Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI-Thụy Điển) cho thấy chi tiêu quân sự tăng khắp thế giới, trong xu hướng dự báo tiếp diễn trong ít nhất vài năm tới.
Chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm ngoái tăng mạnh nhất trong vòng một thập niên, đạt mức cao chưa từng thấy với 2.400 tỉ USD, trong bối cảnh các cuộc chiến và căng thẳng gia tăng tác động mức chi tiêu khắp thế giới, theo AFP ngày 22.4.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI-Thụy Điển) cho thấy chi tiêu quân sự tăng khắp thế giới, nhất là tại châu Âu.
“Tổng chi tiêu quân sự đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Và lần đầu tiên kể từ năm 2009, chúng ta thấy chi tiêu tăng trên cả 5 khu vực địa lý”, theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao Nan Tian tại SIPRI.
Theo báo cáo, chi tiêu quân sự đã tăng 6,8% vào năm 2023, “mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ năm 2009”. “Điều đó phản ánh sự suy thoái của hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Thực sự không có khu vực nào trên thế giới mà mọi thứ trở nên tốt hơn”, theo ông Tian.
Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Ả Rập Xê Út là 5 nước chi tiêu nhiều nhất. Cuộc chiến tiếp diễn ở Ukraine dẫn tới việc tăng chi tiêu của Ukraine, Nga và “hàng loạt” nước châu Âu, theo ông Tian.
SIPRI ước tính Nga tăng chi tiêu 24%, đạt mức 109 tỉ USD trong năm ngoái. Kể từ năm 2014, khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea, chi tiêu quân sự của nước này đã tăng 57%.
Chi tiêu quân sự của Ukraine tăng 51%, đạt 64,8 tỉ USD, nhưng nước này cũng nhận được 35 tỉ USD viện trợ quân sự, trong đó phần lớn đến từ Mỹ, nghĩa là tổng viện trợ và chi tiêu bằng khoảng 9/10 mức chi tiêu của Nga.
Ông Tian lưu ý rằng trong khi tổng ngân sách của Moscow và Kyiv tương đối gần nhau vào năm 2023, chi tiêu quân sự của Ukraine bằng 37% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 58% tổng chi tiêu của chính phủ.
Ngược lại, Nga có nền kinh tế lớn hơn nên chi tiêu quân sự chỉ chiếm 5,9% GDP. “Vì vậy dư địa để Ukraine tăng chi tiêu hiện nay rất hạn chế”, theo ông Tian.
Ở châu Âu, Ba Lan chứng kiến mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất từ trước đến nay, tăng 75% lên 31,6 tỉ USD.
Chi tiêu cũng tăng trên khắp Trung Đông, nơi Israel – quốc gia chi tiêu lớn thứ 2 trong khu vực – tăng 24% lên 27,5 tỉ USD vào năm 2023, chủ yếu do chiến dịch quân sự của nước này ở Gaza nhằm đáp trả vụ tấn công ngày 7.10 của Hamas.
Ả Rập Xê Út, nước chi tiêu lớn nhất ở Trung Đông, cũng tăng chi tiêu thêm 4,3% lên mức ước tính 75,8 tỉ USD. Mỹ, quốc gia chi tiêu cho quân sự nhiều nhất, đã tăng chi tiêu 2,3% lên 916 tỉ USD.
Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho quân sự trong năm thứ 29 liên tiếp, tăng thêm 6% lên mức ước tính 296 tỉ USD. Nhật Bản đã chi 50,2 tỉ USD vào năm ngoái và vùng lãnh thổ Đài Loan chi 16,6 tỉ USD, cùng ở mức tăng 11%. Trong khi đó, Ấn Độ lại tăng chi tiêu thêm 4,3% lên 83,6 tỉ USD.
Với tình hình cuộc chiến ở Ukraine khó kết thúc sớm, cũng như tình hình hiện tại ở Trung Đông và căng thẳng gia tăng ở châu Á, chuyên gia Tian cho biết ông tin rằng các nước có thể sẽ tiếp tục tăng cường quân đội của mình. “Dự kiến xu hướng ngày càng tăng này sẽ tiếp tục trong ít nhất một vài năm tới”, ông dự báo.
T.P