Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao tương lai của Ukraine lại đang nằm trong tay ông...

Tại sao tương lai của Ukraine lại đang nằm trong tay ông Trump?

Cựu Tổng thống Donald Trump, bằng phương thức riêng của mình, đã chặn đứng dòng viện trợ của Mỹ tới Ukraine tại Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa của ông chiếm đa số, trong bối cảnh Kiev vẫn đang khẩn thiết “cầu cứu”. Có thể nói, tương lai của Ukraine trong cuộc chiến với Nga đang nằm trong tay ông chủ cũ của Nhà Trắng.

Quân đội Ukraine trên chiến trường.


Gói viện trợ 61 tỷ USD dành cho Ukraine nằm trong dự luật viện trợ trị giá hơn 96 tỷ USD mà Thượng viện Mỹ – do đảng Dân chủ nắm quyền – thông qua vào ngày 13/2 vừa qua.

Theo dự luật, ngoài 1/3 số tiền được sử dụng cho quân đội Mỹ, Ukraine sẽ có gần 14 tỷ USD phục vụ việc mua vũ khí, đạn dược và gần 15 tỷ USD cho các dịch vụ hỗ trợ bao gồm huấn luyện quân sự và chia sẻ thông tin tình báo. Số tiền còn lại sẽ được sử dụng cho các hoạt động cơ bản của chính phủ Kiev và giúp đỡ những người dân Ukraine đang phải di tản vì chiến sự.

Chính quyền ông Biden kỳ vọng dự luật viện trợ sẽ giúp đồng minh Ukraine tiếp tục trụ vững trong cuộc giao tranh với Nga; tuy nhiên, khi được trình tại Hạ viện – nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số – dự luật này đã bị “đóng băng” suốt gần 2 tháng do quyền hợp thức hóa các dự luật ngân sách thuộc về cơ quan này.

Gói cứu trợ hơn 61 tỷ USD cho Ukraine bị mắc kẹt tại Hạ viện thế nào?
“Không nên viện trợ thêm một xu nào cho Ukraine” là quan điểm của cựu Tổng thống Donald Trump trong việc chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra giữa Kiev và Moscow suốt 2 năm qua. Quan điểm cứng rắn và sức ảnh hưởng lớn của cựu Tổng thống Mỹ có lẽ đã trở thành “kim chỉ nam” cho Hạ viện nước này trong quá trình xem xét dự luật viện trợ.

Hiện nay, quan điểm của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về vấn đề Ukraine vô cùng khác biệt. Trong khi đảng Dân chủ cho rằng hậu thuẫn cho Ukraine sẽ giúp Mỹ giữ vững tuyến phòng thủ trước Nga – một hành động cần thiết để đảm bảo chủ quyền quốc gia thì đảng Dân chủ lại ưu tiên việc tăng cường an ninh biên giới và giải quyết các vấn đề nội sinh trong lòng nước Mỹ. Sự khác biệt trong quan điểm chính là nguyên nhân chính khiến gói cứu trợ Ukraine vẫn đang bị mắc kẹt tại Hạ viện.

Hôm 8/4, trước tình hình chiến sự ở Ukraine ngày càng trở nên khốc liệt khiến Tổng thống Zelensky phải khẩn thiết “cầu cứu”, lãnh đạo phe đa số đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer lại một lên tiếng kêu gọi Hạ viện thông qua gói viện trợ trị giá hơn 61 tỷ dành cho Kiev.

“Tôi kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Johnson và các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện dừng tình trạng tê liệt và thông qua dự luật bổ sung về an ninh quốc gia của Thượng viện. Tình hình ở Ukraine đang trở nên tuyệt vọng” – ông Schumer nói, đồng thời nhấn mạnh đến tình trạng “những người bạn của chúng ta ở Ukraine đang chiến đấu và chết trên chiến trường mà không có sự hỗ trợ”.

Khác với thái độ cứng rắn vào 2 tháng trước, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson có vẻ đã mềm lòng và cởi mở hơn về khả năng sẽ thông qua gói viện trợ cho Ukraine sau thỏa thuận chung với đảng Dân chủ hồi cuối tháng 3 nhằm cứu chính phủ Mỹ khỏi nguy cơ đóng cửa. Tuy nhiên, câu trả lời của Hạ viện vẫn là “không” khi cựu Tổng thống Trump và phần đông các Hạ nghĩ sĩ khác vẫn kiên quyết phản đối.

Một trong những đồng minh thân cận của cựu Tổng thống, Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene thậm chí đã đưa ra cảnh báo sẽ kích hoạt cuộc bỏ phiếu phế truất ông Johnson khỏi chức Chủ tịch Hạ viện nếu ông tán thành dự luật.

“Nguồn tài trợ của Ukraine phải chấm dứt. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine. Chúng ta chỉ chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở biên giới của mình và tôi đã nói rõ điều đó với Chủ tịch Hạ viện Johnson”, bà Greene nói.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ có khả năng “mất ghế” nếu bà Greene hoặc bất cứ nghị sĩ Cộng hòa nào đệ trình kiến nghị bãi nhiệm ông, như những gì dã xảy ra với người tiền nhiệm Kevin McCarthy. Bên cạnh đó, ông Johnson vẫn cần cựu Tổng thống Trump để phát huy ảnh hưởng trong đảng. Vào ngày 12/4 tới, ông Johnson sẽ tới câu lạc bộ Mar-a-Lago (Florida) để tổ chức một cuộc họp báo chung theo lời mời của cựu Tổng thống.

Cuộc họp báo chung sắp tới sẽ nối lại quan hệ giữa ông Trump và ông Johnson sau những bất đồng xung quanh vấn đề dự luật viện trợ, nhưng cũng khép lại hi vọng le lói với Ukraine về khả năng nối lại dòng chảy viện trợ từ Mỹ trong tương lai.

Tương lai nào cho Ukraine?
Hiện nay, quân đội Ukraine đang thất thế và liên tục phải rút lui trên chiến trường. Quân đội nước này đang phải chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn về cả nhân lực lẫn vật lực. Các quan chức Ukraine hiện cũng đang kêu gọi nữ giới tham gia quân ngũ, hạ độ tuổi nhập ngũ và xem xét cho phép tù nhân phục vụ quân ngũ nhằm bổ sung lực lượng tiền tuyến cho Ukraine. Theo Tổng Tư lệnh quân đội mới được bổ nhiệm Oleksandr Syrsky, hiện nay, quân lực của Moscow mạnh hơn lực lượng Kiev gấp 6 lần trên tiền tuyến.

Tình thế của Ukraine ngày càng cam go khi nguồn viện trợ từ Mỹ và phương Tây cũng đang giảm dần. 50% vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine bị bàn giao chậm và tới nay và chỉ 1/3 số đạn pháo mà Liên minh châu Âu (EU) cam kết giao vào tháng 3 năm ngoái mới tới được tay Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục viện trợ cho Ukraine, thậm chí trực tiếp điện đàm với Chủ tịch Hạ viện để thảo luận về việc thông gói viện trợ trị giá hơn 61 tỷ USD. Hôm 7/4, ông Zelensky đã đưa ra cảnh báo rằng cuộc chiến sẽ thất bại nếu Mỹ không tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong buổi phỏng vấn vào 1 tuần trước đó vói Washington Post, Tổng thống Ukraine cũng đề cập đến khả năng Ukraine sẽ buộc phải “rút lui từng bước” nếu nguồn viện trợ cạn kiệt dần.

Vài giờ sau, trong bài phát biểu trước Uỷ ban Quân vụ Hạ viện, Tư lệnh tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu Christopher Cavoli cũng lên tiếng ủng hộ Tổng thống Zelensky: “Nếu một bên có thể bắn và bên kia không thể bắn trả, bên nào không thể bắn trả sẽ thua. Vì vậy, nguy cơ thất bại của Ukraine là rất cao”.

Theo nhiều chuyên gia, việc đảng Cộng hòa phong tỏa nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine đang đe dọa đến uy tín toàn cầu và danh tiếng của Mỹ với tư cách là một quốc gia ủng hộ các nền dân chủ, nhưng có vẻ đây không phải là vấn đề lớn đối với cựu Tổng thống Trump. Trong một tuyên bố mới đây, ông Trump hứa sẽ “chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ” nếu giành được nhiệm kỳ thứ hai. Ông chủ cũ của Nhà Trắng cũng đề cập đến các giải pháp hòa bình thay vì tiếp tục viện trợ quân sự, bao gồm việc kêu gọi Ukraine nhượng lãnh thổ cho Nga để chấm dứt chiến tranh.

Hiện Mỹ vẫn là nhà viện trợ quân sự lớn nhất của Ukraine. Với việc gói viện trợ trị giá hơn 61 tỷ USD đang bị phong tỏa tại Hạ viện do ảnh hưởng của ông Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa, có thể thấy tương lai của Kiev trong cuộc chiến tương lai không mấy khả quan.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới