Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ Mỹ - Trung “bắt đầu ổn định”, hay “bất ổn...

Quan hệ Mỹ – Trung “bắt đầu ổn định”, hay “bất ổn định”?

Cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ Blinken với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 26/4 được dư luận thế giới chăm chú theo dõi. Đây không chỉ là chuyện riêng của hai cường quốc mà là vấn đề “Ai thắng ai” trong thế kỷ 21.

Không phải các nhà bình luận nói vống lên cho to chuyện mà sự thật trong những năm đầu thế kỷ 21, đầu thiên niên kỷ thứ ba, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ, còn Mỹ có sự loạng choạng, sau đó đã nhận ra mối nguy hiểm và bắt đầu tấn công.

Sự trỗi dậy của đất nước 1,4 tỷ dân thể hiện rõ ở khát vọng bá chủ khu vực và toàn cầu, ở “Giấc mơ Trung Hoa”, hay “Hồi sinh dân tộc” như cách Trung Nam Hải thường nói.

Cho nên khi xem xét đánh giá về các cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lãnh đạo Trung-Mỹ phải bám sát xu thế cạnh tranh địa chính trị này. Ý tưởng, mục tiêu của cả hai bên là sắt đá, nhưng phương pháp thì mềm dẻo.

Trong chuyến thăm Trung Quốc trong ba ngày của vị sứ giả Mỹ, hai bên cố gắng thể hiện quan điểm đó. Tại cuộc hội đàm, ông Vương Nghị nói với ông Blinken một cách lạc quan: Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang “bắt đầu ổn định”. Sau khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau ở bang Californina (Mỹ) vào tháng 11/2023, mối quan hệ ấy ngày thêm gắn bó.

Ông chủ nhà Vương cứ nói đại lên như thế. Còn “ổn định” như thế nào thì cả hai bên đều quá rõ, hay như báo chí phương Tây nói, nó đang “bất ổn định”.

Thế cho nên, kết quả chuyến đi này của ông Blinken là điều hai nước đều hi vọng một cách dè dặt khi quan hệ giữa hai bên rơi xuống mức thấp trong lịch sử vào đầu năm 2023. Hiện tại, cần có giải pháp giải quyết một loạt vấn đề gây tranh cãi. Washington và Bắc Kinh vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển trong vấn đề kiểm soát nguồn cung các hóa chất để làm fentanyl (thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, thường được sử dụng phổ biến sau phẫu thuật) từ Trung Quốc. Đài Loan vẫn là một điểm nóng, và hai bên đang căng thẳng về vấn đề Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Vẫn biết rất khó có thể đạt những bước tiến đáng kể trong chuyến thăm này, nhưng hai bên đều mong muốn “mở đường dây liên lạc” để tránh những kịch bản xấu”. Và món “quà” tặng nhau trước chuyến đi là: Ông Blinken thúc giục Trung Quốc chặn các công ty cung cấp những mặt hàng lưỡng dụng, có thể giúp Nga phát triển công nghiệp quốc phòng. Washington cũng đã chuẩn bị biện pháp cứng rắn đối với những công ty Trung Quốc “đang gây tổn hại an ninh” của Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, Mỹ đã sơ bộ bàn về việc áp biện pháp trừng phạt với một số ngân hàng Trung Quốc vì hỗ trợ thương mại Nga.

Đúng là toàn những vấn đề rất lớn, khó giải quyết, bởi khác nhau về mục đích, về lợi ích, các yếu tố tiêu cực trong mối quan hệ hai nước “vẫn ngày càng gia tăng và đang hình thành” – như lời ông Vương Nghị nhấn mạnh. Ông Vương khẳng định “Trung Quốc ủng hộ việc tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau. Yêu cầu Mỹ không chà đạp lên lằn ranh đỏ của Trung Quốc về chủ quyền, an ninh và phát triển. Trung Quốc và Mỹ nên tiếp tục đi đúng hướng để tiến về phía trước với sự ổn định hay quay trở lại vòng xoáy đi xuống?”. Làm được như thế sẽ kiểm soát những cơn gió ngược trong nền kinh tế Trung Quốc, và ít nhất trong ngắn hạn, sẽ tránh bùng phát xung đột với phương Tây.

Đáp lại, khách mời cũng lựa lời: “Tôi hy vọng chúng ta đạt được một số tiến bộ về các vấn đề mà các lãnh đạo của chúng ta đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh ở California”. Ông Blinken nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc nên “làm rõ nhất có thể về những lĩnh vực mà chúng ta có sự khác biệt – ít nhất là để tránh hiểu lầm, tránh tính toán sai lầm”.

Ngoại trưởng Blinken cũng không ngần ngại khi lưu ý, Bắc Kinh nên bình tĩnh, xử lý theo cách “đàn anh” đàng hoàng trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống lãnh đạo Đài Loan vào tháng 5/2024. Bắc Kinh cũng nên tỏ rõ vai trò nước lớn, đồng minh thân thiết với Nga, khuyến khích Tehran kiềm chế trong cuộc xung đột mở ngày càng gia tăng của Iran với Israel.

Nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Bliken, có thể thấy, những mâu thuẫn lớn trong quan hệ hai nước không dễ hóa giải. Khát vọng đứng đầu thiên hạ sẽ đưa Trung Quốc đến xung đột không thể tránh khỏi với phần còn lại của thế giới là các nước láng giềng; là bá chủ thế giới hiện nay (Mỹ); là những nơi không chia sẻ giá trị của Trung Quốc (các nền dân chủ tự do, chẳng hạn như Liên minh châu Âu – EU).

Đối cực với Trung Quốc, Mỹ luôn cho rằng, Trung Quốc không hội tụ đủ các chuẩn mực toàn cầu. Washington luôn đánh giá thấp sức mạnh ngày một lớn của Trung Quốc. Các đời chính quyền Mỹ đã liên tiếp thất bại trong việc xây dựng một hệ thống công bằng dựa trên pháp luật cho sự hội nhập kinh tế, thay vào đó đã chọn cách làm ngơ trước tình trạng ăn cắp tài sản trí tuệ, tình trạng cải cách kinh tế thất bại của Trung Quốc trong việc hạn chế hoạt động của các hãng quốc doanh, v.v..

Đặc biệt, vấn đề eo biển Đài Loan, vấn đề Biển Đông, vấn đề Trung Đông, cuộc chiến Nga-Ukraine, vẫn là câu hỏi không lời đáp khi “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Ai cũng nói sẵn sàng hợp tác, tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau. Nhưng phía sau những lời nói úp mở là mưu toan thủ thế, tấn công, xúi giục, kích động, thậm chí phớt lờ những quyết định của các tổ chức đa phương.

Vì thế, chúng ta hãy chờ xem hai nhà ngoại giao của hai cường quốc có mưu kế gì khả dĩ trong chuyến thăm có nhiều yếu tố … hài kịch.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới