Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký một dự luật đặt ra thời hạn để ứng dụng mạng xã hội TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc hoặc bị loại khỏi thị trường Mỹ.
Cụ thể, theo dự luật vừa được thông qua, ByteDance sẽ có 9 tháng để bán TikTok, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ. Dự luật cũng sẽ cấm ByteDance kiểm soát thuật toán của TikTok.
Thời hạn trên sẽ kết thúc trùng vào lễ nhậm chức tổng thống ngày 20/1/2025. Tổng thống khi đó sẽ có quyền gia hạn thêm 3 tháng nếu nhận thấy ByteDance gần hoàn tất các thủ tục thoái vốn.
Dự luật đã được Hạ viện Mỹ phê chuẩn vào ngày 20/4 và Thượng viện thông qua vào ngày 23/4.
Dự luật này được đưa ra sau khi một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng ứng dụng chia sẻ video phổ biến gây rủi ro cho an ninh quốc gia và có thể bị chính quyền Trung Quốc sử dụng để lấy dữ liệu riêng tư của công dân Mỹ hoặc gây ảnh hưởng đến ý kiến của họ bằng cách ngăn chặn hoặc quảng bá một số nội dung nhất định trên TikTok.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ Maria Cantwell nhấn mạnh rằng “Quốc hội không hành động để trừng phạt ByteDance, TikTok hay bất kỳ công ty cá nhân nào khác” mà đang thực hiện động thái nhằm “ngăn chặn các đối thủ nước ngoài tiến hành hoạt động gián điệp, giám sát, các hoạt động ác ý, làm hại những người Mỹ dễ bị tổn thương, các quân nhân và phụ nữ cũng như nhân viên chính phủ Mỹ”.
TikTok dọa kiện
TikTok phủ nhận mọi cáo buộc chia sẻ dữ liệu người dùng với Bắc Kinh. Nền tảng video này cho rằng quy định mới của Mỹ tương đương với lệnh cấm, vi phạm quyền tự do ngôn luận của Mỹ đối với người dùng.
Cuối tuần qua, TikTok đã thông báo đến nhân viên của mình rằng họ sẽ thách thức chính phủ Mỹ về mặt pháp lý.
Người đứng đầu chính sách công của công ty tại châu Mỹ, ông Michael Beckerman, đã mô tả dự luật này là vi phạm các quyền của Tu chính án thứ nhất đối với 170 triệu người dùng ứng dụng ở Mỹ.
Ông đồng thời cảnh báo rằng lệnh cấm tiềm năng cũng sẽ gây ra “hậu quả tàn khốc” cho 7 triệu doanh nghiệp sử dụng nền tảng này và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 USD tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hàng năm.
Trung Quốc cũng chỉ trích kế hoạch cấm TikTok ở Mỹ, mô tả động thái như vậy là “trái với nguyên tắc cạnh tranh công bằng cũng như các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế”, đồng thời cáo buộc Washington có “hành vi bắt nạt” và “tận dụng quyền lực nhà nước” chống lại ByteDance.
Tại Mỹ, một số người chỉ trích dự luật cho rằng luật này làm dấy lên lo ngại về quyền tự do ngôn luận và không giải quyết các vấn đề sâu rộng hơn trên toàn ngành liên quan đến quyền riêng tư.
T.P