Saturday, December 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội"Vô lý khi vẫn giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà...

“Vô lý khi vẫn giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà dư thừa bán giá 0 đồng”

Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ được bán giá 0 đồng.

Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ được bán giá 0 đồng

Không thể thu hút người dân, cũng như doanh nghiệp hưởng ứng

Tại dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến ngày 15.4, loại hình điện này có thể đấu nối hoặc không với lưới điện quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Quy mô phát triển loại này đến 2030 khoảng 2.600MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng. Đề xuất này giữ nguyên so với bản thảo Bộ Công Thương đưa ra cuối năm ngoái.

Đề xuất bán điện mặt trời dư thừa với giá 0 đồng, theo TS Tô Văn Trường – chuyên gia độc lập về năng lượng, tài nguyên và môi trường là bất cập, vô lý, “không thể thu hút người dân, cũng như doanh nghiệp hưởng ứng”.

Ông cho rằng, đặc thù điện mặt trời là phát điện vào ban ngày và thay đổi bức xạ theo từng thời điểm, điều này dẫn đến việc thừa, thiếu điện trong quá trình sử dụng năng lượng mặt trời. Việc không thể bán điện dư thừa, hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời.

Theo ông, đối với các doanh nghiệp sản xuất, để xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia như EU đòi hỏi phải sử dụng năng lượng sạch với tỉ lệ nhất định, song trên thực tế có nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng, năng lực đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, nên cần có đối tác thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, dự thảo nghị định hiện không cho phép phát sinh quan hệ thương mại trong việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, gây nhiều khó khăn cho việc phát triển loại hình năng lượng này, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, vốn là những khu vực có phụ tải lớn, hoạt động liên tục.

“Điện mặt trời mái nhà vốn là hình thức đầu tư nguồn điện cung cấp cho phụ tải tại chỗ, thời gian thực hiện ngắn, có thể xem xét là giải pháp tích cực, góp phần đảm bảo cung ứng điện”, TS Tô Văn Trường nói.

Cần những cơ chế đột phá hơn

Để có thể phát triển loại hình năng lượng này, TS Tô Văn Trường cho hay, cần cho phép các cá thể, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép bán điện lên lưới hoặc khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong chu kỳ thanh toán. Với các hệ thống bán điện lên lưới có thể khống chế sản lượng tối đa 30% để đảm bảo hiệu quả tổng thể.

Cho phép thương mại hóa việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để phù hợp với tính cung – cầu của thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn năng lượng sạch với chi phí hợp lý, góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Nghiên cứu phát triển cơ chế giá điện phát lên lưới theo khung giờ đối với điện mặt trời mái nhà nhằm khuyến khích việc tự đầu tư hệ thống pin lưu trữ tại chỗ.

Nghiên cứu phương án hỗ trợ phát triển hệ thống pin lưu trữ tại chỗ và các phương án kỹ thuật liên quan để nâng cao khả năng cân bằng lưới điện từ các nguồn vốn xã hội.

“Về bản chất đây là các vấn đề liên quan nhiều đến kỹ thuật, độ thông minh của hệ thống lưới điện truyền tải, khả năng truyền tải điện. Vậy nên cần những cơ chế đột phá hơn nhằm nâng cao các nguồn vốn xã hội cho việc cân bằng lưới điện”, TS Tô Văn Trường nói.

Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm – nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, ông không hiểu lý do vì sao Bộ Công Thương đề xuất như vậy, bởi hiện nay, miền Bắc đứng trước nguy cơ thiếu điện, dân lắp điện mặt trời để sản xuất, dư thừa nhưng bán với giá 0 đồng là không phù hợp.

“Những hộ dân lắp đặt và sử dụng điện mặt trời, công suất dư thừa họ cũng muốn bán cho đơn vị điện lực. Nếu bên điện lực không mua phần công suất dư thừa này thì rất lãng phí, trong khi ở miền Bắc vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong những năm tới”, ông Lâm nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới