Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTình thế mới của quốc phòng Việt Nam

Tình thế mới của quốc phòng Việt Nam

Vừa mới đây, theo công bố của trang dữ liệu GlobalData.com, một liên minh của các nhà cung cấp dữ liệu và phân tích có uy tín hàng đầu thế giới, dự đoán rằng ngân sách quốc phòng của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 7,8 tỷ đô.

Những người lính Việt Nam diễu binh binh quân trong ngày Quốc khánh 2/9/2015 tại Hà Nội.

Không những vậy, với những tín hiệu phát triển tổng thể quốc gia hết sức khả quan, GlobalData.com còn nhận định rằng ngân sách quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng trên 5% mỗi năm, tính từ năm 2025 – 2029. Tổng kết lại, ngân sách quốc phòng trong giai đoạn từ 2024 – 2029 sẽ ước đạt 46 tỷ đô. Đây là một chỉ dấu đáng mừng, cho thấy mặc dù đang trong thời bình, nhưng Việt Nam vẫn luôn giữ cho mình một thái độ đề phòng cho mọi bất trắc có thể xảy ra.

Như chúng ta đã biết, trong những năm vừa qua, bối cảnh cả trong nước và thế giới đang có rất nhiều xáo trộn dữ dội. Tất cả hiện đều đang trực tiếp ảnh hưởng, thậm chí là đe dọa tới những nỗ lực của Việt Nam trong hiện đại hóa quốc phòng. Thông qua những tìm hiểu, sau đây sẽ là hai khó khăn chính đang tạo ra thế lưỡng nan mà nước ta gặp phải trong quá trình chi tiền để hiện đại hóa quốc phòng.

Lục quân và Không quân vẫn đang từng bước phát triển

Dù rằng trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng bằng việc tự nghiên cứu sản xuất được một số lượng không hề nhỏ, các chủng loại vũ khí và khí tài, đặc biệt là với các lực lượng trên biển. Đứng trước sức ép từ các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc, kể từ sau sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014, đây đã trở thành lực lượng được chăm sóc cực kỳ kỹ lưỡng, tạo mọi điều kiện để tăng cường sức mạnh và hiện đại hóa cấp tốc.

Chỉ trong có gần 10 năm, lực lượng biển Việt Nam đã thực hiện những bước dài chưa từng có bằng việc mua chuyển giao công nghệ và được tặng. Hải Quân và Cảnh Sát Biển của Việt Nam đã có được một lực lượng hùng hậu với các tàu ngầm lớp Kilo, tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya, tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 từ Nga, các tàu như Pohang của Hàn Quốc, tàu Hamilton của Mỹ. Đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, Việt Nam đã có thể đóng được hơn 50 loại tàu phục vụ cho mọi đơn vị, mọi nhiệm vụ chiến đấu như là tàu chiến DN-2000, tàu pháo TT400TP, tàu tuần tiễu cao tốc TT200, tàu cứu hộ tàu ngầm Yết Kiêu. Thậm chí xa hơn, Việt Nam đã tham vọng sẽ đóng được tàu chiến với lượng giãn nước là 5000 tấn. Với những dẫn chứng kể trên, khả năng Việt Nam cho hạ thủy con tàu chiến mơ ước sẽ chỉ là một sớm một chiều mà thôi.

Thế nhưng, cũng vì ưu tiên cho Hải Quân, nên Lục Quân và Không Quân của Việt Nam vẫn đang phải phát triển từng bước.

Với Lục Quân, thành tựu lớn nhất hiện đang là phát triển và tự sản xuất được các loại vũ khí nhỏ mang tính cá nhân và tổ đội thuộc lĩnh vực cơ khí, quang học và điện tử, chủ yếu là các loại súng trường SVT, súng bắn tỉa SVT-12M1, súng phóng lựu SPL-40…

Các loại khí tài quang học cho tất cả các loại súng, pháo và xe chiến đấu đang có, thậm chí tới cả việc trang bị các loại khí tài ngụy trang. Đây vẫn còn là vấn đề hết sức nan giải khi không ít các đơn vị cấp địa phương vẫn chưa được tiếp cận với các bộ quân phục ngụy trang đời mới nhất. Việc sản xuất các loại vũ khí có hàm lượng công nghệ cao với các dự án như xe tải hạng nặng, xe chiến đấu XCB-01, XTC-02, tên lửa VCM-01… hiện mới đang chỉ trong giai đoạn phát triển hoặc cho ra nguyên mẫu. Những thứ như xe tăng, pháo tự hành thì vẫn còn là những thứ quá xa vời. Mọi nỗ lực của Việt Nam trong những năm vừa qua hiện mới chỉ dừng lại ở mức duy tu, bảo dưỡng hoặc hiện đại hóa để tích lũy dần kinh nghiệm cho tương lai, có thể tự nghiên cứu và sản xuất về sau.

Đáng lo nhất vẫn là Không quân, dù đã tích cực tìm mua từ nhiều nguồn khác nhau kể từ những năm 2000 tới nay. Thế nhưng, chừng đó vẫn là chưa đủ để Không quân đuổi kịp tốc độ gia tăng của rất nhiều chủng loại máy bay trong trang bị. Liên tiếp các vụ tai nạn có lý do liên quan tới tuổi đời của các loại máy bay, như là vụ rơi trực thăng UH-1 ngày 28/1/2015 khiến 4 chiến sĩ hy sinh, hay các vụ rơi tiêm kích bom Su-22 rải rác trong các năm 2006, 2009, 2015, 2023 và 2024. Tất cả đang đặt cho Không quân Việt Nam một tình thế là phải hiện đại hóa càng sớm càng tốt.

Hiển nhiên, với việc ngành công nghiệp hàng không vẫn còn đang cực kỳ trẻ, giải pháp đi mua của bên ngoài vẫn sẽ là quốc sách hàng đầu cho việc hiện đại hóa Không quân trong những năm tiếp theo.

Tình hình xáo trộn của thị trường vũ khí

Gặp khó với việc sản xuất nội địa hóa trong nước như đã nêu ở trên thì là một nhẽ. Ngay cả việc mua sắm từ nước ngoài, hiện Việt Nam cũng đang trong một tình thế cực kỳ khó xử. Trong mấy năm trở lại đây, những xáo động dữ dội trong các mối quan hệ quốc tế, như cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, Israel – Hamas ở dải Gaza, hay chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và Trung Quốc, tất cả đang khiến cho việc mua sắm quốc phòng của Việt Nam rơi vào một ván cờ thế khá là nan giải. Chỉ cần một pha lỡ tay thôi là vừa mất tiền oan mà có khi còn “ăn hành ngập mồm” bởi các lệnh trừng phạt nữa.

Những bạn hàng truyền thống

Đầu tiên phải kể tới các bạn hàng truyền thống, cụ thể ở đây là Nga và Israel. Không ngoa khi nói rằng, giờ đây Việt Nam mà nổ đơn hàng lớn với hai nước trên là y như rằng sẽ bị hết nước này tới nước khác trừng phạt, tới tổ chức kia lên án. Với việc đang tìm cách bóp nghẹt Nga trên mọi mặt trận, nếu giờ mà Việt Nam nổ đơn hàng lớn với Nga thì chắc chắn là cả thế giới phương Tây sẽ phản đối kịch liệt. Mua của Israel chắc chắn là sẽ bị cộng đồng Ả Rập lên án là đang tiếp sức cho “kẻ thù truyền đời” của họ. Khổ nỗi, với việc đã tiếp xúc và làm chủ các hệ thống vũ khí, khí tài, thậm chí là cả học thuyết quân sự của hai nước trên, những đơn hàng với các nước trên dường như là những “bài thuốc tăng lực” vừa bổ dưỡng vừa có tác dụng nhanh cho quân đội Việt Nam. Thế nên, không dễ dàng để Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào những “bài thuốc” này để đổi sang các “bài thuốc” mới, sẽ vừa mất thời gian để thích nghi lại, còn tiềm ẩn không ít nguy cơ bị “sốc phản vệ”.

Một lối thoát khả dĩ mà Việt Nam có thể tìm đến trong nhóm các bạn hàng truyền thống là Cộng hòa Séc, kế thừa một nền công nghiệp đồ sộ từ Tiệp Khắc, từ là thành viên của khối quân sự Warszawa, rồi từ năm 1999 đã trở thành thành viên của NATO. Có thể nói rằng, ngành công nghiệp quốc phòng của Séc như là một sự tổng hóa thú vị mà Việt Nam có thể dựa vào để học cách kết hợp những loại vũ khí, khí tài theo cả hai hệ là Nga và NATO sao cho thật hài hòa nhất trong trang bị. Việc ký kết hợp đồng mua 12 máy bay huấn luyện chiến đấu L-39NG vào năm 2021 đã cho thấy rõ tham vọng trên của Việt Nam.

Bởi lẽ, L-39NG có thiết kế cực kỳ hài hòa giữa bộ khung phát triển từ chiếc L-39 Albatros thời Warszawa và các linh kiện, động cơ mới nhất do NATO cung cấp, như là động cơ Williams FJ44, hệ thống điều khiển điện tử hàng không của tập đoàn Honeywell. Thậm chí, với việc đang tỏ ra là một trong những thị trường dễ tính bậc nhất thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể tính tới chuyện mua giấy phép sản xuất vũ khí của nước này để “đi tắt, đón đầu” những dòng vũ khí mà ta chưa nghiên cứu sản xuất thành công. Thế nhưng, tới khi này lại xuất hiện một rào cản lớn, không phải xa lạ gì mà chính là nước Nga. Thực tế là, từ trước khi chiến tranh Nga và Ukraina nổ ra, quan hệ giữa Cộng hòa Séc và Nga cứ qua từng ngày lại leo thang căng thẳng một chút. Thái độ ngả dần về phương Tây của Séc, giữa thời các vị tổng thống Milos Zeman và hiện tại là Petr Pavel, đã khiến Nga nhiều lần nổi giận.

Ngày 14/5/2021, Chính phủ Nga tuyên bố Cộng hòa Séc là quốc gia không thân thiện. Hai nước cũng đáp trả lẫn nhau bằng việc đuổi các nhân viên đại sứ quán về nước và biểu tình chống lại nhau trong những vấn đề như kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít, vấn đề Ukraina…Thậm chí, vào hôm 22/11/2023, Tổng thống Cộng hòa Séc, ông Petr Pavel, còn thay mặt NATO nói rằng Nga là đe dọa lớn nhất ở châu Âu và đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn.

Trước những căng thẳng đang ngày một leo thang, rõ ràng Việt Nam phải rất cẩn trọng trong những hợp tác về sau với Cộng hòa Séc, nếu như không muốn bị Nga cho là không thân thiện.

Mua hàng của Mỹ phải nhìn Trung Quốc

Có lẽ tới đây, ắt hẳn sẽ có người nghĩ tới việc mua hàng của Mỹ với lẽ rằng, dẫu sao Việt Nam đã từng có truyền thống sử dụng vũ khí của Mỹ từ thời hai nước còn đang đối đầu với nhau. Hiện tại, quan hệ hai nước lại đang tốt đẹp, lại thêm việc Mỹ hiện giờ đang có sức mạnh chi phối chính trị quốc tế theo kiểu nắm đầu một cực. Mua của Mỹ sẽ vẹn cả đôi đường, vừa không sợ bị trừng phạt, lại còn gắn kết thêm tình cảm hai nước, phải không?

Thế nhưng, vấn đề cũng không đơn giản như vậy. Nếu không sợ bị phương Tây trừng phạt, không sợ bị Ả Râp mè nheo, Nga thì cũng chưa chắc đã có thể làm gì được nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ hành Việt Nam. Đừng quên rằng Trung Quốc và Mỹ hiện đang nổ ra một cuộc chiến tranh lạnh cực kỳ gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, thậm chí là nguy cơ bùng phát của chiến tranh nóng đã không ít lần xuất hiện. Với việc Trung Quốc thường xuyên đe dọa tồn vong của đảo Đài Loan, đồng minh thân cận của Mỹ trên Biển Hoa Đông, cũng như đẩy mạnh việc bồi đắp và thâu tóm thêm các đảo, bãi cạn, bãi san hô tại Biển Đông. Trong tình trạng như vậy, việc Việt Nam – một nước cực kỳ trọng yếu trong khu vực – nổ đơn hàng lớn với Mỹ thì chẳng khác nào đang đánh một tín hiệu ngầm với Trung Quốc rằng ta đang về phe Mỹ để chống Trung Quốc.

Chính Việt Nam cũng hiểu rất rõ những hậu quả có thể xảy ra nếu quá thắt chặt quan hệ với Mỹ. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực quân sự, các động thái mua sắm và tiếp nhận vũ khí từ Mỹ của Việt Nam đều diễn ra theo một động thái chung là hết sức dè chừng, chủ yếu chúng ta hợp tác với Mỹ chỉ trong lĩnh vực hải quân. Khi đặt trên bàn cân sức mạnh ba tàu Hamilton của cảnh sát biển hay các trinh sát cơ T6 TSAN 2 khi kết hợp với tổng thể lực lượng trên biển của Việt Nam, đều chỉ đang ở mức răn đe trước các lực lượng của Trung Quốc hiện đang có mặt trên Biển Đông, mà trực tiếp là Hạm đội Nam Hải. Tránh tối đa việc tạo ra một sức ép đe dọa lên Hạm đội Nam Hải hay xa hơn là toàn bộ phía Nam Trung Quốc, đó sẽ là kim chỉ nam để Việt Nam liệu cơm gắp mắm trong việc mua sắm quốc phòng với Mỹ. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao, dù đã có nhiều tin đồn, nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa chốt hạ là có mua tiêm kích F16 của Mỹ hay không.

Những canh bạc năm ăn, năm thua

Canh bạc mà tôi đang nhắc tới ở đây là những quốc gia đang nổi trên thị trường xuất khẩu vũ khí như là Nam Phi, Ấn Độ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Sở dĩ tôi nói là canh bạc là bởi, dù rằng trong những năm vừa qua, các nước này đã đạt được những bước tiến thần tốc trong ngành công nghiệp quốc phòng, thế nhưng mấu chốt quan trọng nhất đó là thực chiến ngoài chiến trường, thì những vũ khí của các nước này đều chưa trải qua mấy. Nhật Bản thì phải bắt đầu từ năm 2017 mới quyết định mở cửa thị trường, năm 2020 thì mới xuất khẩu những lô vũ khí đầu tiên.

Hàn Quốc, dù đã và đang ‘ăn nên làm ra’ với vô số đơn hàng kể từ khi chiến tranh Nga và Ukraina bùng nổ, thế nhưng đa phần các đơn hàng này vẫn là bán cho các nước đang đề phòng chiến tranh xảy ra với mình như Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn chưa đưa ra chiến trường thực chiến. Nam Phi, ngoài khẩu súng phóng lựu Minore MGL lừng danh tới mức Việt Nam đã từng phải mua giấy phép để sản xuất phiên bản nội địa, các loại vũ khí khác của họ, tuy cũng đã tham chiến ở nhiều chiến trường tại châu Phi, thế nhưng vì truyền thông ở đó vẫn chưa phát triển nên tổng thể nền công nghiệp quốc phòng của Nam Phi vẫn là một bí ẩn, mà chỉ riêng việc tiếp cận thôi đã rất khó khăn, chứ chưa nói tới việc mua về dùng.

Lắm duyên nợ nhất trong số bốn nước trên phải kể tới Ấn Độ, dù rằng đang có được vài phần tiếng tăm trên thị trường quốc tế. Bản thân Việt Nam cũng đã có những hợp tác nhất định, thậm chí là kể từ năm 2016 đã dộ lên tin đồn rằng Việt Nam bí mật mua tên lửa chống hạm BrahMos của họ. Thế nhưng không thể phủ nhận một điều rằng vũ khí của Ấn Độ cũng cực kỳ lắm điều tiếng, bởi đủ các lý do từ trên trời dưới biển, nào là chất lượng kém như khẩu súng trường INSAS, rồi thiếu cái này, lỗi cái kia, so với nguyên gốc khi mua giấy phép sản xuất xe tăng T-90, máy bay Su-30 của Nga. Rồi còn đó là chương trình phát triển xe tăng nội địa Arjun với truyền thống kiểu ‘Cô Dâu 8 Tuổi’ của mình, nó đang ngốn số thời gian nghiên cứu nhiều khủng khiếp, lên tới hơn 40 năm. Thế nhưng kết quả đổi lại vẫn khiến cho chính các nhà quân sự nước này phải ‘khóc dở mếu dở’. Gần nửa đời người nghiên cứu, người Ấn Độ chỉ có thể dừng lại ở việc lắp phần thân chính, giáp bảo vệ tháp pháo…các phần còn lại đều phải nhập khẩu từ bên ngoài. Khi mà các đối tác xảy ra chuyện, như với bên hãng động cơ MTU của Đức ngay tháng 2 rồi, thì hoạt động sản xuất của Ấn Độ coi như ngưng trệ luôn.

Đứng trước một nền quốc phòng lắm lỗi vặt như trên, nếu như việc Việt Nam mua tên lửa của họ về dùng là thật, đã tới lúc chúng ta cũng cần phải lo lắng là vừa. Với việc đã không còn dễ dãi như thời đánh Pháp, đánh Mỹ theo kiểu ‘cứ cái gì bắn được thì sẽ là súng, súng có lỗi thì sẽ tự mày mò sửa chữa’. Đứng trước hình thái chiến tranh hiện đại với trùng trùng điệp điệp các loại công nghệ tinh vi đi kèm, những loại vũ khí mới, hoặc là chưa trải qua thực chiến, chắc chắn sẽ luôn để lại những mối hoài nghi cho bất cứ đội quân nào, chứ không riêng gì Việt Nam.

Bởi vậy, dù trong những năm gần đây quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và bốn nước trên vẫn đang dần ngày một khăng khít, kể mà Việt Nam có sẵn sàng mua vũ khí, khí tài, hay là mua giấy phép chuyển giao công nghệ của họ, thì chắc chắn vẫn sẽ phải tốn một khoảng thời gian quan sát, nghiên cứu, ít nhất cũng phải từ 1,2 năm nữa. Ngoài ra, căn cứ theo tình hình hai cuộc chiến tại Ukraina và dải Gaza, có một thực tế đang diễn ra rằng các cường quốc quân sự trên thế giới hiện đang tìm cách để bán tống bán tháo hết kho vũ khí cũ, vũ khí lạc hậu để tiếp nhận những vũ khí mới, nền công nghiệp quân sự của họ cũng vì vậy mà đang dồn trọng tâm cho bên thị trường nội địa.

Bởi vậy mà trong giai đoạn 2024-2029, khả năng Việt Nam, hay là bất cứ một quốc gia nào khác, phải chấp nhận việc ký kết các hợp đồng với thời hạn dài hơn, thậm chí là với nguy cơ bị động rất dễ có thể xảy ra. Với tình hình tại Đông Nam Á và Biển Đông vẫn luôn đầy rẫy những biến số khó lường, Việt Nam rõ ràng là sẽ không có nhiều thời gian để chờ đợi.

Lời kết

Có thể thấy rằng giai đoạn 2024-2029 sẽ là giai đoạn có tính thử thách cao nhất đối với nhiệm vụ hiện đại hóa nền quân sự Việt Nam, bởi xét cả yếu tố nội tại và yếu tố bên ngoài, mọi thứ đều đang ẩn chứa rất nhiều thách thức với Việt Nam. Nền công nghiệp quốc phòng, dù đang có tốc độ phát triển hết sức ấn tượng trong những năm vừa qua.

Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để khỏa lấp một thực tế rằng Việt Nam vẫn chưa thể phát triển được những loại vũ khí, khí tài với trình độ công nghệ cao và hết sức tinh vi, như là xe chiến đấu pháo tự hành, các loại động cơ…Đi mua thì cũng chẳng biết phải mua của ai, khi đâu đâu cũng là những cạm bẫy cấm vận, những trừng phạt, những nỗi lo về chất lượng thực tế khi so với quảng cáo.

Điều đó cho thấy rằng, việc hiện đại hóa quân sự của Việt Nam giai đoạn này không chỉ đơn thuần là phận sự của Bộ Quốc phòng. Với tình hình như hiện tại, chắc chắn Bộ Ngoại giao nói riêng và Chính phủ với sách lược “ngoại giao cây tre” nói chung sẽ phải là những lực lượng tích cực hỗ trợ cho quốc phòng để dàn xếp các thương vụ mua bán và chuyển giao công nghệ về sau được thuận buồm xuôi gió. Đồng thời, cũng thông qua hiện trạng này, chắc chắn Việt Nam sẽ nhận ra được tầm quan trọng tới mức sống còn của việc tự chủ tới mức tối đa nguồn vũ khí, khí tài của bản thân. Bởi vậy, bằng mọi giá, chắc chắn Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục các chương trình phát triển vũ khí trong nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới