Monday, December 23, 2024
Trang chủQuân sựKỹ sư TQ hiến kế đối đầu ‘chim ăn thịt’ F-22 của...

Kỹ sư TQ hiến kế đối đầu ‘chim ăn thịt’ F-22 của Mỹ

Nhóm nghiên cứu từ Trung Quốc đã đưa ra giải pháp nâng cấp hệ thống radar nhằm tăng tín hiệu nhận diện của máy bay chiến đấu F-22 lên 60.000 lần, khi đây nổi danh là loại tiêm kích mang công nghệ tàng hình tối tân.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Quân đội Mỹ

Chiến đấu cơ F-22, với biệt danh “chim ăn thịt” (Raptor), được Mỹ đánh giá là một trong những tiêm kích hàng đầu, đặc biệt với khả năng “tàng hình” khi có tiết diện radar (RCS) chỉ nhỏ khoảng 1 cm2, khiến nó rất khó bị radar trinh sát của đối thủ phát hiện.

Trước khả năng đó, nhóm nghiên cứu Trung Quốc do ông Tạ Quân Vĩ từ Đại học Phòng không và Tên lửa thuộc Đại học Kỹ thuật Không quân (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) dẫn đầu, đã đưa ra phương pháp phát triển công nghệ radar. Nghiên cứu tập trung vào nâng cấp hệ thống để những máy bay chiến đấu có RCS siêu nhỏ như F-22 có thể dễ nhận dạng trên màn hình radar tương tự những chiếc tiêm kích thông thường, vốn có RCS hơn 6m2, qua đó tăng tín hiệu nhận diện F-22 lên 60.000 lần, tờ South China Morning Post ngày 18.4 đưa tin.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh vào tháng 2 cho biết hệ thống trinh sát có tầm bao phủ khu vực rộng 63.000 km2, qua đó đảm bảo tiêm kích F-22 sẽ luôn nằm trong tầm ngắm của radar Trung Quốc.

Kết quả cho thấy ảnh hưởng của nghiên cứu đến đánh giá khả năng chiến đấu của F-22, khi loại tiêm kích này thường trang bị tên lửa không đối không có tầm bắn 100 km, hoặc phải nằm trong bán kính 20 km để sử dụng bom tấn công mục tiêu mặt đất. F-22 phải thoát khỏi hệ thống radar hoặc phòng không của đối thủ để có thể phát huy hiệu quả sức mạnh.

Nhóm của ông Tạ Quân Vĩ cho rằng công nghệ trinh sát mới này sẽ giúp radar của Trung Quốc xác định chính xác vị trí của F-22 theo thời gian thực, với sai số tối thiểu 20 m. Thiết bị này cũng có thể trang bị cho tiêm kích đánh chặn hoặc hệ thống phòng không.

Tuy nhiên trong thực chiến luôn có sự xuất hiện của nhiều máy bay và mỗi radar chỉ có thể phân bổ một phần tài nguyên để theo dõi máy bay tàng hình. Trước thách thức đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra giải pháp là cho phép hệ thống radar trung tâm điều chỉnh thông số chùm tia và công suất của từng radar dựa trên tình hình thực tế của các chiến đấu cơ tàng hình trong chiến trường. Nghiên cứu cho biết dùng 3 radar là có thể kiểm soát được đội hình tiêm kích F-22, tiết kiệm tài nguyên để xử lý những mục tiêu khác.

Hồi cuối năm 2022, Mỹ đã đưa một số chiếc F-22 đóng tại căn cứ ở Nhật Bản. Động thái này bị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) coi là mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng ven biển của Trung Quốc. Bắc Kinh những năm gần đây cũng tăng tốc phát triển đội tiêm kích tàng hình thế hệ mới cho riêng mình, với những chiếc chiến đấu cơ J-20.

Tiêm kích F-22 là loại vũ khí mà Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm bán cho chính phủ nước ngoài, do có nguy cơ làm lộ công nghệ nhạy cảm trước những đối thủ của Washington.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới