Một quốc gia nhỏ bé, lại có sức mạnh răn đe cả siêu cường mạnh nhất thế giới, đó chính là những gì mà người ta nói về nền công nghiệp quốc phòng của Triều Tiên cùng loạt vũ khí mang sức mạnh hủy diệt, cội nguồn dẫn đến sự bất an của những láng giềng giàu có.
Đầu tiên, rất nhiều người cho rằng vũ khí Triều Tiên chỉ toàn là duyệt binh và cất trong nội địa, không đem ra thực chiến bao giờ, làm sao biết được hiệu quả. Thậm chí có người còn cho rằng Triều Tiên duyệt binh ban đêm là vì vũ khí của họ chỉ là hàng mã trưng bày mà thôi. Tuy nhiên, nhận định như vậy đương nhiên là sai lầm. Không phải tự nhiên mà Hoa Kỳ phải ra lệnh cấm xuất khẩu vũ khí với Triều Tiên. Mặc dù cấm vận, nhưng vũ khí Triều Tiên vẫn hiện diện và chạy ầm ầm trên khắp thế giới. Đây là một trong những nguồn thu chính giúp Triều Tiên đứng vững trước cơn sóng gió cấm vận của Mỹ và đồng minh.
Triều Tiên phát triển vũ khí không chỉ là để trang bị mà từ lâu họ đã biết kiếm lợi lời từ vũ khí, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988. 90% vũ khí xuất khẩu của Triều Tiên được chuyển tới Iran. Những năm sau đó, Bình Nhưỡng đã phát triển công nghệ hạt nhân, tên lửa với doanh thu chỉ riêng từ xuất khẩu tên lửa đã đạt 560 triệu đô trong năm 2001.
Liên Hiệp Quốc đặt lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu vũ khí từ năm 2006. Thế nhưng, điều này là vô dụng khi họ có thể dễ dàng né được nó, vì đơn giản nước Mỹ có quá nhiều kẻ thù. Cho tới ngày hôm nay, người ta vẫn có thể dễ dàng thấy những vũ khí có xuất xứ từ Triều Tiên trong tay các lực lượng trên khắp thế giới, từ quân đội của các chính phủ châu Phi cho tới những tổ chức chống đối như Houthi, Hezbollah…
Trong báo cáo mới nhất trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các thanh sát viên độc lập đã tuyên bố là đã tìm thấy bằng chứng về hơn 40 chuyến hàng linh kiện vũ khí bí mật được chuyển từ Triều Tiên sang trung tâm nghiên cứu khoa học Syria, đơn vị được cho là quản lý chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Damascus. Báo cáo còn dẫn thông tin từ một quốc gia dấu tên, trình báo rằng có chứng cứ cho thấy rằng Myanmar cũng tiếp nhận các hệ thống tên lửa đạn đạo cùng nhiều loại khí tài khác như bệ phóng đa nòng và tên lửa đất đối không từ Triều Tiên. Theo các chuyên gia và giới tình báo phương Tây, đây chỉ là hai trong số hàng loạt các khách hàng vũ khí của Triều Tiên bất chấp các lệnh cấm vận từ Liên Hiệp Quốc.
Hồ sơ từ cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho thấy rằng, Triều Tiên nổi lên là một nước xuất khẩu vũ khí vào khoảng năm 1980, chủ yếu xuất khẩu vũ khí đơn giản và rẻ tiền sang các nước đang phát triển hoặc bất ổn. Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006, Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết là cấm nước này xuất khẩu nhiều loại vũ khí và công nghệ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn phát triển mạng lưới buôn bán vũ khí chặt chẽ, đầy tinh vi, trong đó thông qua các sứ quán hoặc bắt tay với các cá nhân và tổ chức nước ngoài để dựng nên các công ty bình phong, làm giả giấy tờ, xóa dấu vết nguồn gốc lô hàng.
Tháng 10/2017, một sự kiện gây chấn động đã xảy ra. Theo tờ Washington Post, Washington đã gửi thông cáo bí mật tới Cairo cảnh báo về một chiếc tàu bí ẩn đang di chuyển về kênh đào Suez. Thông báo cho biết chiếc tàu lớn này có tên là Jie Shun. Mặc dù cắm cờ Campuchia, thế nhưng lại khởi hành từ Triều Tiên, trên tàu cũng có một thủy thủ đoàn Triều Tiên và chở một lượng hàng hóa chưa rõ là gì, được phủ bằng vải bạt chống nước.
Với nguồn tin mật báo, hải quan Ai Cập đã đón lõng khi tàu hàng này đi vào hải phận của họ. Sau khi ập lên tàu, họ phát hiện một lượng lớn gồm 30.000 súng phóng lựu được che giấu bên dưới những thùng quặng sắt. Vụ việc này sau đó đã được báo cáo của Liên Hiệp Quốc mô tả là vụ thu giữ vũ khí lớn nhất trong lịch sử áp đặt các lệnh trừng phạt với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Tuy nhiên, ai là chủ nhân của số vũ khí kỷ lục này? Bí mật cuối cùng của tàu Jieshun rốt cuộc phải mất tới vài tháng sau đó mới được khám phá và có lẽ cũng là bất ngờ lớn nhất đối với tất cả mọi người: bên mua số vũ khí đó lại chính là những người Ai Cập. Điều tra của Liên Hiệp Quốc đã phanh phui một kế hoạch thu xếp phức tạp, mà trong đó các doanh nhân Ai Cập một mặt đã bỏ hàng trăm triệu đô la để mua tên lửa Triều Tiên cho quân đội nước họ. Mặt khác, cũng phải ra sức giấu diếm giao dịch này.
Như vậy đấy, chất lượng vũ khí của Triều Tiên chắc chắn không phải dạng xoàng, nên mới có nhiều nước bất chấp như vậy.
T.P