luật của đạo Thiên Chúa đều xoay quanh lòng kính thờ Đức Chúa Cha. Kinh Thánh cho rằng, loài người sinh ra đã mắc “tội tổ tông”, cõi người tràn đầy tội lỗi, khổ nạn, nếu biết sống tốt, ăn năn, sám hối và làm theo lời răn của Chúa thì khi chết đi sẽ được lên thiên đàng, trở về Nước Đức Chúa Trời. Đạo Thiên Chúa cũng có hệ thống nghi thức và điều luật riêng mà nếu giáo dân phạm tội thì đều phải chịu những hình phạt thích đáng theo quy định của giáo hội. Mặc dù có sự điều chỉnh theo từng thời kì nhất định, song về căn bản những luật lệ, giáo lý này đều giữ nguyên tinh thần độc tôn Thiên Chúa từ khởi thuỷ đến nay. Những lời răn trong Kinh Thánh chính là kim chỉ nam cho mọi tín đồ Thiên Chúa giáo trên thế giới, được truyền dạy từ đời này qua đời khác như một định ước thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

  1. Cuộc đối đầu ý thức hệ giữa Công giáo La Mã và chủ nghĩa Cộng sản

Năm 1917, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đánh dấu sự ra đời của nước Nga Xô Viết – Nhà nước Cộng sản đầu tiên trên thế giới, mở đường cho sự hình thành của Liên bang Xô Viết vào năm 1922. Kể từ đó, sự khác biệt giữa hai hình thái kinh tế – xã hội tư bản và chủ nghĩa xã hội ngày càng trở nên rõ ràng. Thể chế chính trị và tôn giáo ở hai đất nước với hai kiểu hình thái kinh tế này cũng bộc lộ những khoảng cách lớn. Tư tưởng hữu thần và quan điểm duy tâm của các nhà thần học Thiên Chúa giáo khác xa với học thuyết Cộng sản của Marx – vốn là một triết thuyết được hình thành dựa trên nền tảng duy vật biện chứng, gắn liền với quan niệm vật chất quyết định ý thức, thế giới khách quan tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào thế giới chủ quan. Quan điểm mang màu sắc vô thần của chủ nghĩa cộng sản ngay lập tức cho thấy sự đối lập hoàn toàn với quan niệm về Đấng Sáng Thế của Kito giáo. Trong khi phần lớn các tín đồ Công giáo tập trung ở các nước tư bản phương Tây thì ở phương Đông, xu hướng vô thần lại đang trở nên ngày càng phổ biến. Thậm chí nội bộ Thiên Chúa giáo cũng ngày càng có sự phân rẽ lớn, khi các nhánh Chính Thống của người Nga và Đông Âu, Anh giáo của người Anh và cộng đồng Kháng Cách (Tin lành)… đang phát triển những cộng đồng riêng, giữ gìn sự độc lập tương đối với Toà thánh Vatican.

Đối với các nước phương Tây nơi giáo hội Công giáo đã và đang phát triển lớn mạnh, đây được xem là một mối nguy lớn, đe doạ trực tiếp đến sự tồn vong của Vatican. Trong Thông điệp “Chúa Cứu thế” năm 1931, Giáo hoàng Pius XI đã nêu rõ những thiệt hại to lớn tôn giáo phải chịu dưới chế độ Cộng sản Liên Xô và nêu lên những mối nguy cơ của Cộng sản đang đà phát triển trên toàn thế giới. Thông điệp này đã lên án Cộng sản là vô thần, vi phạm nhân phẩm, nhân quyền, cho rằng Cộng sản là “sự dối trá có hệ thống” bởi chủ thuyết Cộng sản chối bỏ Thiên Chúa. Giáo hoàng công khai kêu gọi giáo dân không tham gia Đảng Cộng sản, không ủng hộ Cộng sản mà phải làm mọi cách để chống lại Cộng sản. Vì vậy, các linh mục khi ra cai quản xứ đạo đều đồng bộ dạy giáo dân phải chống cộng triệt để và quyết liệt.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 1939, Giáo hoàng Pius XII tiếp tục ra Thông điệp năm 1951 thể hiện thái độ chống Cộng quyết liệt. Giáo hoàng cho rằng sự khuếch trương của chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với việc những người có đạo sẽ gặp nguy hiểm, việc truyền giáo sẽ bị cấm đoán trong các quốc gia vô thần, từ đó kêu gọi các giáo phận trên toàn cầu cảnh giác trước “nguy cơ Cộng sản”.

  1. Công giáo và phong trào chống Cộng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Thiên chúa giáo, cụ thể là Công giáo, đã du nhập từ cuối thế kỉ XVII qua quá trình buôn bán, giao thương với phương Tây; sau đó phát triển lớn mạnh qua các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp vào đầu thế kỉ XX. Kể từ khi các phong trào công – nông mà điển hình là mô hình Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời (1930 – 1931), Cộng sản chính thức trở thành một lực lượng được Giáo hội Việt Nam lúc bấy giờ xác định là đối địch với Công giáo.

Bức thư mục vụ ngày 9/11/1951 do 15 Giám mục Việt Nam ký đã thể hiện sự đoạn tuyệt dứt khoát giữa hàng Giáo phẩm Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bức thư chỉ thị cho các tín đồ Công giáo rằng, có một sự đối nghịch hoàn toàn giữa Giáo hội Công giáo và Chủ nghĩa cộng sản, đến mức mà Đức Giáo hoàng đã tuyên bố rằng dứt khoát không thể vừa là Giáo dân vừa là Cộng sản được. Không chỉ cấm tham gia Đảng Cộng sản; các tín hữu còn không được hợp tác hay làm bất cứ điều gì khiến cho Đảng Cộng sản giành được quyền lực. Tất cả những ai tham gia Cách mạng sẽ bị coi là phản loạn, bất tuân ý Chúa và chịu sự trừng phạt theo giáo luật. Như vậy, thông điệp năm 1951 của Giáo hoàng Pius XII không những đã tạo ra một phong trào Công giáo chống Cộng trên toàn cầu mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của người Công giáo ở Việt Nam.

Về phía Đảng Cộng sản Việt Nam, quan điểm xuyên suốt từ ngày lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến nay là “đoàn kết lương giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng”. Ngay trong cuộc họp Chính phủ lâm thời sau ngày độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “thực dân và phong kiến tiến hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ thống trị, tôi đề nghị Chính phủ ra tuyên bố “tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Trong cuộc gặp ngày 6/11/1945, Giám mục Lê Hữu Từ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời vào Hội đồng Cố vấn Tối cao của Chính phủ. Điều 10, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946 cũng đã ghi rõ: “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”.

Tuy vậy, trong suốt kháng chiến chống Pháp, Công giáo vẫn giữ quan điểm đối đầu, “không đội trời chung” với Cộng sản và đứng về phía thực dân Pháp. Điển hình nhất trong số các vụ việc chứng minh cho hoạt động chống phá của các tín đồ Công giáo trong giai đoạn này là sự kiện Phúc Nhạc diễn ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đầu năm 1947, Giám mục Lê Hữu Từ thành lập “Tổng bộ tự vệ công giáo” gồm 5 đại đội với 558 người, được trang bị vũ khí, lấy Nhà hát Nam Thanh làm trung tâm huấn luyện, lấy khẩu hiệu “Công giáo bất diệt và “Đả đảo Cộng sản” làm kim chỉ nam hoạt động. Tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, nhóm đã gây ra 14 vụ thảm sát cán bộ công an và bộ đội, giết 17 người dân lương thiện và cướp tài sản của họ. Vào ngày 17/8/1947, nhóm đã giết ông Vũ Hồn Nhiên – Trưởng ty Tình báo Nam Định. Nghiêm trọng hơn, Lê Hữu Từ đã chỉ đạo cai Khoan và tay sai phục kích tại Phúc Nhạc mưu sát đoàn cán bộ của Chính phủ và của tỉnh về làm việc với Lê Hữu Từ. Việc mưu sát bị bại lộ nên không thực hiện được.

