Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGánh nặng trên vai ông Tập trong chuyến thăm châu Âu

Gánh nặng trên vai ông Tập trong chuyến thăm châu Âu

Ngày 5/5 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm châu Âu. Trong chuyến thăm kéo dài hơn 10 ngày nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ thăm Pháp, Liên minh châu Âu (EU), kế đến là Serbia và Hungary.

Gần nhà xa ngõ. Phải đến hơn 5 năm, ông Tập mới ra khỏi biên giới để đến với châu Âu, do dịch Covid-19 hoành hành. Ông đi vừa để đáp lễ với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, vừa là để bàn những vấn đề hệ trọng góp phần “thay đổi thế giới”, nhất là gỡ bí cho cuộc chiến Nga-Ukraine.

Nói là “đáp lễ”, là vì, vào tháng 4/2023, tròn một năm trước ông Macron đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm này Tổng thống Pháp nói rằng, rất trông đợi vào ông Tập, làm sao để “Moscow tỉnh táo về vấn đề Ukraine”.

Vẫn biết, tháng 5 này, Paris trời trong mây sáng, Macron trải thảm đỏ chào chào đón ông Tập, thế nhưng cuộc đối thoại song phương sẽ chẳng dễ dàng gì, vì mỗi người theo đuổi một mục đích khác nhau. Chuyến thăm của ông Tập chẳng khác nào phép thử mối quan hệ “không giới hạn” với Nga. Ông Tập có nói điều gì với ông Macron cũng phải dè chừng cái bóng của ông chủ Điện Kremlin Putin. Nhất là khi Tổng thống Nga Putin dự kiến sẽ đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 5 này.

Thật ra mục đích lớn nhất của Tập Cận Bình trong chuyến thăm nhằm hướng đến cái đích lớn hơn. Cái đích ấy là: Tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế ở châu Âu để làm đối trọng với mối quan hệ khó khăn với đối thủ đáng gờm Mỹ. Bắc Kinh hiểu rất rõ Pháp là quốc gia ủng hộ Ukraine từ đầu chí cuối. Còn Serbia và Hungary là những quốc gia có mối quan hệ rất chặt chẽ với Moscow. Vào hang cọp mà để cọp vồ là hết chuyện. Thế mới thương ông Tập phải gánh cái gánh quá nặng.

Biết đâu đấy, với tài ngoại giao của Macron, ông Tập có thể bị thuyết phục để từ bỏ mối liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin? Bởi Nga và Trung Quốc cũng chỉ là những mối liên hệ mang tính giai đoạn, vì lợi ích nhất thời, vì cần gắn kết với nhau để chơi lại Mỹ.

Theo kế hoạch ngày 6/5, cả hai ông Tập Cận Bình và Macron sẽ hội đàm với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Vâng, Leyen chính là tác giả vở kịch, giao cho Bắc Kinh vai diễn hối thúc Nga nỗ lực chấm dứt chiến sự tại Ukraine. Thế mới hóc xương cho ông chủ Trung Nam Hải.

Gánh nặng mà ông Tập muốn san sẻ là mong nhà lãnh đạo EC và Pháp giúp Trung Quốc sẽ chống lại một loạt cuộc điều tra do khối này tiến hành nhằm vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Đó là lĩnh vực sản xuất tấm pin mặt trời và trợ cấp xe điện; đó là hoạt động mua sắm trong lĩnh vực thiết bị y tế. Bắc Kinh đã chỉ trích các động thái trên là “chủ nghĩa bảo hộ”.

Hiện tại Trung Quốc đang gặt hái nhiều thành tựu to lớn ở lĩnh vực lắp đặt tấm pin mặt trời, với số lượng vượt trội so với Mỹ. Đáng chú ý, xuất khẩu tấm pin mặt trời của Trung Quốc đã tăng 38%, trong khi xuất khẩu các linh kiện chính gần như tăng gấp đôi. Đây là dấu hiệu sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Bắc Kinh nêu thông điệp: “Bộ ba công nghiệp mới” – tấm pin mặt trời, ô tô điện và pin lithium – đã thay thế “bộ ba cũ” là quần áo, đồ nội thất và thiết bị. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang cố gắng khôi phục hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo và giúp các công ty thoát tình trạng phá sản.

Mặc cho Bắc Kinh chỉ trích các động thái của Liên minh châu Âu là “chủ nghĩa bảo hộ”, nhằm cản trở Trung Quốc, theo các nhà bình luận, Pháp chính là bức tường đứng sau các kế hoạch của EC. Trung Quốc phải trả giá đắt vì đã tiếp sức cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

Sau chuyến thăm Pháp, ông Tập sẽ tới Serbia và sau đó là Hungary. Chuyến thăm thủ đô Belgrade của Serbia trùng với ngày kỷ niệm vụ NATO ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở đó vào năm 1999. Chủ tịch Trung Quốc sẽ gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orban – người theo chủ nghĩa dân tộc và phản đối lập trường chính thức của EU đối với Nga.

Ông Orban là người ủng hộ chính sách đối ngoại “Mở cửa phương Đông”, tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Nga và các nước châu Á khác. Trong những năm qua, tuy quy mô kinh tế nhỏ nhưng Hungary đã thu hút hàng loạt dự án lớn của Trung Quốc. Thủ tướng Hungary từng có một tuyên bố nổi tiếng: “Nền kinh tế toàn cầu cần được tổ chức phi ý thức hệ, theo hướng cùng có lợi”.

Vậy là chuyến đi khó khăn của ông Tập vẫn có chút thuận lợi ở chặng cuối, nhờ ở chính sách “Mở cửa phương Đông”. Có điều, trọng tâm của cuộc hành trình gai góc này đặt ở Pháp và EU. Nếu suôn sẻ thì mới tạo tiền đề cho chặng sau mang tính “ngoại giao hoa hồng” là chính.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới