Nga cho rằng gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine sẽ không làm thay đổi động lực trên chiến trường, trong bối cảnh Washington chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu quan trọng vào cuối tuần để thông qua viện trợ quân sự cho Kyiv.
Ukraine tấn công sân bay Nga ở Crimea
Hôm 18.4, Ukraine thông báo lực lượng nước này đã bắn phá một sân bay lớn ở Crimea, phá hủy nhiều thiết bị quân sự tại đây. Vụ tấn công xảy ra vào rạng sáng 17.4 ở căn cứ không quân Dzhankoi thuộc phía bắc bán đảo.
Phía tình báo quân sự Ukraine khẳng định chiến dịch đã thành công, phá hủy các radar và những hệ thống phòng không cùng các mục tiêu khác.
AFP dẫn thông báo của phía Ukraine cho biết nước này đang làm rõ số lượng các mục tiêu không quân Nga bị phá hủy hoặc làm hư hại, cũng như thương vong của lực lượng đối phương.
Tổng thống Volodymyr Zelensky sau đó xác nhận quân đội Ukraine đã triển khai thành công đợt tấn công.
Nga chưa bình luận về vụ việc, nhưng Điện Kremlin công bố hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin họp trực tuyến với lãnh đạo do Nga bổ nhiệm ở Crimea Sergei Aksyonov ngày 18.4.
Cùng ngày, Nga thông báo vô hiệu hóa 20 máy bay không người lái (UAV) và 2 tên lửa đạn đạo Tochka-U ở khu vực giáp biên giới Ukraine, bao gồm Rostov, nơi đặt trụ sở bộ chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Nga cũng xử lý 5 khinh khí cầu được đối phương thả ra nhằm mục tiêu đánh lạc hướng sự chú ý của các hệ thống phòng không nước này.
Còn ở Donetsk, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng nước này đã cải thiện vị trí trên tiền tuyến và đẩy lùi cuộc phản công của quân đội Ukraine ở khu vực, theo TASS.
Nga đánh giá thấp hiệu quả viện trợ Mỹ
Ngày 18.4, Điện Kremlin nhận định rằng dù có nhận được viện trợ quân sự từ Mỹ, Ukraine vẫn khó cải thiện tình hình tiền tuyến đang diễn ra bất lợi cho quân đội chính quyền Kyiv, theo Reuters.
Ông Mike Johnson, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, thông báo sẽ chủ trì vụ bỏ phiếu bị trì hoãn lâu nay liên quan đến gói viện trợ quân sự của nước này cho Ukraine.
Dự kiến cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức sớm nhất là vào ngày 20.4 (giờ Washington). Gói viện trợ Mỹ được đề xuất bao gồm 60,84 tỉ USD cho Ukraine, trong số này 23,2 tỉ USD sẽ được sử dụng để mua vũ khí, đạn dược, trang thiết bị của Mỹ.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) cam kết viện trợ nhiều nhất cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, Mỹ đến nay là nước đóng góp lớn nhất về mặt quân sự cho chính quyền Kyiv.
Theo Reuters, hiện Nga kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine. Giới chức Kyiv và phương Tây cảnh báo cuộc xung đột đang ở ngã rẽ có thể dẫn đến chiến thắng về tay Nga trừ phi Ukraine nhanh chóng nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ.
Trong một diễn biến liên quan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Ukraine cần đến 42 tỉ USD cho hoạt động ngân sách trong năm nay, Reuters đưa tin.
NATO nỗ lực tiếp sức cho Ukraine
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nỗ lực gửi thêm các hệ thống phòng không cho Ukraine, theo Reuters dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 18.4.
“Chúng tôi tổng hợp các dữ liệu về những hệ thống phòng không hiện có trong nội bộ NATO và tập trung vào hệ thống Patriot. Và chúng tôi đang làm việc với các đồng minh để đảm bảo họ sẽ chuyển giao một số hệ thống cho Ukraine”, ông Stoltenberg phát biểu bên lề hội nghị ngoại trưởng G7 tại Ý.
“Chúng tôi đang bàn về khả năng gửi thêm khẩu đội Patriot cho Ukraine. Chúng tôi đang thảo luận với một số nước cụ thể”, ông Stoltenberg cho biết, gọi việc cung cấp Patriot đóng vai trò then chốt vì đây là hệ thống phòng không hiện đại nhất mà NATO có thể dựa vào trong thời điểm hiện tại.
Tổng thư ký NATO liệt kê những hệ thống phòng không mà liên minh có thể viện trợ Ukraine trong thời gian tới, bao gồm tên lửa đất đối không NASALS.
“Việc trì hoãn giao các hệ thống phòng không đồng nghĩa sẽ có thêm tên lửa Nga trúng mục tiêu ở Ukraine. Việc trì hoãn đồng nghĩa Nga có thể gia tăng áp lực dọc theo tiền tuyến”, ông bổ sung.
Ông Stoltenberg cũng thông báo cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine sẽ diễn ra ngày 19.4 và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham dự trực tuyến.
T.P