Một số đồng minh hoài nghi về việc chấp nhận Ukraine giữa một cuộc xung đột vũ trang, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói.
Ukraine cần đánh bại Nga trên chiến trường để được gia nhập NATO, Tổng thống Vladimir Zelensky tuyên bố. Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu trước đó đã nói rõ rằng Kiev không thể trở thành thành viên trong khi xung đột vẫn đang tiếp diễn.
“Tôi tin rằng chúng ta sẽ chỉ ở trong NATO nếu chúng ta giành chiến thắng. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ được nhận vào NATO giữa lúc chiến tranh”, ông Zelensky phát biểu trong cuộc gặp với một nhóm sĩ quan quân đội ở Kiev hôm 1/5.
Ông giải thích rằng việc kết nạp Ukraine sẽ cần có sự đồng thuận nhất trí của 32 thành viên NATO.
Ông Zelensky lập luận rằng một số thành viên không muốn thừa nhận Ukraine trong bối cảnh xung đột vũ trang đang diễn ra vì “họ cảm thấy rủi ro, trong khi những thành viên khác chỉ đơn giản là hoài nghi. Vì vậy, để Ukraine được chấp nhận vào liên minh, chúng ta cần chiến thắng”. Ông thêm rằng tư cách thành viên cuối cùng sẽ đảm bảo an ninh và độc lập của Ukraine.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022. Mặc dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các thành viên riêng lẻ đồng ý rằng một ngày nào đó Ukraine sẽ trở thành một phần của NATO, thì Kiev vẫn chưa được trao cho một thời gian biểu cụ thể. Các nhà quan sát cho rằng nước này sẽ không được gia nhập cho đến khi xung đột với Nga được giải quyết.
Ông Stoltenberg, người đã đến thăm Kiev trong hôm đầu tuần này, thừa nhận với Reuters rằng sự chậm trễ trong việc chuyển giao vũ khí như đã hứa đã “gây tổn hại đến niềm tin” giữa Ukraine và các nước ủng hộ.
Trong khi EU đang chật vật tìm đủ vũ khí và đạn dược để phục vụ nhu cầu của Ukraine, gói viện trợ của Mỹ đã bị mắc kẹt nhiều tháng tại Quốc hội do tranh cãi. Sự chậm trễ này làm dấy lên lo ngại ở Kiev, khi ông Zelensky công khai cảnh báo rằng Ukraine sẽ thua nếu tình trạng thiếu đạn dược không được khắc phục.
Giới chức Ukraine đã đổ lỗi cho việc giao hàng chậm là nguyên nhân dẫn đến cuộc phản công thất bại năm ngoái, cũng như việc để mất nhiều thành phố phía đông vào tay quân đội Nga gần đây.
Về phần mình, Nga cho rằng việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và sự hợp tác quân sự của khối này với Ukraine là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột. Moscow coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và khẳng định Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập.
T.P