Ngôn từ được sử dụng trong đạo luật 45 năm tuổi của Mỹ đã mang lại cho Trung Quốc cơ hội ở Eo biển Đài Loan.
Gần chín năm sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã bắt tay nhau một lần nữa tại Bắc Kinh hồi tuần trước.
Hôm đó là ngày 10/04, và trong cùng ngày tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Nhà Trắng.
Phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các cuộc thảo luận chính trị này được tổ chức trong cùng một ngày ở hai bên bờ Thái Bình Dương?
“Chìa khóa quan trọng ở đây là hãy nhớ lại ý nghĩa của ngày 10/04,” một chuyên gia về lịch sử quan hệ Mỹ-Trung và Mỹ-Đài cho biết.
Vào ngày 10/04/1979, Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã được Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter ký duyệt thành luật, chỉ vài tháng sau khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Mỹ và Trung Quốc từng chung tay chống lại kẻ thù chung là Liên Xô, và đạt được sự xích lại gần nhau mang tính lịch sử. Tuy nhiên, những lo ngại trong Quốc hội Mỹ rằng việc công nhận Trung Quốc có thể gây tổn hại đến an ninh của Đài Loan, đã dẫn đến sự ra đời của Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó quy định rằng Mỹ sẽ giúp hòn đảo này duy trì khả năng tự vệ.
Rất có khả năng Biden đã lên lịch gặp Kishida khi biết rõ những gì đã xảy ra 45 năm trước. Đây là lần đầu tiên sau chín năm, một thủ tướng Nhật Bản được chào đón tới Mỹ với tư cách quốc khách. Duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – bao gồm Eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông, và Biển Đông – là chủ đề chính trong cuộc thảo luận của Kishida và Biden.
Điều quan trọng hơn nữa về mặt ngoại giao với Trung Quốc là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Nhật, Mỹ, và Philippines, diễn ra vào ngày hôm sau, khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đến gặp những người đồng cấp của ông tại Nhà Trắng.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, nơi các tàu của chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc quấy rối các tàu Philippines.
Trung Quốc đã biết trước rằng hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ sẽ trùng với dịp kỷ niệm 45 năm ban hành Đạo luật Quan hệ Đài Loan, và tiếp đến là hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ-Philippines. Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả những sắp xếp của Biden.
Một biện pháp đối phó cũng là cần thiết nếu Tập muốn giữ thể diện trước người dân trong nước. Theo truyền thông Đài Loan, cuộc gặp Tập-Mã ban đầu được ấn định vào ngày 08/04, nhưng đã bị trì hoãn hai ngày. Dường như đây là một quyết định có chủ ý để khiến cuộc gặp gỡ giữa Tập và Mã sẽ trùng với thượng đỉnh Nhật-Mỹ.
Đạo luật Quan hệ Đài Loan hiện đang cân nhắc tình hình an ninh của Đài Loan. Hồi tháng 2, hai ngư dân Trung Quốc đã thiệt mạng sau khi thuyền của họ bị lật úp ngoài khơi Đảo Kim Môn của Đài Loan. Tàu cá Trung Quốc được cho là đã lật úp khi đang bị lực lượng hải cảnh Đài Loan truy đuổi sau khi hoạt động trong một khu vực bị hạn chế.
Trung Quốc đổ lỗi cho Đài Loan về vụ việc, và khẳng định không tồn tại bất kỳ khu vực bị hạn chế nào. Từ đó đến nay, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã thường xuyên tuần tra vùng biển xung quanh Đảo Kim Môn.
Vậy có nghĩa là Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng bằng cách loại bỏ “hiểu biết ngầm” giữa nước này và Đài Loan.
Kim Môn, hòn đảo lớn nhất trong nhóm đảo nhỏ ở Eo biển Đài Loan, nằm cách đảo chính của Đài Loan khoảng 200 km, trong khi các đảo nhỏ của Đài Loan nằm xung quanh Kim Môn chỉ cách Hạ Môn, một thành phố của Trung Quốc trên bờ biển tỉnh Phúc Kiến, vài km.
Hạ Môn là nơi Tập giữ chức phó thị trưởng vào giữa thập niên 1980 khi ông vẫn còn ở độ tuổi 30.
Nằm trên bờ biển Kim Môn là Cổ Ninh Đầu. Tháng 10/1949, ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập “một Trung Quốc mới,” Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các lực lượng cộng sản đã phát động một chiến dịch đổ bộ lên Cổ Ninh Đầu để chiếm đảo Kim Môn.
Tuy nhiên, họ đã phải đối mặt với một cuộc phản công dữ dội từ quân đội Quốc Dân Đảng đang đóng trên đảo. Sau vài ngày giao tranh, lực lượng cộng sản đành đầu hàng.
Thất bại của phe cộng sản xảy đến ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, khi các lực lượng vũ trang của họ đáng lẽ phải có khí thế hăng hái. Nhưng họ lại chẳng thể chiếm được hòn đảo nhỏ, chứng tỏ rằng hoạt động đổ bộ bằng tàu có lẽ rất khó.
Dù Trung Quốc ngày nay sở hữu các trang bị thiết bị hiện đại và tàu chiến tiên tiến, thất bại 75 năm trước vẫn là một bài học.
Rất lâu sau Trận Cổ Ninh Đầu, Đảo Kim Môn tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công của pháo binh Trung Quốc. Nhưng hòa bình đã đến với Eo biển Đài Loan sau khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979 và Đạo luật Quan hệ Đài Loan được ban hành.
Giờ đây, khi Tập đang cố gắng thay đổi hiện trạng, ngôn từ được dùng trong đạo luật đó bắt đầu trở thành vấn đề.
Đạo luật này kế thừa từ Hiệp ước Phòng thủ Chung (nay đã hết hiệu lực) giữa Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan, nhằm biện minh cho những nỗ lực của Mỹ nhằm bảo vệ Đài Loan.
Nội dung văn bản có đề cập đến Quần đảo Bành Hồ, một quần đảo xa xôi của Đài Loan nằm cách đảo chính của Đài Loan 50 km về phía tây, nhưng nó không đề cập đến hai quần đảo Kim Môn và Mã Tổ, nằm cách xa đảo chính của Đài Loan.
Bằng cách cố gắng thay đổi hiện trạng sau sự cố tàu đánh cá Trung Quốc hồi tháng 2, Trung Quốc cũng có thể thách thức Mỹ, nước có quan hệ với Đài Loan dựa trên đạo luật mà Jimmy Carter đã ký thành luật năm 1979.
Biden, người vào năm 1979 đã là thượng nghị sĩ được sáu năm, đã tiếp nhận thử thách này. Bằng việc tổ chức cuộc gặp với Kishida vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm ban hành Đạo luật Quan hệ Đài Loan, và tiến hành hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Mỹ-Philippines đầu tiên ngay ngày hôm sau, Biden đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.
Tập cũng đã gửi thông điệp của riêng mình bằng cách chào đón Mã. Bức điện của ông được gửi tới Tổng thống sắp nhậm chức của Đài Loan Lại Thanh Đức, còn được gọi là William Lai, thuộc Đảng Dân Tiến cầm quyền của Đài Loan. Lại, 64 tuổi, sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/05, lên thay Tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn.
Đảng Dân Tiến vốn không tán thành một Trung Quốc thống nhất, và Tập muốn giữ cho quan điểm này không lan rộng hơn nữa ở Đài Loan.
Mã đã giữ chức tổng thống Đài Loan từ năm 2008 đến năm 2016. Năm 2015, ông từng có cuộc hội đàm lịch sử với Tập tại Singapore, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc cộng sản và Đài Loan.
Một năm sau, cử tri Đài Loan đã quyết định loại bỏ Quốc Dân Đảng (KMT) của Mã.
Trong cuộc gặp mới nhất với Mã, Tập nói “Không thế lực nào có thể chia cắt chúng ta,” ám chỉ mối quan hệ xuyên eo biển. Đây là thông điệp – hay nói đúng hơn là cảnh báo – mà ông dành cho Lại.
Tình hình chính trị Đài Loan rất phức tạp. Quốc Dân Đảng đã thua trong cuộc bầu cử tổng thống mới nhất vào tháng 1, và sự sụp đổ của thỏa thuận liên minh do Mã làm trung gian là một đòn giáng nặng nề khác lên đảng đối lập chính.
Tuy nhiên, Quốc Dân Đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp, trở thành phe lớn nhất trong Lập pháp Viện và do đó ngăn Đảng Dân Tiến cầm quyền giành được đa số độc đảng. Nhìn về cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo sau 4 năm nữa, Quốc Dân Đảng có thể hy vọng trở lại nắm quyền.
Chìa khoá nằm ở sự thay đổi thế hệ hiện đang diễn ra bên trong nội bộ Quốc Dân Đảng. Nhiều người trẻ trong đảng không hài lòng với cuộc gặp của Mã và Tập ở Bắc Kinh. Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1, Mã đã nói rằng “phải tin tưởng” Tập trong mối quan hệ hai bờ eo biển, theo đó làm hoen ố hình ảnh của Quốc Dân Đảng.
Giờ đây, người ta lại càng bất mãn với Mã và lo sợ rằng chuyến đi mới nhất của ông tới Trung Quốc chỉ có lợi cho Đảng Dân Tiến cầm quyền. Không nhiều người Đài Loan sẽ nhìn nhận cuộc gặp của Mã với Tập ở khía cạnh tích cực, và họ cũng sẽ không coi đây là sứ mệnh ngăn chặn một cuộc đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và Đài Loan. Việc sự kiện được dời ngày vì lợi ích của Trung Quốc lại càng làm tăng thêm những cảm xúc này.
Sau khi trở về Đài Loan, Mã đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 11/04 để khoe về những thành tựu của mình ở Bắc Kinh, nói rằng người dân ở cả hai bờ Eo biển Đài Loan thuộc về một “Trung Hoa Dân Quốc,” trước khi sửa lại thành một “quốc gia Trung Quốc.” Ông cũng đã phạm sai lầm tương tự và đã sửa chữa nó trong cuộc gặp với Tập ở Bắc Kinh.
Quốc Dân Đảng cho rằng Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan, mới thực sự là Trung Quốc. Một chuyên gia hiểu rõ tính cách của Mã đã chắc chắn rằng “cựu tổng thống Đài Loan cố tình” lỡ miệng. Nếu điều này là đúng – và với việc chuyến đi Bắc Kinh của Mã không thực sự được đón nhận trong Quốc Dân Đảng – thì đó là một nhầm lẫn thú vị.
Trong khi đó, trên Đảo Kim Môn, một số động thái chưa từng có đã diễn ra.
Truyền thông Đài Loan đưa tin các cố vấn quân sự Mỹ giờ đây đã đóng quân thường trực tại quần đảo Kim Môn và Bành Hồ, trong khi lực lượng Mũ nồi Xanh của Mỹ đã đến các vị trí cố định ở Đài Loan.
Đã 75 năm trôi qua kể từ khi lực lượng cộng sản bị quân Quốc Dân Đảng đánh bại trong Trận Cổ Ninh Đầu năm 1949, và Đảo Kim Môn một lần nữa lại nằm ở vị trí trung tâm trong cuộc đối đầu Trung Quốc-Đài Loan – hay Trung Quốc-Mỹ.
Sự công nhận của Mỹ đối với Trung Quốc và Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã cùng tồn tại trong thế cân bằng mong manh suốt 45 năm qua. Liệu sự cân bằng này sẽ bị phá vỡ hay được duy trì? Chúng ta cần phải theo dõi sát sao trong thời gian tới.
T.P