Cuộc tập trận thường niên ‘Balikatan 2024’ sẽ được tiến hành từ ngày 22.4 đến ngày 8.5 và có thể có tới 17.000 người tham gia, chủ yếu từ các lực lượng vũ trang của Mỹ, Philippines, Úc và Pháp.
Đây sẽ là lần đầu tiên các cuộc tập trận hàng hải được thực hiện ngoài lãnh hải Philippines, theo đại tá quân đội Philippines Michael Logico – người điều hành và phát ngôn viên của Balikatan 2024. Cụ thể, cuộc tập trận Balikatan, tức “vai kề vai”, năm nay sẽ diễn ra tại các khu vực đối diện với đảo Đài Loan và Biển Đông, trong khi Philippines chuyển trọng tâm phòng thủ đối với các mối đe dọa từ bên ngoài.
Trong cuộc họp giao ban với Hiệp hội phóng viên nước ngoài của Philippines hôm 17.4, ông Logico cho biết Balikatan 2024 sẽ có một số điểm mới.
Đánh chìm tàu do Trung Quốc sản xuất
Quân đội Philippines cho biết khoa mục đánh chìm một tàu chở dầu hải quân do Trung Quốc sản xuất sẽ là một điểm nhấn trong cuộc tập trận hàng hải đa phương quy mô lớn Balikatan năm nay. Tuy nhiên, nội dung tập trận này không nhắm tới bất kỳ quốc gia cụ thể nào, theo South China Morning Post ngày 18.4.
Đại tá quân đội Michael Logico nói quyết định sử dụng BRP Lake Caliraya – tàu hải quân duy nhất do Trung Quốc sản xuất của Hải quân Philippines – làm mục tiêu cho cuộc tập trận đánh chìm tàu là “không có ý đồ gì”. Hoạt động này sẽ được thực hiện với sự tham gia nhiều tàu chiến của hải quân các nước tham gia tập trận.
Bên cạnh đó, ông Logico cho biết cuộc tập trận năm nay sẽ kiểm tra khả năng tương tác giữa các chỉ huy của Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) với các lực lượng nước ngoài, và lần đầu tiên cho phép họ triển khai thực tế “khái niệm phòng thủ quần đảo toàn diện” đã được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro công bố gần đây. Theo đó, khái niệm này sẽ xoay chuyển AFP từ phòng thủ nội bộ sang phòng thủ bên ngoài, hoặc từ chiến đấu với lực lượng nổi dậy địa phương sang chiến đấu với kẻ thù nước ngoài, ông Teodoro cho biết.
Bên cạnh nội dung đánh chìm tàu, một điểm nổi bật khác của Balikatan 2024 là diễn tập hậu cần liên quan đến việc kiểm tra tính khả thi của việc vận chuyển hệ thống tên lửa SM-6 của Hải quân Mỹ bằng đường hàng không.
Ông Logico nhấn mạnh rằng SM-6 – loại tên lửa có tầm bắn 300 hải lý – sẽ không được bắn trong Balikatan năm nay. “Chúng tôi đang thử nghiệm tính khả thi của việc đưa hệ thống vũ khí này bằng đường hàng không và vận chuyển nó vào một không gian an toàn và ổn định”, ông Logico trình bày.
Trả lời phỏng vấn của This Week in Asia, ông Logico cho biết SM-6 sẽ được bố trí ở phía bắc Philippines và cách xa đảo Palawan.
PCG lần đầu tham gia tập trận
Người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG), Chuẩn đô đốc Armando Balilo ngày 18.4 cho biết đây sẽ là lần đầu tiên các tàu tuần duyên Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan. Ông Balilo cho biết, 6 tàu sẽ tham gia, bao gồm 4 tàu phản ứng đa chức năng dài 44 m và 2 tàu tuần tra cỡ lớn hơn.
Đại tá quân đội Michael Logico cho biết: “PCG sẽ bảo đảm an ninh cho các khu vực tập trận, đặc biệt là trong cuộc diễn tập tấn công trên biển” để đảm bảo “sẽ không có kẻ xâm phạm tiến vào khu vực huấn luyện”. Theo South China Morning Post ngày 18.4, trước đó, các tàu PCG đã tuần tra vùng biển xung quanh cuộc tập trận để ngăn chặn những kẻ xâm phạm.
Theo ông Logico, sự tham gia của PCG không quân sự hóa lực lượng bảo vệ bờ biển, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc tập trận hàng hải có sự tham gia của PCG giả định một tình huống có thể xảy ra phát triển từ “hoạt động bình thường hằng ngày” thành “xung đột vũ trang”.
Ông nói thêm: “Việc xâm nhập vào khu vực tập trận của chúng tôi là có thể xảy ra, nhưng điều đó sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn cho những người muốn vào khu vực tập trận chứ không phải chúng tôi”.
Ông Logico nhấn mạnh rằng cuộc tập trận Balikatan 2024 không nhằm vào bất kỳ nước ngoài nào, kể cả Trung Quốc. “Dù có hay không có Trung Quốc, chúng tôi vẫn sẽ thực hiện những cuộc tập trận này. Bởi vì đây là những điều mà các quốc gia làm”.
Tổng thống Philippines đặt điều kiện với Trung Quốc về đàm phán tranh chấp biển
Tập trận mô phỏng chiếm lại đảo
Ông Logico cho biết các lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Philippines. “Mục đích của các lực lượng vũ trang, lý do chúng tôi tồn tại, thực sự là để chuẩn bị cho chiến tranh. Nếu chúng tôi không chuẩn bị thì đó là một sự bất lợi cho đất nước”, ông Logico nói rõ.
Vì lý do này, cuộc tập trận Balikatan sẽ có các kịch bản chiếm lại các đảo đang bị chiếm đóng. Theo ông Logico, quân đội Mỹ – Philippines sẽ mô phỏng việc chiếm lại các hòn đảo bị chiếm đóng ở các đảo cực bắc của Philippines, gần đảo Đài Loan, và ở tỉnh Palawan phía tây, đối diện với Biển Đông.
Đây cũng là lần đầu tiên từ khi tổ chức tập trận Balikatan vào năm 1991, một lực lượng nhỏ của Pháp sẽ tham gia cuộc tập trận năm nay. Nhóm này sẽ triển khai một tàu khu trục đi cùng các tàu hải quân Philippines và Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila ở Biển Đông.
Phản ứng của Trung Quốc
Reuters đưa tin ngày 17.4, phản ứng trước cuộc tập trận đã được lên kế hoạch, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Philippines cần “đủ tỉnh táo để nhận ra” rằng việc đưa nhiều nước vào lãnh thổ để phô trương lực lượng ở Biển Đông và kích động đối đầu sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng và làm bất ổn tình hình khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tại một cuộc họp báo thường kỳ phát biểu: “Nỗ lực đưa lực lượng bên ngoài vào để bảo vệ cái gọi là an ninh sẽ chỉ dẫn đến sự bất an lớn hơn cho chính họ”.
Tin liên quan