Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTác chiến điện tử của Việt Nam – Bí ẩn, tinh nhuệ...

Tác chiến điện tử của Việt Nam – Bí ẩn, tinh nhuệ và mạnh mẽ

Không pháo to cũng chẳng súng lớn, chúng không mang cho mình sức mạnh hủy diệt chết chóc trên chiến trường. Vậy nhưng, chúng lại mang cho mình sức mạnh của hàng trăm quả tên lửa không thể bị đánh chặn. Đó là những gì được người ta dùng để ám chỉ những phương tiện tác chiến điện tử. Một cuộc chiến tranh tàng hình thế nhưng khốc liệt, đã là chìa khóa cho mọi thế bế tắc trên chiến trường.

Các kỹ sư Viettel kiểm thử và vận hành hệ thống trinh sát vô tuyến điện tử VSI-3.

Việt Nam chính là nơi đã hoàn thiện và định hình nên bộ mặt của tác chiến điện tử và chống tác chiến điện tử như ngày hôm nay. Vậy thì chính bản thân chúng ta đã đi tới đâu trong việc phát triển đơn vị tác chiến điện tử cho riêng mình?

Ngày 26/2/1935, người đàn ông này đã thay đổi toàn bộ bộ mặt chiến tranh của nhân loại và định hình nó cho đến tận ngày hôm nay. Ông là Robert Watson, cha đẻ của radar hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử, người đã mở ra kỷ nguyên của chiến tranh tàng hình. Khi giờ đây, việc tiêu diệt những thiết bị dẫn đường và phát hiện mục tiêu của kẻ thù được xem là còn quan trọng hơn cả tiêu diệt những phương tiện đang đối đầu trực tiếp.

Học thuyết quân sự hiện đại của Mỹ cho rằng trong chiến tranh, ai là người khống chế được việc sử dụng phổ điện từ thì sẽ là người chiến thắng. Lịch sử chứng minh rằng chiếm ưu thế trong tác chiến điện tử sẽ dẫn tới thắng lợi trong các hoạt động quân sự.

Trong thời đại hiện nay khi công nghệ điện tử, thông tin, vật liệu mới đang phát triển như vũ bão và trở thành yếu tố quyết định trong các hoạt động quân sự, tác chiến điện tử đã trở thành nhân tố sống còn của chiến tranh.

Tác chiến điện tử là phương tiện nhân bội sức mạnh và là một trong ba nhân tố then chốt của chiến tranh công nghệ cao, bao hàm cả tấn công và phòng thủ. Vì thế, các quốc gia cần phải đầu tư ngay từ thời bình và luôn phải sẵn sàng.

Những phương thức tác chiến điện tử đầu tiên đã được sử dụng vào khoảng thời gian cuối Thế chiến thứ hai, khi quân Đồng Minh đã dùng các sợi dây bạc để gây nhiễu radar của quân đội Đức. Vậy nhưng, mọi thứ ở thời điểm đó vẫn còn rất sơ khai. Chỉ khi chiến tranh Việt Nam diễn ra, cụ thể là chiến dịch Sấm Rền từ 1965- 1968 bắt đầu, thì tác chiến điện tử mới được hoàn thiện về đủ mọi phương pháp từ trinh sát, chế áp đối phương và đỉnh cao nhất phải kể tới chiến dịch Linebacker II với con quái vật B-52. Các thiết bị chế áp điện tử được gắn trên nó có giá tới 4,6 triệu đô, ngang với giá của một chiếc F-4. Nhắc đến máy bay B-52 hay Linebacker II không thể không nhắc tới chiến công của bộ đội tên lửa Việt Nam, đó sẽ mãi là trang sử hào hùng, đầy tự hào và niềm kiêu hãnh của toàn dân tộc, là bản anh hùng ca bất diệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Các đơn vị tác chiến điện tử của Việt Nam đã dùng nhiều phương thức để phát hiện và đánh bại hệ thống tác chiến điện tử phức tạp và hiện đại nhất thời điểm đó. Vậy nhưng, tầm ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam lại chưa dừng lại ở đó. Cuộc chiến này đã để lại rất nhiều bài học cho các cường quốc trong việc phát triển lực lượng sau này.

Đã gần 50 năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, những bài học của nó thì vẫn được áp dụng và hiện diện ngay trong hiện tại, với tác chiến điện tử thì cũng không phải ngoại lệ.

Tác chiến điện tử hiện nay được chia thành ba thành phần:
● Trinh sát điện tử : loại hình trinh sát quân sự dùng phương tiện điện tử, được tiến hành từ mặt đất, trên không, trên vũ trụ, trên và dưới mặt nước.

● Bảo vệ điện tử : gồm toàn bộ các hoạt động làm cho các phương tiện điện tử làm việc an toàn, ổn định, chống đối phương gây nhiễu và đánh phá, chống tự nhiễu lẫn nhau của các phương tiện điện tử.

● Chế áp điện tử: bao gồm toàn bộ các biện pháp và hoạt động nhằm làm tê liệt hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng của các phương tiện điện tử đối phương, gồm có hai loại: chế áp cứng và chế áp mềm.

+Chế áp cứng: là việc sử dụng các hành động nhằm cản trở, gây khó khăn, hay tiến hành phá hủy một phần hoặc toàn bộ phương tiện điện tử của đối phương bằng hỏa lực, ví dụ như tên lửa chống bức xạ, pháo hoặc lực lượng quân đội đột nhập phá hủy.

+Chế áp mềm: là việc sử dụng năng lượng điện từ trường được phát xạ, phản xạ, hay sao chép lại nhằm đánh lừa điện tử để ngăn cản, gây khó khăn hoặc loại trừ, làm giảm hiệu quả hoạt động của các phương tiện điện tử đối phương, ví dụ như gây nhiễu hoặc tạo ra mục tiêu giả…

Về cơ bản, thời chiến tranh Việt Nam đến nay mọi thứ vẫn vậy, chỉ khác biệt ở chỗ mạnh hơn: tên lửa bay nhanh hơn, phương tiện áp chế mạnh hơn và cơ động hơn. Với Việt Nam trước đây, các đơn vị tác chiến điện tử chỉ được xem là một phần của bộ phận tên lửa. Tuy nhiên, theo thời gian và xu hướng phát triển, những đơn vị này đã được tách riêng.

Ngày 30/4/1992, Cục Tác Chiến Điện Tử được thành lập với quy mô là 20.000 người, được chia thành bốn lữ đoàn, bốn tiểu đoàn và hai trung tâm. Cho đến nay, lực lượng này vẫn đang được bao phủ bởi một lớp màn sương bí ẩn với rất ít thông tin được tiết lộ. Trang bị của Cục Tác Chiến Điện Tử cũng rất ít khi được công khai trên báo chí; hầu như là những gì chúng ta thấy được chỉ là thông qua triển lãm quân sự hàng năm.Tuy nhiên, qua những thông tin ít ỏi đó, chúng ta cũng phần nào thấy được đây là một đơn vị thuộc vào hàng hiện đại và cũng giống như lực lượng radar trước đó.Việt Nam đang tiến hành nội địa hóa các trang thiết bị để tiến đến 100% “Made in Việt Nam”.

Hiện nay, theo những gì được công bố, trang bị của Cục Tác Chiến Điện Tử đến từ ba nguồn: phương Tây, từ Nga và hàng nội địa. Nếu xét về tên đã công bố thì có rất nhiều, thế nhưng toàn là mã số. Chỉ có một số là loại nhập khẩu được công bố đầy đủ thông số kỹ thuật. Trong triển lãm quân sự tại Thái Nguyên vào năm 2019, Việt Nam đã công bố hệ thống AGAS-1000, 5408 và 20C đến từ Đức. Tuy nhiên, chỉ có loại AGAS-1000 là được công bố thông số kỹ thuật. AGAS-1000 được tập đoàn do công ty PLATH của Đức giới thiệu vào năm 2010.

Hiện chưa rõ Việt Nam nhập khẩu hệ thống này từ bao giờ, chỉ biết là khi công bố thì nó đã được tích hợp lên khung gầm xe Kamaz của Nga. Điều này chứng tỏ rằng chỗ này đã được nghiên cứu, độ chế hết rồi thì mới được công bố.

Sức mạnh của tổ hợp này nó còn lớn hơn cả một đơn vị xe tăng. Tất nhiên, vai trò của nó không phải là bắn phá ai mà là nhắm vào các hệ thống liên lạc của đối phương, những yếu tố có thể ảnh hưởng tới cục diện của chiến trường, quyết định tới thế ngã ngũ của cả một cuộc chiến.

AGAS-1000 được thiết kế để trinh sát, định hướng, định vị và gây nhiễu các đường thông tin liên lạc vô tuyến của đối phương. Tất nhiên, một hệ thống thì không chỉ có một xe.Thành phần của AGAS-1000 gồm có 10 trạm, với một trạm chỉ huy, ba trạm HF, ba trạm VHF, ba trạm UHF; tất cả đều được đặt trên khung gầm của xe Kamaz, giúp chúng có sức cơ động cao, tránh né phương tiện trinh sát của đối phương.

Điều đặc biệt hơn cả đó là tất cả các trạm này đều có thể tác chiến độc lập hoặc kết nối với hệ thống chung, có nghĩa là các thành phần này có thể được đặt cách nhau hàng trăm km mà vẫn có thể hoạt động bình thường, tránh để bị đối phương tiêu diệt cả cụm, hoặc khi có một trạm bị tiêu diệt cũng không ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống. Đây có vẻ như là một trong những tiêu chí hàng đầu của Việt Nam khi rất nhiều hệ thống mà Việt Nam đặt mua đều có tính năng này. Ví dụ, hệ thống phòng không Spider của Israel, khi các xe phóng tên lửa có thể đặt cách xe chỉ huy từ 250 đến cả 10,000 m, cho phép nó có khả năng khống chế và phát hiện từ sớm các mục tiêu, đồng thời giảm thiểu thương vong nếu bị phát hiện.

Hệ thống tiếp theo được công bố là SPN-30 của Nga. Các tổ hợp SPN-30 của Việt Nam sử dụng khung gầm Ural-375D, gồm một xe chỉ huy, một xe mang đài antenna và một xe cấp điện nguồn.

Hệ thống này có thể theo dõi mục tiêu ở cự ly lên tới từ 250 km -400 km, trong đó phạm vi gây nhiễu hiệu quả từ 60 km đến 150 km. Về khả năng của SPN-30, tổ hợp này có thể gây nhiễu hoặc làm gián đoạn các thiết bị do thám và quan sát của đối phương trong một khu vực nhất định, như là vệ tinh do thám, hệ thống radar điều khiển hỏa lực cho tổ hợp phòng không, cũng như hệ thống dẫn đường và radar điều khiển bay ở độ cao thấp. Hệ thống này đã được Nga đem sang Siri thực chiến, với nhiệm vụ làm gián loạn các hệ thống trinh sát của đối phương, bảo vệ các cuộc không kích của không quân Nga và phe FSA do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Đó là một số thông tin ít ỏi về các tổ hợp tác chiến điện tử được nhập khẩu. Thực ra, có lẽ còn rất nhiều loại nữa, nhưng chỉ có tên và mã số, không thấy thông tin ở đâu. Còn về sản phẩm nội địa của Việt Nam, từ năm 2010- 2021, cán bộ và nhân viên của đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất, nhập kho kỹ thuật của ngành được hơn 300 chủng loại vật tư, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo kỹ thuật cho trang bị khí tài trong tác chiến điện tử, tiết kiệm đáng kể kinh phí sửa chữa, phục hồi và đưa vào sử dụng hầu hết các chủng loại khí tài tác chiến điện tử thế hệ cũ từng bước làm chủ khả năng khắc phục hỏng hóc và sửa chữa trang thiết bị khí tài tác chiến điện tử thế hệ mới.

Với tư duy đi tắt đón đầu và sử dụng các công nghệ mới nhất Tổng công ty Công nghệ Cao Viettel (VHT) đã lựa chọn nền tảng công nghệ SDR mới nhất cho các sản phẩm quân sự công nghệ cao của mình. Các thiết bị của Viettel trải rộng từ trinh sát đến bảo vệ, chế áp điện tử, đưa vào trang bị hệ thống trinh sát vô tuyến điện tử VSI-3 với giải tần số từ 20KHz đến 3 GHz, công nghệ TDOA tương đương với hệ thống trinh sát Blackbird 350 của hãng TCI của Mỹ.

Viettel đã thử nghiệm thành công tại đơn vị hệ thống giám sát phổ dải rộng VSM-1S với giải tần số từ 1,5 MHz đến 6 GHz, đã thử nghiệm thành công tại đơn vị hệ thống chính sát điện tử thông minh với giải tần số từ 50 MHz đến 18 GHz, băng thông tức thời là 500 MHz, công nghệ TDOA, nó tương đương với hệ thống VERA-NG nổi tiếng của hãng ERA Cộng hòa Séc.

Hiện nay, UAV đang được xem là dần trở thành một trong những bộ mặt của chiến tranh hiện đại. Đương nhiên, quá trình khắc chế chúng cũng đang được tạo ra. Trước tần suất sử dụng UAV lên tới hàng nghìn, hàng trăm chiếc một ngày như ở Ukraine chẳng hạn, chính vì vậy mà các vũ khí chống UAV cầm tay, trang bị cá nhân cho bộ binh cũng đang được phát triển. Đặc điểm của các loại vũ khí này đó là nó phải nhỏ gọn, cơ động, rẻ tiền và dễ sử dụng. Cần lưu ý rằng phần lớn các loại UAV drone hiện nay được điều khiển bằng con người ở dưới mặt đất với bộ điều khiển cầm tay hoặc trạm điều khiển cỡ lớn đặt cố định. Nếu UAV bay vượt quá tầm của tín hiệu điều khiển, nó sẽ rơi xuống, hoặc trong trường hợp bị chế áp điện tử, các phương tiện này sẽ bị mất điều khiển và rơi, hoặc bay treo cho tới khi hết pin.

Để những người lính không trở thành nạn nhân của drone hay UAV cỡ nhỏ, quân đội của các nước đã đưa vào trang bị súng chống UAV cầm tay. Súng chống UAV là một thiết bị cầm tay tương đối nhỏ, nó phát ra tín hiệu làm xáo trộn tín hiệu điều hướng và chỉ huy của máy bay không người lái, thường buộc UAV bị nhắm mục tiêu phải hạ cánh khẩn cấp. Vũ khí này về cơ bản giống như súng trường, thế nhưng thay vì bắn đạn thì chúng lại phóng các tia điện từ. Loại súng này yêu cầu người sử dụng phải có tầm nhìn tới mục tiêu.

Chắc hẳn là nếu các bạn dùng TikTok hay Facebook sẽ không khó để thấy được các lực lượng trước tính năng sử dụng các loại vũ khí này để vô hiệu hóa drone, khiến chúng bị bay treo và người điều khiển sẽ bị mất quyền kiểm soát. Ví dụ như là loại CA18GL được Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu, chế tạo, được thử nghiệm và đưa vào trang bị năm 2021. Điểm nổi bật của thiết bị chế áp Flycam CA18-GL so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài chính là tính năng giả lập vùng cấm bay nhân tạo bằng cách giả tín hiệu GPS nhằm đánh lừa thiết bị định vị và dẫn đường trên Flycam.

Với tính năng vượt trội này, thiết bị chế áp Flycam CA18-GL có thể tạo ra một vùng cấm bay nhân tạo để bảo vệ các mục tiêu. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ vô tuyến cấu hình mềm, có thể cập nhật và thay đổi bằng phần mềm của hệ thống. Vì vậy, việc làm chủ công nghệ và mã nguồn của thiết bị chế áp Flycam CA18-GL sẽ được cập nhật liên tục để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới hay khi công nghệ sản xuất Flycam có thay đổi.

Tuy nhiên, đó thì chỉ là trang bị cá nhân, còn trong trường hợp muốn phong tỏa cả một khu vực rộng lớn phải cần bảo vệ như là các tòa nhà hay những khu căn cứ, thì chúng ta cần một thứ to lớn hơn một chút và đó là động lực để cho ra đời GN-481. Chúng được thiết kế để chết điện tử gây nhiễu các máy thu vô tuyến điện, chúng có khả năng gây nhiễu hệ thống định vị vệ tinh, sóng di động 2G, 3G hay 4G, có thể gây nhiễu sóng wifi. Khí tài này có kích thước nhỏ, chỉ nặng có 25 kg, cho nên có thể bố trí trên nhiều tòa nhà mục tiêu cần bảo vệ. Đây là những thông tin công khai, một số khí tài được quân đội ta cho phép công khai, vẫn còn rất nhiều thứ chỉ là cái tên khó tìm ra tham số bởi các nhà sản xuất thường nói rất sơ sài hoặc không nói gì về chúng nhằm bảo đảm sự bí mật từ A tới Z cho các khách hàng mua các tổ hợp này.

Nhìn chung, dựa vào những gì đã công khai thì Cục Tác Chiến điện tử của Việt Nam được trang bị khá hiện đại, đáp ứng được một phần của chiến tranh điện tử nền này, từ trinh sát bảo vệ cho tới cả tấn công. Tại sao lại nói là một phần? Bởi vì như các bạn đã thấy, thiết bị mà Việt Nam có và đang chế tạo hầu hết là chế áp mềm, tức là gây nhiễu và đánh lừa, trong khi đó thì khả năng chế áp cứng của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Ở đây không nói tới việc cho đặc công phá hoại hay là dập pháo, mà là tên lửa chống bức xạ. Về việc này chúng ta cần phải quay về những năm 1980 của thế kỷ trước, sau cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979, Liên Xô đã từng trang bị cho Việt Nam một loạt các khí tài vũ khí thuộc vào hàng hiện đại số má thời đó, một trong số đó phải kể tới tên lửa chống bức xạ KH-28E vào thời điểm đó đây quả thực là một ưu tiên lớn dành cho riêng Việt Nam, bởi vì KH-28E chỉ mới được quân đội Liên Xô đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1973, đến cả các đồng minh thân cận của họ ở Đông Âu vẫn còn chưa có mà họ đã ưu tiên cho Việt Nam. Loại tên lửa này được lắp trên cường kích Su-22, với tầm bắn lên tới 120 km, mang theo đầu đạn 120 kg, tốc độ Max 3, tức là gấp tới ba lần vận tốc âm thanh.

Cơ chế hoạt động của nó tương tự như các loại tên lửa chống bức xạ ngày nay của cả Mỹ và Nga. Mặc dù KH-28 có ưu điểm là bay nhanh và tầm xa, thế nhưng nó cũng có khuyết điểm là khá phức tạp và khó khăn trong bảo quản với động cơ nhiên liệu lỏng. Nên về sau, đã bị thay thế bởi loại tên lửa dùng động cơ nhiên liệu rắn đơn giản và hiệu quả hơn, đó là KH-58. Vì vậy, KH-28 đã bị loại bỏ khỏi biên chế quân đội Nga từ những năm 1990.

Tại sao chống có mỗi radar thôi mà cần phải đầu đạn 120 kg, trong khi các loại của Mỹ và sau này đầu đạn thường chỉ có mấy chục kg là cùng. Bởi vì KH-28E còn được thiết kế với một vai trò nữa, đó là tấn công các tàu mặt nước vẫn với cơ chế đó. Thế nhưng là tấn công các tàu chiến, vì chúng cũng cần radar để hoạt động. Với đầu đạn 120 kg, chúng có đủ sức mạnh để thiệt hại nặng một chiến hạm khoảng vài ngàn tấn, thậm chí là đánh chìm luôn.

Để các bạn dễ hình dung, loại tên lửa Neptune, tức là KH-35 phiên bản Ukraina, được sử dụng để đánh chìm tàu chiến Moskva, cũng chỉ có đầu đạn mang 140 kg thuốc nổ. Chỉ cần hai quả là đủ để tiễn tàu Soái hạ Moskva nặng tới 11.500 tấn đi “uống trà với Long Vương”. Vậy nên, với đầu đạn 120 kg nhỏ hơn một chút thôi, chúng cũng đủ khả năng để thổi tung cả tháp chỉ huy của con tàu này, dù không thể đánh chìm được ngay, thế nhưng cũng đủ khả năng để biến cả chiếc chiến hạm thành một cái bè nổi.

Số lượng KH-28E mà Việt Nam trang bị hiện nay vẫn chưa được xác định, là bởi cả Việt Nam, Liên Xô và sau này là Nga đều giữ kín bí mật. Đây là loại tên lửa chống bức xạ duy nhất của Việt Nam hiện nay, chưa kể Việt Nam đã bắt đầu lên kế hoạch cho Su-22 nghỉ hưu dần. Số KH-28 vốn được thiết kế để phóng trên Su-22, Su-24 và Tu-22, nếu mà Su-22 nghỉ hưu hết thì số KH-28 này cũng chỉ có cách lưu kho mà thôi.

Thực ra, thì còn một phương thức tác chiến điện tử nữa, nhưng cách này số nước làm được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là vệ tinh trinh sát điện tử, hay còn được gọi là vệ tinh gián điệp. Theo một số thông tin đồn đại, vệ tinh trinh sát của Mỹ nó có khả năng có thể soi rõ từng đường dây cao áp ở Bắc Kinh. Mặc dù chỉ là tin đồn, không biết thật giả bao nhiêu phần trăm, thế nhưng nó cũng cho thấy tác chiến điện tử của Mỹ nó đẳng cấp thế nào. Thực ra, thì cũng chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ mới có thể phát triển được lên tới tầm đó, còn lại đa phần các quốc gia trên thế giới cũng trong tình trạng như Việt Nam mà thôi.

Trên đây là về các đơn vị tác chiến điện tử của Việt Nam. Lực lượng này vẫn còn đang bị bao phủ bởi một màn sương khá bí ẩn, những gì mà chúng ta thấy chỉ là qua các triển lãm quân sự hàng năm được tổ chức và một số mẩu tin ngắn mà thôi. Bởi vì quốc phòng luôn là bí mật.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới