Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh muốn độc chiếm ngư trường ở Biển Đông

Bắc Kinh muốn độc chiếm ngư trường ở Biển Đông

Theo lệ thường – một “hủ tục mới” được Trung Quốc duy trì trong nhiều năm qua – cứ vào đầu tháng 5, nước này lại tung ra Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.

Trung Quốc có hành động ngang ngược này bắt đầu từ mùa hè năm 1999, đến này vừa tròn 25 năm. Mặc cho các nước trong khu vực lên án, chủ trương của Bắc Kinh là … điếc! Theo các nhà quản lý ngư trường Trung Quốc, nghề cá của nước này cần phải được “thở bằng cái mũi của mình” (!)

Ô hay, nào có ai tranh phần thở với họ. Tự nhiên anh sang cấm đánh bắt cá tôm ở ao nhà người lại vu cho người ta tranh phần thở của mình.

Mới rồi, Trung Quốc lại ban hành “Lệnh cấm”, áp dụng từ ngày 1/5 đến 16/8/2024, “nhằm thúc đẩy việc đánh bắt cá bền vững và cải thiện hệ sinh thái biển”. Một lý do hết sức chung chung đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc ban hành ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Không những thế còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Lập trường của Việt Nam từ nhiều năm nay về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán. Bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển Việt Nam, không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”.

Thưa quý vị, độc giả, cái Lệnh cấm quái gở của Trung Quốc bao trùm vùng biển ở 12 độ bắc đường xích đạo và bao gồm một phần của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Bất chấp Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) từ năm 2016, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích Biển Đông có tiềm năng giàu năng lượng thông qua “Đường chín đoạn” trên bản đồ của nước này, kéo dài sâu vào Đông Nam Á và lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Indonesia.

Đằng sau cái Lệnh của chính quyền Bắc Kinh là gì? Phải chăng âm mưu đầu tiên của họ là từng bước độc chiếm ngư trường. Thông qua lệnh cấm đánh bắt, Trung Quốc đang cố ý sử dụng sai hoặc lạm dụng hệ thống và nguyên tắc pháp lý để đạt được mục đích kinh tế và chính trị. Họ đang áp dụng “luật pháp nội”để thực thi quy định hạn chế đối với hoạt động đánh bắt cá của cả trong nước lẫn nước ngoài. Thật là một hành động phi pháp và ngang ngược.

Luật rừng của Trung Quốc đi ngược với các chuẩn mực chung về hàng hải quốc tế, nhằm thể hiện mức độ kiểm soát hành chính của họ đối với phần lớn Biển Đông, mở rộng sức ảnh hưởng, thách thức luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật Biển. Không những thế họ còn đe dọa quyền đánh bắt của ngư dân các nước láng giềng.

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc cũng nhằm gây cản trở hoạt động đánh bắt và thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng. Kể từ đầu năm 2020, tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục có hành động quấy rối tàu cá của các nước láng giềng, ngang ngược đâm chìm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, dọa dẫm và ngăn chặn láng giềng thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi. Bốn tháng đầu năm 2024, hành động này lặp lại một cách đầy thách thức và dày đặc đối với Philippines. Rõ ràng Bắc Kinh vẫn giữ cách hành xử của nước lớn, chèn ép, bắt nạt láng giềng, trong khi đó vẫn tỏ ra ủng hộ tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hiện nay, với đội tàu cá có tới hơn 4 triệu thuyền viên thuộc hàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cũng nhằm thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững ở Biển Đông. Philippines cùng với Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt đơn phương của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc không có quyền lấy cớ bảo tồn thủy sản để ban bố lệnh cấm đánh bắt tại các vùng biển mà họ không có chủ quyền hợp pháp.

Thay vì khống chế, dọa dẫm tàu cá nước ngoài, Bắc Kinh nên tìm cách quản lý chính ngư dân của mình vốn tham gia hoạt động đánh bắt không bền vững nhắm vào những sinh vật biển đang có nguy cơ bị đe dọa và cần được bảo vệ như sò tai tượng. Mong rằng, các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, chủ động bàn thảo về hoạt động đánh bắt cá, yêu cầu Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán.

Không thể để hành động ngang ngược của Bắc Kinh kéo dài đã một phần tư thế kỷ vẫn tiếp diễn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới