Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết điện thoại mới nhất của Huawei Technologies cho thấy Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ về công nghệ chip tiên tiến.
Xuất hiện trong chương trình 60 Minutes của đài CBS, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã đưa ra những ý kiến về sự đột phá trong công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc so với Mỹ, sau khi Washington áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với Bắc Kinh.
Theo bà Gina Raimondo, con chip được sử dụng trong dòng điện thoại mới nhất của Huawei – Mate 60 Pro, “không tiên tiến” bằng chip của Mỹ, mặc dù vào thời điểm Huawei ra mắt Mate 60 Pro hồi tháng 8/2023, con chip 7nm tinh vi đã “gây náo loạn” giới mộ điệu và được coi là một bước đột phá về công nghệ của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc.
Huawei Mate 60 Pro được coi là biểu tượng cho sự “hồi sinh” công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi công ty này bị Mỹ liệt vào danh sách hạn chế thương mại từ năm 2019 và sau đó Washington cũng sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với CBS ngày 21/4 (giờ Mỹ), bà Raimondo đánh giá đột phá công nghệ của Huawei “đã chậm hơn nhiều năm so với những gì chúng tôi có ở Mỹ. Chúng ta có chất bán dẫn tinh vi nhất trên thế giới. Trung Quốc thì không”. Đồng thời, Bộ trưởng Thương mại Mỹ khẳng định điều này cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington có hiệu quả.
Bên cạnh đó, bà Raimondo tuyên bố sẽ thực hiện hành động “mạnh nhất có thể” để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden được cho là cũng đang xem xét đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen mà họ nghi ngờ có thể sản xuất chip cho Huawei.
Trong đó, Bộ Thương mại Mỹ đảm nhận vai trò then chốt trong chiến lược liên quan tới Trung Quốc của chính quyền TT Biden, bao gồm cả nỗ lực ngăn chặn những công nghệ tiên tiến nhất lọt vào tay Bắc Kinh.
Sau khi yêu cầu Hà Lan và Nhật Bản áp dụng một số biện pháp hạn chế vào năm ngoái và sau đó thắt chặt các quy định của Mỹ vào mùa thu, nhiều phương tiện truyền thông nhận định rằng phía Washington đang gây áp lực buộc 2 quốc gia này, cùng với Hàn Quốc và Đức – hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận công nghệ nước ngoài của Trung Quốc.
Bộ Thương mại do bà Gina đứng đầu cũng chịu trách nhiệm cung cấp các khoản tài trợ và khoản vay trị giá hơn 100 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước. Trong những tuần gần đây, liên tiếp các khoản trợ cấp đã được công bố cho các công ty sản xuất lớn như Intel, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung Electronics từ Hàn Quốc. Một khoản trợ cấp khác dự kiến sẽ được công bố trong tuần này cho Micron Technology Inc.
T.P