Sau khi Hiệp định Geneve được kí kết (1954), Giáo hội Công giáo đã vận động giáo dân di cư vào miền Nam để phục vụ cho chính quyền Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn.

Trong kháng chiến chống Mĩ, Công giáo chính là cánh tay đắc lực phục vụ cho hoạt động chống Cộng ở miền Nam Việt Nam. Ngô Đình Diệm và anh trai là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đã nuôi tham vọng Công giáo hoá hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Chính sách của Diệm là chỉ có người công giáo mới được bổ nhiệm vào những vị trí chủ chốt trong chính phủ, trong khi tín đồ Công giáo chỉ chiếm khoảng 12 – 13% dân số miền Nam lúc bấy giờ. Dưới bộ máy cai trị ấy, chỉ trong vòng 5 năm (1955 – 1960), đã có hàng trăm nghìn người bị hành quyết, ám sát hay cầm tù, tra tấn… rất dã man theo chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”. Ở miền Bắc, Công giáo cũng tỏ ra chống đối, bất hợp tác với chính quyền, liên tục thực hiện các hoạt động như: không đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất, ngăn cấm con em thực hiện nghĩa vụ quân sự, liên lạc, viện trợ cho Công giáo miền Nam, tuyên truyền cho Đế quốc Mĩ và chế độ Việt Nam Cộng hoà…

Từ sau năm 1975 cho đến tận thời kì hội nhập, lực lượng có tinh thần chống đối Cách mạng quyết liệt nhất vẫn chính là Công giáo. Mặc dù Đảng và Nhà nước liên tục có sự quan tâm, điều chỉnh chính sách và tạo điều kiện cho Công giáo được phát triển tại Việt Nam, song phía Công giáo vẫn ngầm xây dựng các tổ chức chống đối như “Cao trào linh mục Mẹ Maria”, “Tu hội hi vọng”, “Gia đình Đồng Công” với các hoạt động tuyên truyền, biểu tình, bạo động… tại các khu vực Mỹ Tho, Thủ Đức, Tây Nguyên…

Mặc dù dù vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía Công giáo nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có chủ trương coi Công giáo hay bất cứ tôn giáo nào là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà luôn xác định phải đoàn kết tôn giáo là tiêu chí đầu tiên để đảm bảo sự phát triển bền vững và thịnh vượng của quốc gia. Tất cả các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013 cũng đều nhất quán quy định bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam. Ngày 18/11/2016, Quốc hội khóa XIV chính thức ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, tái khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.

Nhà nước cũng cấp đất, hỗ trợ xây dựng các cơ sở tôn giáo, tu sửa lại nhà thờ, các các công trình tôn giáo bị phá huỷ trong chiến tranh. Từ tháng 5/1975 đến nay, tổng diện tích đất được Nhà nước giao cho các tổ chức tôn giáo là 13.9 triệu mét vuông, trong đó giao lại 3,2 triệu mét vuông đất đã sử dụng trước đây và cấp mới 10,7 triệu mét vuông. Trong đó, Công giáo trên 5 triệu mét vuông.

Nhà nước cũng tạo điều kiện cho Công giáo mở các cơ sở đào tạo và tự do tiến hành các hoạt động sắc phong, bổ nhiệm chức sắc tôn giáo. Việt Nam hiện có 11 cơ sở đào tạo Công giáo và tính đến năm 2021, Công giáo Việt Nam đã có 46 Giám mục cùng gần 6000 linh mục.

Các hoạt động phổ biến giáo lý, kinh sách cũng đi vào chiều sâu và mang tính phổ cập, với khoảng 4000 đầu sách tôn giáo và hàng chục triệu bản in, lưu hành trên khắp cả nước.

Những ngày lễ lớn cũng được tổ chức trang trọng, bảo toàn đúng nghi thức thiêng liêng của Công giáo. Đặc biệt, vào dịp Giáng sinh hàng năm, các nhà lãnh đạo cấp cao trong tổ chức Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều gửi thư chúc mừng, đến thăm, tặng quà cho các đơn vị chức sắc và đồng bào Công giáo.

Song không những tạo điều kiện cho người Công giáo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình, Đảng và Nhà nước còn yêu cầu người Công giáo nghiêm túc chấp hành luật pháp, Hiến pháp của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Không có sự ưu tiên đối với các giáo dân nếu họ phạm pháp. Tất cả những người có đạo và không có đạo, bất kể tôn giáo nào, cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó, những tín đồ Công giáo lợi dụng chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước để thực hiện các hoạt động chống phá chính quyền đều đã bị xử lí thích đáng theo quy định của pháp luật. Điển hình là vụ Nguyễn Văn Lý ở Huế, vụ Ngô Quang Kiệt ở Hà Nội…

  1. Từng bước gỡ bỏ hiểu lầm và tiến đến chấm dứt đối đầu ý thức hệ giữa Công giáo và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

3.1. Chính sách tôn giáo nói chung và chính sách đối với người Công giáo nói riêng của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến Toà thánh Vatican và Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cả hai đều nhận ra rằng đã đến lúc cần phải tiến đến đối thoại với Đảng và Nhà nước Việt Nam Cộng sản nhằm tìm ra tiếng nói chung, tránh để tình trạng hiểu lầm, căng thẳng kéo dài.

Đối với Giáo hội Việt Nam, chỉ năm ngày sau khi Sài Gòn giải phóng, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã có Thư chung ngày 05/5/1975 gửi linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân, trong thư có viết: “Hơn mọi lúc, giờ đây người Công giáo phải hoà mình vào nhịp sống của toàn dân, đi sâu vào lòng dân tộc… Điều quan trọng là biết hướng về tương lai, cùng với mọi anh em đồng bào dưới sự hướng dẫn của Chính phủ Cách mạng lâm thời xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, một xã hội mới tiến bộ, công bình, giàu tình thương”.

Cũng trong bối cảnh thống nhất đất nước, Tổng giám mục hai Tổng Giáo phận Sài Gòn và Huế đưa vào Thư chung năm 1976 như sau: “Không có ‘khối Công giáo’ như một thế lực chính trị, người Công giáo là thành phần của cộng đồng dân tộc, hoàn toàn hoà mình trong cuộc sống đồng bào, cùng chung nỗi vui mừng, niềm hi vọng và nỗi lo âu của toàn dân”.

Tinh thần hoà nhập vào dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam được thể hiện mạnh nhất trong Thư chung năm 1980. Đây là một văn bản có tính định hướng rõ rệt của Hội đồng Giám mục Việt Nam, qua đó xác quyết rõ ràng đường hướng: Gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, với phương châm “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

3.2. Đối với Công giáo La Mã, tháng 7/1989, Hồng y Roger Etchegaray đã dẫn đầu đoàn đại diện Vatican thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, đặt cột mốc đầu tiên trong quan hệ ngoại giao hai bên.

Từ năm 1990 đến 2009, hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc cấp cao để tăng cường đối thoại, thấu hiểu lẫn nhau. Tháng 11/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican nhân chuyến thăm Italy. Ngày 11/12/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp tục có cuộc gặp với Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican. Cũng trong năm này, Việt Nam – Vatican quyết định thành lập các “Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican” để thảo luận vấn đề về quan hệ ngoại giao. Chính phủ Việt Nam và Vatican đã có thoả thuận 3 điểm: Không công kích nói xấu lẫn nhau; không ủng hộ một nhóm thứ ba nào để chống bên kia; khi Vatican muốn bổ nhiệm từ giám mục, giám quản trở lên phải có ý kiến của Chính phủ Việt Nam đồng ý thì mới ra quyết định.

Đặc biệt, vào năm 2010, Công giáo La Mã và Công giáo Việt Nam cũng đã lần đầu tiên thể hiện việc nhận ra những lỗi lầm trước kia của mình. Trước khi Giáo hội Công giáo Việt Nam bước vào Năm Thánh 2010, “Sứ điệp của Đức thánh cha Benedict XVI” gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam có đoạn: “Năm Thánh là một thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hoà giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo và đồng bào, và xin mọi người tha thứ”. Với tinh thần răn dạy đó của Giáo hoàng, tại lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện, Hà Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công khai lên tiếng nhìn nhận những sai lỗi của Giáo hội Thiên Chúa đã phạm phải trong quá khứ và hiện tại đối với đồng đạo, đồng bào và xin mọi người tha thứ.

Tháng 1/2011, Tòa thánh chính thức bổ nhiệm ông Leopoldo Girelli làm Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam.

Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Vatican. Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng tiếp đón người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức nguyên thủ quốc gia. Điều đó cho thấy sự nhìn nhận lại về chủ nghĩa cộng sản của Giáo hội La Mã nói chung, và sự ghi nhận của Vatican đối với Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.

Có thể nói, những tín hiệu phát đi từ các thông điệp của Giáo hội Công giáo La Mã cũng như Giáo hội Công giáo Việt Nam đều tương đối tích cực, cho thấy một thái độ điều chỉnh bằng việc tuyên bố nhận ra những sai lỗi và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam. Sự chyển biến này được ghi nhận, căng thẳng về ý thức hệ giữa Vatican và Nhà nước Việt Nam Cộng sản đã giảm bớt, nhiều kiến nghị của hai bên được ghi nhận. Những nhân vật cực đoan như Giám mục Ngô Quang Kiệt đã không được Vatican chấp nhận và cho nghỉ hưu. Tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vatican có nhiều triển vọng tốt đẹp.

Tuy nhiên, Sứ điệp của Toà thánh Vatican năm 2019 gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam mới dừng ở việc chỉ đạo hoà giải và nhận những sai lỗi đã phạm trong quá khứ và hiện tại. Trong khi đó, việc Công giáo đối đầu với Cộng sản trên thực tế vẫn còn tồn tại. Đây là vấn đề cản trở những người theo đạo Thiên Chúa tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt Nam.

3.3. Ngày 20/10/2018, Vaitcan và Việt Nam đã nhất trí nâng quan hệ ngoại giao lên mức “Đại diện Thường trú” sau cuộc hội kiến giữa Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình với Giáo hoàng Franciscuscus. Đây chính là tiền để 5 năm sau, vào ngày 27/7/2023, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Tòa thánh Vatican, Việt Nam và Tòa thánh đã chính thức kí kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”, mở ra một bước ngoặt lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican, hướng đến việc thiết lập lại chế độ thường trú của Đại diện Thường trú (Khâm sứ) của Tòa Thánh tại Việt Nam, lần đầu tiên kể từ năm 1975.

Trước sự kiện nói trên, Giáo hoàng Franciscuscus đã đưa ra bức thư chung mới nhất gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam vào ngày 8/9/2023.

Nội dung thư trước hết công nhận mối quan hệ giữa Toà thánh Vatican với chính danh Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giáo hoàng bày tỏ rằng cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình tăng cường mối quan hệ giữa hai bên, đồng thời bày tỏ rằng Việt Nam và Vatican có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến hơn nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt về lịch sử và kinh nghiệm sống. Thông qua việc đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu nhau, Giáo hoàng tin tưởng rằng hai bên sẽ tìm ra được con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh.

Bên cạnh việc đánh giá cao những cuộc trao đổi, hợp tác và ghi nhận sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với Công giáo, Giáo hoàng cũng khuyên nhủ các tín hữu Công giáo “đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, thể hiện căn tính của mình là người Kito hữu tốt và là công dân tốt”, “tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình”.

Đặc biệt, Giáo hoàng nhắc lại lời răn của Đức Thánh Cha Benedicto XVI năm 2009 đối với các Giám mục Việt Nam như một thông điệp dành cho toàn thể tín đồ Công giáo Việt Nam: “Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng. Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia một cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng”.

Cuối thư, Giáo hoàng xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn cho các tín đồ Công giáo Việt Nam trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự, với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, văn hoá; xin Chúa Cha ban ân sủng cho toàn thể Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam cũng như cho đất nước và dân tộc Việt Nam yêu dấu.

Có thể nhìn nhận Thư chung của Giáo hoàng Franciscus ngày 8/9/2023 mang những nội dung tích cực, rõ ràng hơn so với Sứ điệp năm 2010 của Đức Thánh Cha Benedict XVI. Bởi lẽ, Giáo hoàng đã xác định rõ, Đảng Cộng sản có thể khác biệt về tư tưởng, song không có mục đích đối đầu với Giáo hội. Điều này có nghĩa là Công giáo và Cộng sản từ nay sẽ không còn là kẻ thù của nhau.

  1. Một vài nhận xét về Thư chung của Giáo hoàng Franciscus ngày 8/9/2023

Xem xét toàn bộ quá trình trên, ta có thể thấy được, kể từ Thoả thuận 3 điểm năm 2018 đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đã có những bước tiến rất đáng kể. Thư chung của Giáo hoàng Franciscus ngày 8/9/2023 được coi là một dấu mốc lịch sử quan trọng, mang những ý nghĩa chiến lược như sau:

Thứ nhất, Thư chung năm 2023 đã chính thức xoá bỏ, vô hiệu hoá Thư chung năm 1931 của Giáo hoàng Pius XI, chấm dứt hoàn toàn thái độ thù địch do đối đầu ý thức hệ giữa Công giáo La Mã với chủ nghĩa cộng sản nói chung và chế độ Cộng sản tại Việt Nam nói riêng. Đây là một sự thừa nhận của đôi bên: Đảng Cộng sản Việt Nam công nhận Toà thánh Vatican là bạn bè, đối tác; và ngược lại, Vatican công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không phải là mối đe doạ đối với Nhà nước Vatican. Điều này cho thấy một bước tiến lớn trong quan hệ Việt Nam – Vatican sau gần một thế kỉ “đóng băng” do những xung đột về ý thức hệ. Đó chính là thành tựu to lớn, xứng đáng với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân Việt Nam.

Trên thực tế, quan hệ hai bên đã có những bước tiến nhất định trong suốt hơn một thập kỉ qua. Đây là một cột mốc đáng ghi nhận, bởi hai bên đã sẵn sàng đối thoại về những sự khác biệt để cùng dung hoà, chấp nhận lẫn nhau… Điều đó cho thấy một sự thấu hiểu sâu sắc về chính trị và ngoại giao. Cả Việt Nam và Vatican đã chính thức tuyên bố xoá bỏ trạng thái đối địch, cùng nhau chung sống hoà bình như những người bạn. Hai bên không những không mất đi tư tưởng riêng của mình, mà còn thêm tôn trọng bản sắc của nhau để cùng tồn tại và phát triển.

Những lời khuyên răn của Giáo hoàng trong Thư chung 2023 như đã gỡ một nút thắt lớn trong tư tưởng của Giáo hội Việt Nam, làm thay đổi nhận thức của giáo dân, từ đó chính thức mở ra một thời đại mới – thời đại của hoà hợp, cùng xây dựng và phát triển đất nước, với tư cách “một Kito hữu và một công dân Việt Nam”. Giáo hoàng đã xác định rất rõ rằng Đảng Cộng sản có thể khác biệt về tư tưởng song không có mục đích đối đầu với Giáo hội, nên giáo dân cũng cần xác định rõ vai trò của mình đối với đất nước. Sự cởi trói về tư tưởng này sẽ giúp các tín đồ công giáo Việt Nam xoá bỏ định kiến về Đảng Cộng sản, cởi bỏ những khác biệt để củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, cùng chung sống cởi mở, hoà hợp, chung tay phát triển đất nước. Trong đó, những tín đồ Công giáo sẽ tham gia các tổ chức chính trị, xã hội không bị Giáo hội ngăn cấm.

Sự ghi nhận trong Thư chung 2023 về mối quan hệ giữa Vatican và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ khiến cho hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước sẽ giảm đi rất nhiều trong thời gian tới. Giáo hội La Mã thậm chí có thể sẽ can thiệp để các thành phần chống đối không thể xuyên tạc về Đảng Cộng sản Việt Nam như trước nữa. Bởi lẽ, chính sự công nhận của Giáo hoàng Franciscus đã trở thành minh chứng rõ nhất cho tinh thần tự do tôn giáo và thiện chí hoà hợp dân tộc của người Việt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ đó, các thông tin sai sự thật về tự do tôn giáo tại Việt Nam sẽ sớm bị đẩy lùi để không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Toà thánh Vatican.

Ngược lại, thông điệp của Giáo hoàng khi được quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam cũng sẽ góp phần xoá bỏ định kiến coi Công giáo là kẻ thù, là những người cực đoan do những ảnh hưởng từ lịch sử. Điều này cũng sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của toàn thể nhân dân Việt Nam, khiến mỗi người đều xem những người Công giáo như một bộ phận tất yếu cấu thành khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng sự khác biệt và chung sống hoà bình. Những vụ việc liên quan đến tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng cũng sẽ được nhìn nhận, xử lí một cách công bằng, khách quan như những vấn đề khác của đời sống chứ không liên quan đến ý thức hệ.

Bức Thư chung của Giáo hoàng Franciscus – người đứng đầu Toà thánh Vatican gửi cho giáo hội và giáo dân Việt Nam, song thực chất nó cũng gián tiếp gửi đến Đảng Cộng sản, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam. Quan hệ Việt Nam – Vatican đã đạt đến mức dung hoà sự khác biệt giữa hai bên, và điều này sẽ giúp giải quyết, tháo gỡ những hiểu lầm, vướng mắc có thể xảy ra trong tương lai, một cách nhanh chóng và tốt đẹp hơn.

Vatican có uy tín lớn trên thế giới, bởi vậy việc bình thường hoá quan hệ với Toà thánh cũng sẽ góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp Việt Nam đạt được nhiều thuận lợi cho con đường bảo vệ và phát triển đất nước trong tương lai.

Như vậy, ta có thể kết luận rằng, Thư chung 2023 của Giáo hoàng Franciscus là một dấu mốc lịch sử, một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Vatican, đánh dấu sự chuyển đổi từ thế đối đầu ý thức hệ sang hợp tác, hữu nghị, mở ra một chương mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đồng thời, bức thư cũng có ý nghĩa to lớn, giúp ổn định, cân bằng xã hội Việt Nam, khiến các giáo dân và Giáo hội Việt Nam hiểu rõ chính sách khuyến khích tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, từ đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cần phải ghi nhận và hoan nghênh những nỗ lực của nhiều thế hệ người Công giáo yêu nước – những người đã dũng cảm đấu tranh vì tự do tôn giáo, vì sự hợp tác, xoá bỏ hiểu lầm giữa Công giáo với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ quá trình đấu tranh gian khổ, quyết liệt cùng những hi sinh to lớn của những người như Linh mục Phero Võ Thành Trinh, Linh mục Phero Nguyễn Công Danh, Hiệp sĩ Đại Thánh Giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh… mà mối quan hệ giữa Công giáo và Đảng Cộng sản Việt Nam đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục động viên, khích lệ kịp thời để họ làm tốt hơn nữa công tác hoà hợp, đoàn kết dân tộc, phổ biến cho giáo dân thực hành tốt những lời dạy của Giáo hoàng trong Thư chung 2023.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần ghi nhận sự cống hiến của các lực lượng hoạt động trên lĩnh vực tôn giáo – đó là cuộc chiến tranh thầm lặng, kiên trì, gian khổ và quyết liệt của nhiều lực lượng, xuyên suốt nhiều thế hệ để bảo vệ chân lý, giá trị văn hoá của dân tộc; gieo vào cộng đồng Công giáo niềm tin đối với Đảng và Bác Hồ về chính sách đại đoàn kết dân tộc và tự do tôn giáo.

Trên thực tế, những định kiến về ý thức hệ không thể một sớm một chiều thay đổi được, mà cần phải trải qua cả một quá trình chuyển biến tích cực, toàn diện trong hệ thống chính trị cũng như trong mỗi người dân Việt Nam. Giáo hội Việt Nam và các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở, địa phương cần kết hợp chặt chẽ, kiên trì hơn nữa để cùng nhau quán triệt, lan toả tinh thần của Thư chung 2023 một cách sâu rộng trong quần chúng, để củng cố thêm khối đại đoàn kết dân tộc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới