Tuesday, November 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHàng tiêu dùng Việt gặp khốn khó vì hàng giá rẻ của...

Hàng tiêu dùng Việt gặp khốn khó vì hàng giá rẻ của TQ

Hàng nhập khẩu bán tràn lan trên chợ mạng không chỉ khiến tiểu thương tại nhiều chợ lẻ gặp khó vì không thể cạnh tranh, mà còn gây ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất trong nước.

Nhiều tiểu thương chợ Thủ Đức gặp khó vì kinh doanh ế ẩm, lại phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu bán tràn lan trên chợ mạng

Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài Đơn hàng chuyển qua Shopee, Lazada, TikTok… hàng tỉ USD/tháng, có nên miễn thuế VAT?, nhiều tiểu thương, chuyên gia đã chia sẻ quan điểm cho rằng Nhà nước cần xem xét đánh thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, bởi đây là phân khúc đang được nhập về khá nhiều và có xu hướng tăng mạnh.

Từ cây kim… đến kẹp tóc cũng khó bán
Dù bán đồ phụ kiện thời trang với giá trị mỗi sản phẩm khá rẻ nhưng bà Đào Thị Thu Thanh, tiểu thương khu vực chợ An Đông (quận 5, TP.HCM), cho biết nhiều tháng qua khá ế ẩm, khó khăn nên không ít người bán buộc phải rời bỏ ngôi chợ đã gắn bó hàng chục năm qua.

Theo bà Thanh, nguyên nhân chính dẫn đến sức mua sụt giảm mạnh do chợ truyền thống chịu cạnh tranh lớn với hàng online, đặc biệt nhóm hàng phụ kiện, thời trang sản xuất ở Trung Quốc được nhập về.

“Từ cây kim, cái kẹp tóc.. cho đến quần áo, giày dép là những món đồ giá trị thấp nhưng chúng tôi vẫn rất khó bán, bởi nhóm sản phẩm này đang được nhập về và bán trên trang thương mại điện tử (TMĐT), chợ online với lượng rất lớn, giá lại khá rẻ”, bà Thanh nhận định.

Tương tự, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Đoàn Thị Thu Hà, đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức (TP.HCM), xác nhận dù giá bán tại chợ đang rất cạnh tranh, thậm chí có thời điểm tiểu thương khuyến mãi sâu, bán đồng giá 10.000 đồng/đôi dép nhưng lượng khách đến vẫn èo uột, nhiều sạp đã đóng cửa.

Theo bà Hà, những sản phẩm trên tại chợ khó bán chủ yếu do đang chịu cạnh tranh rất lớn từ chợ online, đặc biệt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tràn về mọi ngõ ngách với đủ mọi chủng loại, giá khá rẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-4, quản lý một sàn TMĐT cho biết các chợ truyền thống, chợ sỉ có tiếng tại TP.HCM như Tân Bình, An Đông… nhiều năm trước có thể xem như “một tay che trời” khi tiểu thương gần như độc quyền trong việc nhập hàng thời trang các nơi về, đặc biệt là hàng Trung Quốc, sau đó bán sỉ, phân phối đi khắp nơi.

Tuy nhiên, những năm gần đây, kênh online phát triển quá nhanh, hàng bán qua các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok… đang tràn ngập, thì chính là lúc các chợ dần bị mất thị phần.

Cũng theo vị này, với tốc độ phát triển của kênh online như hiện nay, việc tiểu thương ngày càng gặp khó là điều không thể tránh, thậm chí sẽ “mất việc” sớm hơn dự báo. Do đó, tiểu thương, các cửa hàng nhỏ, thậm chí cả nền sản xuất hàng hóa cần thay đổi cách thức kinh doanh sao cho phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường.

Đánh thuế hàng nhập khẩu để cứu ngành sản xuất trong nước?
Theo khảo sát, hiện những món đồ giá trị nhỏ, từ vài nghìn đến 100.000 – 200.000 đồng/sản phẩm đang chiếm áp đảo trên kênh bán hàng online, thậm chí nhiều thời điểm có thể lên đến 70 – 80% trên các sàn TMĐT.

“Lượng sản phẩm nhiều, giá trị sản phẩm nhỏ, khâu giao hàng quá thuận lợi nên hàng nhập đang rất dễ bán ở kênh online, từ đó dễ dàng hạ bệ kênh bán truyền thống, hàng hóa được sản xuất trong nước. Do đó, việc xem xét đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ để cứu ngành sản xuất trong nước là điều cần thiết” – ông Ngô Văn Trọng, quản lý kênh bán hàng online tại TP.HCM, nhận định.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho biết thời gian qua có tình trạng “xé nhỏ” hàng hóa nhập khẩu để làm giảm giá trị hàng, nhằm hưởng chính sách miễn thuế VAT, càng đẩy lượng hàng giá trị nhỏ nhập về tăng bất thường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-4, ông Trần Đình Dũng, giám đốc Công ty Dasa Thảo Mộc (TP.HCM), cho biết không chỉ hàng tiêu dùng, ngay cả sản phẩm nông sản nhập khẩu hiện cũng được bán qua kênh online khá nhiều, khiến ngành sản xuất trong nước gần như không cạnh tranh được.

Cụ thể, như sản phẩm tỏi nhập từ Trung Quốc được người bán chia nhỏ ra và bán tràn ngập trên chợ mạng với giá phổ biến 30.000 – 70.000 đồng/kg tùy loại, bằng phân nửa hàng cùng loại trong nước, thậm chí có loại chỉ bằng 1/3.

“Việc đánh thuế, giám sát chất lượng hàng nhập khẩu hiện nay thế nào tôi không rõ, nhưng ít nhiều cần sớm có biện pháp để bảo vệ nền sản xuất trong nước, chứ không để hàng nhập tràn về dễ dàng như thế. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, nhiều nông dân, doanh nghiệp sản xuất sẽ khó sống được”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng việc đánh thuế VAT với phân khúc này sẽ làm hàng hóa nhập khẩu về tăng giá, từ đó giá bán ra sẽ tăng, ít nhiều gây khó khăn đối với người tiêu dùng.

Do đó, việc tính toán đánh thuế VAT đối với hàng nhập giá trị nhỏ cần xem xét nhiều chiều, có thể đánh thuế lên các sàn TMĐT hoặc những nhóm hàng, ngành hàng cơ bản mà trong nước sản xuất nhiều để vừa tăng thu ngân sách, hỗ trợ người tiêu dùng, vừa bảo vệ nền sản xuất trong nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới