Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCách chống tham nhũng của TQ - Kỳ II: Không để 1,4...

Cách chống tham nhũng của TQ – Kỳ II: Không để 1,4 tỷ người chịu thất bại

Trong một hội nghị trước đó, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng CCDI đã tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nước này, được thúc đẩy bởi ý chí mạnh mẽ về sứ mệnh của mình. Chính quyền ông Tập đã tỏ rõ quyết tâm xử lý vài nghìn người vi phạm chứ không để 1,4 tỷ người chịu thất bại. Trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch ước tính có hơn 1/3 số tỉnh của Trung Quốc đã mất ít nhất một thành viên lãnh đạo cấp cao. Tỉnh nổi tiếng với ngành khai thác mỏ than là Sơn Tây thậm chí đã mất một phần lớn trong số 13 thành viên Đảng ủy.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các đại biểu dự Hội nghị quốc gia về công tác giải quyết khiếu nại của người dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Có thể nói, cuộc sống bình thường của các quan chức Trung Quốc đã bị đảo lộn từ khi ông Tập bắt đầu chống tham nhũng. Nhiều quan chức lo sợ đến nỗi tìm cách tránh đưa ra những quyết định quan trọng để không gây chú ý. Đa số các địa phương và bộ ngành bị CCDI siết trong chiến dịch chống tham nhũng đều ở trong cảnh thiếu nhân sự nghiêm trọng.

Nhìn chung, kể từ khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 vào tháng 11/2012 – 4/ 2022, tấm lưới rộng của ông Tập Cận Bình đã chụp lên rất nhiều con hổ cũng như không để thoát một con ruồi nào. Ước tính cơ quan thanh tra và giám sát kỷ luật trên toàn quốc đã điều tra 4.390.000 vụ tham nhũng và kỷ luật 4.700.000 đối tượng. Các cơ quan hữu quan cũng đã xử lý hơn 723.000 trường hợp vi phạm bộ quy tắc chống lãng phí, tham nhũng của Đảng và chính quyền, với hơn 644.000 đối tượng bị trừng phạt.

Bên cạnh đó, trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành, đã có tổng cộng 74.000 người trên toàn quốc tự nguyện đầu thú trước các cơ quan thanh tra và giám sát kỷ luật. Đó là còn chưa kể có nhiều người khi đang trong giai đoạn bị điều tra tham nhũng vì không chịu được áp lực lớn từ dư luận và hối hận với những hành vi mình đã gây ra, đã có những quyết định cực đoan là tự kết liễu đời mình.

Song song với chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ trong nước, chiến dịch ‘lưới trời’ và ‘săn cáo’ cũng có những tín hiệu khả quan khi ước tính có đến 10.000 người tình nghi tham nhũng trốn ra nước ngoài đã bị đưa trở lại Trung Quốc và thu hồi hơn 20 tỷ nhân dân tệ, khoảng 2,8 tỷ USD.

Tác động đối với nền kinh tế

Chiến dịch chống tham nhũng ‘đả hồ diệt ruồi’ đã góp phần làm trong sạch bộ máy quan chức nước này, nhưng mặt khác nó cũng đã mang tới những tác động không mong muốn. Nhiều người ví cuộc chiến này như là một cơn đau tạm thời đối với sự tăng trưởng kinh tế. Theo đó, những người nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền có tầm ảnh hưởng rộng lớn đã nhận ra rằng càng vung tiền chi tiêu vào những mặt hàng xa xỉ như là đồ trang sức hay xe sang, khả năng họ bị rơi vào tầm ngắm của các điều tra viên chống tham nhũng càng lớn.

Kết quả là họ hạn chế tối đa việc móc hầu bao, khiến hàng loạt các ngành kinh doanh chịu tổn thất. Việc nhập khẩu và bán hàng xa xỉ, đặc biệt là xe hơi sang trọng, đồng hồ hoặc trang sức đắt tiền cũng đã giảm đi đáng kể từ năm 2013- 2016. Ngoài những cửa hàng buôn bán đồ xa xỉ, các sòng bạc hợp pháp của Trung Quốc cũng đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của chiến dịch chống tham nhũng. Tại Macau, vốn được mệnh danh là “Las Vegas của Phương Đông”, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sòng bạc năm 2015 đã giảm tới 20% so với những năm trước. Tất cả đều do những quan chức lắm tiền nhiều của đã không dám tìm đến đây nữa.

Một mũi tên trúng nhiều đích

Theo nhiều chuyên gia thì chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc thực chất là một mũi tên trúng nhiều đích. Bởi vì theo Tân Hoa xã, kể từ tháng 12/2012 – 2014, đã có khoảng 30 quan chức cấp cao từ cấp Thứ trưởng trở lên ở 31 tỉnh thành đã bị điều tra, buộc tội hoặc khai trừ khỏi Đảng.

Năm 2012, khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhậm chức, một trong những thách thức khi đó là phải củng cố quyền lực chính trị trong bối cảnh tranh giành phe phái trong nội bộ. Vì vậy, ông Tập đã quyết định tập trung củng cố Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bởi vì chỉ có một Đảng Cộng sản hợp nhất và đoàn kết mới đưa nước này sang giai đoạn phát triển tiếp theo. Cho nên, ngay sau khi lên nắm quyền, ông Tập đã mạnh tay đàn áp những người bất đồng chính kiến khi triển khai một chiến dịch phòng chống tham nhũng quy mô lớn với sự lãnh đạo của ông Vương Kỳ Sơn, một trong những người cứng rắn nhất để làm việc này. Những cơn địa chấn chính trị nhanh chóng xuất hiện với những “con hổ lớn” được xem là đối thủ của ông Tập là Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, cả hai bị lật đổ sau những cuộc điều tra liên quan đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Có thể nói, chống tham nhũng là cách truyền thống và hiệu quả nhất để giải quyết những kẻ ngáng đường, suốt một thời gian dài sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khẳng định Chu Vĩnh Khang đã bắt tay cùng Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh, để tham gia các hoạt động chính trị mà chủ yếu là phá hoại sự đoàn kết trong Đảng.

Củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình

Rất nhiều người xem sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang như một khoảnh khắc bước ngoặt trong thế giới chính trị bí mật của Trung Quốc, khi mở ra một thế giới hiện do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu. Vào thời kỳ của Mao Trạch Đông, ông có quyền lực tuyệt đối và vĩnh viễn. Nhưng đến thời của Đặng Tiểu Bình thì khác. Ông đã xóa bỏ chế độ độc tài tồn tại dưới thời kỳ của Mao và đặt giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước xuống còn hai nhiệm kỳ trong 10 năm và thiết lập một quyền lực được chia sẻ nhiều hơn. Những thế hệ lãnh đạo sau này như là Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào cũng vậy. Và chính nhờ điều này mà ông Tập Cận Bình mới có cơ hội chạm đến quyền lực tối cao của Bắc Kinh.

Nhưng khi đã giữ vững vị trí được rồi, thì dường như ông Tập lại đưa mọi thứ trở về với những gì đã từng xảy ra dưới thời ông Mao Trạch Đông, khi một người lãnh đạo sẽ nắm trọn vẹn quyền hành. Vào năm 2017, theo truyền thống, thì lẽ ra đây phải là thời kỳ mà Chủ tịch nước Tập Cận Bình phải công bố người kế nhiệm của mình vào năm 2022. Thế nhưng, ông Tập đã thay đổi luật chơi khi bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ trước đây của Chủ tịch nước và điều này đã khiến ông Tập trở thành một người lãnh đạo trọn đời và nắm quyền lực cao nhất trong tay.

Ông Tập luôn nhấn mạnh, mục đích của cuộc chiến chống tham nhũng tại nước này là nhằm củng cố mối liên kết giữa Đảng với nhân dân và đáp ứng mong muốn của nhân dân là nhổ tận gốc rễ nạn tham nhũng. Chính vì vậy, với sự gia ra quân quyết liệt và đạt được những kết quả tốt sẽ càng củng cố uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình.

Mặc dù, không thể nhanh chóng và dễ dàng xóa bỏ triệt để tệ nạn tham nhũng. Tuy nhiên, nhưng nếu kiên quyết và kiên trì thì có thể phần nào hạn chế và giảm tới mức thấp nhất tệ nạn tham nhũng – một trong những vấn nạn vô cùng nhức nhối hiện nay, không chỉ ở Trung Quốc.

Hết!

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới