Sau khi bị Iran trả đũa, huy động hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái tấn công vào lãnh thổ của Israel hôm 14/4, chính quyền Jerusalem đang đối mặt thế lưỡng nan.
Thế lưỡng nan ấy được hiểu, hoặc là kiềm chế, không tấn công trở lại Tehran; hoặc là quyết một phen sống mái để “trả thù”. Không chỉ có hai nước đang giao chiến mà các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng các nước trong khu vực đang dành sự quan tâm lớn. Nếu hai bên không chịu kiềm chế, thì tình hình Trung Đông sẽ rất căng thẳng, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn trong khu vực.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và nhiều quốc gia hầu như cùng lúc lên tiếng, yêu cầu Israel không tấn công trả đũa, vì coi như đến thời điểm này hai bên đã “hòa một đều”. Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Amir Saeid Iravani cho rằng, hành động đáp trả của Iran đối với Israel là cần thiết và tương xứng với vụ Israel không kích Tòa lãnh sự Iran tại thủ đô Damascus (Syria) hôm 1/4. Iran “không tìm kiếm leo thang hoặc chiến tranh”, nhưng sẽ đáp trả trước bất kỳ mối đe dọa nào.
Quan điểm của Washington ra sao? Tổng thống Mỹ Joe Biden coi việc Israel đánh chặn thành công các tên lửa và UAV của Iran là “một thắng lợi lớn”. Ông “khuyên” Israel không cần thiết phải có thêm các hành động đáp trả và cần tính toán kỹ lưỡng đối với lựa chọn tấn công trả đũa Iran. Washington cũng khẳng định sẽ “không tham gia hoặc hỗ trợ bất kỳ chiến dịch tấn công nào của Israel nhằm vào Iran”.
Còn đây là tiếng nói của Moscow. Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, ông Vasily Nebenzya cho rằng, cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an về việc Iran tấn công trả đũa Israel là “một màn đạo đức giả và tiêu chuẩn kép”. Việc Iran tấn công Israel là phù hợp với điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, bởi nước này có quyền tự vệ chính đáng, đáp lại cuộc tấn công ngày 1/4 của Israel. Moscow “mong muốn” Israel hết sức kiềm chế, đừng đẩy leo thang chiến tranh lên nấc thang mới.
Việt Nam là quốc gia phản ứng khá mau lẹ. Trả lời câu hỏi về quan điểm của Hà Nội trước vụ bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước những diễn biến leo thang căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông, nhất là các hành động vũ lực vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và gây tổn thất cho người dân. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, Hiến chương và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, chấm dứt ngay các hành động vũ lực làm leo thang căng thẳng, vì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.
Chấm dứt ngay các hành động vũ lực là một đề nghị thỏa đáng. Mong rằng các bên bình tĩnh, hết sức kiềm chế để tránh lao vào vòng xoáy chiến tranh ngày càng nặng nề, nguy hiểm hơn.
Điều này có lẽ chính Israel cũng đang vô cùng lúng túng. Nếu Israel tấn công Iran trực tiếp, thì họ sẽ mở mặt trận mới như thế nào trong lúc đang xung đột với Hamas và đối đầu các lực lượng khác trong khu vực? Vì vậy Jerusalem đang phải tìm cách cân bằng, một mặt đối diện áp lực quốc tế về việc cần cho thấy sự biết điều, một mặt tìm kiếm phản ứng thích hợp sau khi bị đòn trả đũa. Hiện tại nội các chiến tranh Israel vẫn không ngớt tranh luận “nên đánh hay nên dừng”?
Sự cân nhắc này sẽ dẫn tới hòa bình hay chiến tranh. Chắc chắn Trung Đông đang trong một giai đoạn mới. Đây là giai đoạn rất nguy hiểm của cuộc đối đầu giữa hai đối thủ Israel – Iran. Một bên là Iran đã cố gắng thay đổi “luật chơi” với Israel. Và một bên là Israel, suy tính, nếu tấn công trả đũa thì sẽ không tiến hành một “cuộc tấn công quân sự toàn diện ngay lập tức nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố, sẽ đáp trả vụ tấn công của Iran vào thời điểm phù hợp và bằng cách thức phù hợp. Đồng thời đề cập tới khả năng thành lập một liên minh chiến lược chống Iran. Jerusalem không tìm kiếm chiến tranh sau vụ tấn công của Iran, mà sẽ tìm đến “sự cân bằng cần thiết trong tình huống này”.
Thôi, hãy tạm chấp nhận sự “cân bằng cần thiết”! Như thế là Israel đã tỏ ra kiềm chế. Đây cũng là sự nhượng bộ, là một bước lùi, vì sự bình yên của một khu vực nhiều mâu thuẫn và bất ổn.
H.Đ