Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnGã khổng lồ Đức bị điều tra vì giúp Nga tái thiết...

Gã khổng lồ Đức bị điều tra vì giúp Nga tái thiết thành phố ở Donetsk

Công ty xây dựng khổng lồ của Đức bị điều tra vì giúp Nga tái thiết thành phố Mariupol ở Donetsk – RT đưa tin.

Nga đang tái thiết thành phố Mariupol.

Công ty vật liệu xây dựng khổng lồ Knauf của Đức đang bị điều tra sau các thông tin về việc công ty này bị cáo buộc giúp Nga tái thiết thành phố Mariupol ở Donetsk – Văn phòng công tố viên ở thành phố Wurzburg của Đức nói với RIA Novosti.

Đầu tháng này, hãng thông tấn ARD của Đức đưa tin, một số công ty lớn của nước này, đặc biệt là Knauf, đang tham gia tái thiết Mariupol – thành phố ven biển ở Biển Đen thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk bị hư hại nặng nề trong một cuộc bao vây năm 2022 và đang được Nga xây dựng lại.

“Cuộc điều tra hiện tại nhằm làm rõ liệu cáo buộc ban đầu có đúng không” – Tobias Kostuch, phát ngôn viên của văn phòng công tố nói với RIA Novosti hôm 22.4.

Cùng ngày 22.4, Knauf thông báo sẽ rời khỏi Nga do “những diễn biến hiện tại” mà không đưa ra lý do cho việc rời đi.

Là công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất thạch cao, Knauf là một trong những công ty phương Tây từ chối rời Nga sau khi xung đột Ukraina bắt đầu vào năm 2022.

Tháng 11 năm ngoái, Ukraina đã gán cho công ty này là “nhà tài trợ chiến tranh” và gọi đây là “nhà đầu tư lớn nhất của Đức trong ngành công nghiệp xây dựng ở Nga”.

Theo Forbes, công ty Knauf có hơn 35.000 nhân viên trên khắp thế giới và có doanh thu hàng năm trên 11 tỉ USD.

Nicholas Knauf – người sáng lập công ty Knauf – từng là lãnh sự danh dự của Nga trong hơn hai thập kỷ. Ông gọi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga là “khủng khiếp”. Tuy nhiên, ông nói với ARD rằng ông phản đối chiến dịch quân sự của Mátxcơva ở Ukraina và công ty Knauf tuân thủ các hạn chế của EU, chỉ sử dụng chi nhánh ở Nga để cung cấp hàng hóa “dành riêng cho thị trường Nga”.

Công ty tiết lộ có ý định “chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh ở Nga, bao gồm khai thác nguyên liệu thô, sản xuất và bán hàng cho ban quản lý địa phương để duy trì việc làm cho hơn 4.000 nhân viên trong tương lai”.

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Nga Viktor Evtukhov, động thái này đang chờ chính quyền Nga phê duyệt. Bình luận về quyết định “chuyển giao” tài sản của công ty, Thứ trưởng gọi từ này là “không phù hợp”.

“Nếu vì lý do nào đó mà một công ty rời khỏi khu vực tài phán của Liên bang Nga thì việc mua bán sẽ diễn ra. Một điều nữa là bạn có thể bán một tài sản với bất kỳ giá nào, nhưng không quá 50% giá trị thị trường của nó” – ông Evtukhov nói.

Theo luật hiện hành, các công ty rời khỏi Nga có nghĩa vụ bán tài sản ở Nga với mức chiết khấu 50% và đóng góp bắt buộc vào ngân sách Nga, lên tới ít nhất 10% của một nửa giá trị thị trường tài sản công ty ở nước này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới