Saturday, December 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội'Tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở dưới mức trước đại dịch'

‘Tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở dưới mức trước đại dịch’

Đây là nhận định được chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong buổi công bố Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam cập nhật tháng 4/2024 ngày 23/4 tại Hà Nội. Tại báo cáo lần này, WB dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% trong năm nay và tăng dần lên mức 6% vào năm 2025, dựa trên những tín hiệu phục hồi khác nhau.

World Bank công bố báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam sáng 23/4.

Giảm tốc trong 2023, có dấu hiệu phục hồi đầu 2024

Phát biểu tại sự kiện, ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của World Bank nhận định sau khi đạt tốc độ tăng trưởng 5% trong năm 2023, kinh tế Việt Nam cho thấy dấu hiêu phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Sebastian, “mặc dù cho thấy khả năng chống chịu tốt trước những biến đổi của môi trường toàn cầu nhưng khả năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn dưới mức trước Đại dịch (6,5-7%)”.

“Do đó, các chính sách kinh tế vĩ mô cần được hiệu chỉnh cho phù hợp với nền kinh tế và môi trường toàn cầu, cũng như cần thúc đẩy đầu tư công để thúc đẩy cầu để phát triển kinh tế trong ngắn hạn. Một điểm quan trọng nữa là đầu tư vào hạ tầng “xương sống” như điện, giao thông và logistic và hỗ trợ tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt cho biết.

Trong báo cáo điểm lại tình hình kinh tế, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam chững lại đáng kể trong năm 2023, trong đó 3 động lực tăng trưởng, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của tư nhân trong nước, đều mất đà. Tốc độ tăng trưởng GDP theo giá so sánh giảm từ 8% năm 2022 xuống còn 5% trong năm ngoái.

Nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chủ lực hạ nhiệt khiến cho xuất khẩu năm 2023 giảm 2,5% (so cùng kỳ năm trước), so với tốc độ tăng 4,9% trong năm 2022. Xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ cũng giảm mạnh (-4,3% so cùng kỳ năm trước) trong điều kiện nhu cầu trong nước yếu đi.

Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân năm 2023 giảm mạnh còn 3,5% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 7,2% trong năm 2022.

Trong khi đó, do thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng, tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8% so với cùng kỳ năm trước, kéo tốc độ tăng tổng đầu tư giảm còn 4,1% trong năm 2023 so với mức 5,8% trong năm 2022, cho dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn giữ vững và đầu tư công cải thiện.

Sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc năm 2023, trong quý đầu tiên của năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi tạm thời, một phần do hiệu ứng xuất phát điểm thấp trong xuất khẩu, trong khi tiêu dùng và đầu tư phục hồi dần dần.

Theo WB, kinh tế Việt Nam quý I/2024 đạt mức tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hóa phục hồi mạnh mẽ, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2024 so với -11,6% trong quý I/2023, nhờ xuất khẩu sang Mỹ và Khu vực châu Âu tăng mạnh.

Triển vọng tăng trưởng tích cực

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2024 và tăng dần lên 6% (2025) đến 6,5% vào năm 2026, tùy vào mức độ phục hồi của nhu cầu bên ngoài và đầu tư của khu vực tư nhân.

Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong 2 năm tới, dựa trên dự báo nhu cầu nhập khẩu của các đối tác thương mại lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ xoay chuyển theo hướng đi lên vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khi tình trạng đóng băng của thị trường trái phiếu được nới lỏng và Luật đất đai được ban hành vào tháng 1/2024 và dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2025.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi vào quý IV/2023, với khối lượng phát hành đạt 135,1 ngàn tỷ VND, đóng góp 50% cho tổng khối lượng phát hành năm 2023. Đến cuối tháng 2/2024, khối lượng phát hành đạt 114,8 ngàn tỷ VND.

Theo WB, khi xuất khẩu và thị trường bất động sản dần phục hồi, nhu cầu trong nước dự kiến sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2024 do các nhà đầu tư và người tiêu dùng lấy lại lòng tin.

Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% năm 2023 lên 3,5% vào năm 2024, chủ yếu ở các mặt hàng giáo dục và y tế.

Tài khoản vãng lai dự kiến tiếp tục thặng dư năm 2024, chủ yếu nhờ vào cán cân thương mại hàng hóa. Mức thặng dư có thể giảm trong các năm 2025-2026 do nhập khẩu tăng lên khi tiêu dùng tư nhân cũng như nhu cầu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất khi xuất khẩu phục hồi dần.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến vẫn duy trì ổn định trong ngắn và trung hạn, do nhà các đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm đến Việt Nam.

Rủi ro với triển vọng ở thế cân bằng

Theo WB, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu, triển vọng dự báo phụ thuộc vào những rủi ro xấu đang gia tăng cả ở trong nước và bên ngoài, bao gồm việc tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở một số nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị hoặc thị trường BĐS phục hồi lâu hơn dự kiến,…

Mặc dù vậy, triển vọng dự báo cũng phụ thuộc vào những diễn biến dự kiến theo hướng tích cực. Tăng trưởng toàn cầu tốt hơn dự báo có thể hỗ trợ các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam phục hồi nhanh hơn.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khoá để củng cố phục hồi. WB khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn công để kích thích kinh tế.

“Đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ta nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức. Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt nhận xét.

Bên cạnh đó, WB khuyến nghị chính phủ tiếp tục những cải cách trong thời gian qua để giảm nhẹ rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính trong thời gian tới.

“Các cấp có thẩm quyền có thể ban hành chính sách nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng và tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm nhằm phát hiện và xử lý các vấn đề về quan hệ giữa ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp), can thiệp sớm và xử lý ngân hàng yếu kém (nhằm ngăn ngừa các ngân hàng sụp đổ gây ra các vấn đề mang tính hệ thống) và quản lý khủng hoảng”, trích báo cáo điểm lại của WB.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới