Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKết bạn qua mạng Internet – Hiểm hoạ khôn lường với giới...

Kết bạn qua mạng Internet – Hiểm hoạ khôn lường với giới trẻ hiện nay

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỉ XXI, xã hội hiện đại ngày càng phát triển với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội.

Các chiêu trò lừa đảo và các hình thức tội phạm mới ngày càng gia tăng thông qua các ứng dụng hẹn hò, với độ tuổi người dùng ngày càng trẻ hoá.

Điều này mang đến những lợi ích không thể phủ nhận, thúc đẩy sự kết nối toàn cầu, giúp kiến thức và thông tin được chia sẻ, lan toả, dễ dàng tiếp cận tới nhiều đối tượng người dùng. Có thể nói, Internet đã giúp con người xoá bỏ khoảng cách, các quốc gia và nền văn hoá xích lại gần nhau hơn để cùng chung sống và phát triển. Tuy nhiên, chính những kết nối “ảo” này lại mang đến những tác hại khôn lường, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ. Trong số những tác hại này, phải kể đến việc gặp gỡ và hình thành các mối quan hệ tình cảm lệch lạc, dẫn đến nhiều hệ luỵ khôn lường về sức khoẻ, tính mạng cho chính những “người trong cuộc” và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội nói chung.

  1. Những điểm tích cực của mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò đối với người dùng trẻ tuổi

Sinh ra ở kỉ nguyên công nghệ lên ngôi với các ứng dụng điện thoại, mạng xã hội phát triển vượt bậc, hệ thế Gen Z (sinh năm 1997 – 2012) được kì vọng là những người đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ để kiến tạo những giá trị mới. Họ là thế hệ được tiếp xúc với Internet từ rất sớm, khi những thành tựu công nghệ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện và có nhiều tính năng ưu việt hơn so với thời đại trước. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, việc sử dụng Internet và mạng xã hội trong công việc và học tập đã ngày càng trở nên phổ biến. Điều này thậm chí đã được duy trì thành công ngay cả sau khi đại dịch đã kết thúc, đời sống trở lại trạng thái bình thường. Nhờ có mạng xã hội mà học sinh không cần đến trường vẫn có thể tiếp thu kiến thức, tương tác với giáo viên và các bạn cùng lớp. Thậm chí, những du học sinh cũng không cần di chuyển đến đất nước khác mà chỉ cần học tập qua một màn hình thu nhỏ, dựa trên nguồn tư liệu khổng lồ được lưu trữ trong các thư viện số hoá. Sự tiện lợi của Internet và sức mạnh của nó trong việc tạo ra các kết nối nhanh chóng đã giúp người trẻ nói riêng và toàn xã hội nói chung tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí trong công việc và học tập.

Không những thế, chính những trang mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò ngày nay còn trở thành cầu nối giúp các nam nữ thanh niên dễ dàng gặp gỡ, làm quen và tìm kiếm được người bạn đời của mình. Tinder – một trong những ứng dụng phổ biến nhất hiện nay, đã thống kê được khoảng 40% cặp đôi đã được tác hợp thông qua ứng dụng này. Năm 2019, một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Imperial College và ứng dụng hẹn hò eHarmony đã cho biết, với mức độ tăng trưởng của mạng Internet và các kết nối qua ứng dụng, mạng xã hội hiện tại, đến năm 2037, hầu hết trẻ em được sinh ra ở Anh đều sẽ là từ các bậc cha mẹ đã gặp gỡ nhau qua mạng. Tại Việt Nam, các trang mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò cũng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng trong những năm gần đây. Tinder được xem là ứng dụng phổ biến nhất với hơn 70% thị phần, kế đó là Bumble (10%) và Facebook Dating (8%)… Tính đến tháng 3/2023, ở nước ta đã có hơn 15 triệu người sử dụng Tinder, chủ yếu thuộc độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi. Có thể nói, những ứng dụng hẹn hò này sẽ còn tiếp tục phát triển và trở thành một xu hướng quyết định việc gặp gỡ, yêu đương và kết hôn của người trẻ trong thời gian sắp tới.

  1. Những mặt tối trong văn hoá kết nối và hẹn hò qua mạng

Mặc dù thế mạnh và ưu điểm của mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò là khả năng kết nối, cho phép người dùng tìm kiếm các mối quan hệ phù hợp với nhu cầu, mong muốn của bản thân, song cũng chính những ứng dụng này lại tiềm tàng nhiều rủi ro cho người dùng và cho xã hội. Cụ thể, những quy định lỏng lẻo mà nhà sản xuất đặt ra khiến bất cứ ai cũng có thể đăng nhập và tạo tài khoản với thông tin chưa được kiểm chứng. Người dùng có thể “khai khống” độ tuổi, sử dụng hình ảnh giả mạo… để lập ra một hồ sơ “ảo” và thực hiện những ý đồ vi phạm pháp luật. Điều này kéo theo hệ quả là việc hình thành những mối quan hệ không lành mạnh trong cộng đồng người dùng, đặc biệt là người dùng vị thành niên, dẫn đến những hệ quả khôn lường.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew Research (Hoa Kỳ), 38% người hẹn hò trên các trang mạng và ứng dụng trực tuyến nhận được tin nhắn khiêu dâm không mong muốn. 24% người tham gia khảo sát bị lăng mạ, xúc phạm trong quá trình trò chuyện, tìm hiểu đối phương. 6% người dùng gặp phải các mối đe dọa, tổn hại về thể chất khi gặp gỡ các đối tượng hẹn hò. 52% báo cáo rằng họ đã gặp phải ít nhất một vụ lừa đảo qua những ứng dụng nói trên, với các mức độ thiệt hại khác nhau.

Mạng xã hội cũng là nơi tuyên truyền và lan toả các thông tin, quan niệm sai lệch về giới tính, khiến người trẻ hình thành cái nhìn lệch lạc, niềm tin mù quáng và dễ a dua theo những trào lưu mới nổi mà không hiểu được bản chất của chúng. Điển hình trong số đó là các trào lưu về người đồng tính, chuyển giới, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên… Những nội dung độc hại tràn lan trên mạng Internet cùng các rủi ro tiềm ẩn từ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò… đã gây ra những thiệt hại lớn cho người dùng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm, đồng nghĩa với việc loại bỏ mạng sống của 300.000 đứa trẻ mỗi năm. Trong số này 30% là phụ nữ từ 15 – 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. Có thể nói, chính việc không kiểm soát được những nội dung mà trẻ vị thành niên tiếp cận, cũng như các mối quan hệ được hình thành trên không gian mạng của các em, là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng này. Ở góc độ vĩ mô, nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sức khoẻ sinh sản và nòi giống của người Việt.

Không những thế, các kết nối qua mạng còn góp phần làm gia tăng và trẻ hoá tỉ lệ tội phạm tại Việt Nam hiện nay, khi các vụ án liên tục xảy ra mà trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân hoặc là đối tượng gây án, do những mối quan hệ nảy sinh từ mạng Internet.

Ngày 2/8/20203, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ hai đối tượng lừa đảo là Nguyễn Thành Thông (23 tuổi) và Lê Thị Mỹ Anh (17 tuổi, cùng quê An Giang). Hai người này đã bàn nhau sử dụng mạng xã hội để kết bạn, hẹn hò với các nam thanh niên, đàn ông, sau đó hẹn họ gặp gỡ để thực hiện hành vi cướp tài sản. Nạn nhân đầu tiên chính là anh Nguyễn Trọng Kha (21 tuổi, quê Hậu Giang), đã bị lừa ra bãi đất trống và bị đâm nhiều nhát để cướp tiền, dẫn đến tử vong.

Cuối năm 2023, vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng tại chùa Đông Lai, khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã gây rúng động dư luận. Cụ thể, vào ngày 4/12/2023, Huỳnh Ngọc Thiện (sinh ngày 19/4/2004 ở thôn La Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vốn quen em N.N.A (sinh năm 2007, ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) qua mạng xã hội, đã hẹn gặp A. tại chùa Đông Lai để nói chuyện. A. tới gặp Thiện cùng 5 người bạn khác. Trong lúc hai bên lời qua tiếng lại, Thiện đã dùng dao đâm N.N.A cùng các bạn là N.N.C.A, Đ.M.K, sau đó tự đâm vào ngực và cắt cổ tay. Đối tượng Thiện được cấp cứu kịp thời nên đã qua khỏi, song các nạn nhân N.N.A, N.N.C.A đã tử vong tại Trung tâm y tế thành phố Từ Sơn.

Gần đây nhất là trường hợp cháu T. (14 tuổi) mất tích từ ngày 15/2 đến ngày 21/2/2024 trên đường từ Hà Nam đến Bến xe Giáp Bát. Sau nhiều ngày không thể liên lạc được với cháu, gia đình đã nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc. Cuối cùng, cháu T. được phát hiện đang ở nhà một người bạn gái quen qua mạng xã hội tại Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội. Tiếp đó, T. lại đến nhà một người bạn khác tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, sau đó bán chiếc điện thoại di động của mình để tiêu xài.

Kể từ khi kết nối Internet toàn cầu vào năm 1997 đến nay, Việt Nam cũng đã ghi nhận một số vụ án bắt nguồn từ các mối quan hệ qua mạng. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, tần suất xuất hiện và mức độ nguy hiểm của các vụ án này càng nhiều, với tỉ lệ người liên quan ngày càng trẻ hoá, đã đặt ra một câu hỏi lớn về thực trạng xã hội hiện nay. Nó cho thấy việc giáo dục trẻ vị thành niên sử dụng Internet, mạng xã hội và các ứng dụng điện thoại đang gặp phải nhiều lỗ hổng và chưa bắt kịp được với tốc độ phát triển thực tế của công nghệ thông tin ở nước ta.

  1. Nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng trên

Nguyên nhân của thực trạng này bắt nguồn từ việc người trẻ được tiếp cận Internet từ rất sớm, song không được trang bị đầy đủ những kiến thức, kĩ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng chưa thực sự quan tâm sát sao tới con em mình. Nhà trường và xã hội cũng chưa có các biện pháp giáo dục và kiểm soát đủ mạnh với các trường hợp người vị thành niên sử dụng điện thoại và thiết bị điện tử cho những mục đích ngoài học tập. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, các cơ quan luật pháp của Nhà nước chưa hình thành được những quy định, chế tài cụ thể để giới hạn quyền truy cập các nội dung Internet của trẻ em và vị thành niên.

Đặc biệt, thông qua sự phát triển mạnh mẽ của Internet hiện nay, chủ nghĩa toàn cầu với việc phổ biến văn hoá tình dục, giới tính kiểu phương Tây đã và đang tác động mạnh mẽ đến quan điểm, tư tưởng, lối sống của rất nhiều người trẻ. Tại Việt Nam, các phong trào của người đồng tính, chuyển giới, trào lưu không kết hôn, không sinh con, chung sống không cam kết gắn liền với tự do tình dục, nạo phá thai, sinh con trước hôn nhân… cũng chính là hệ quả của thứ văn hoá mà phương Tây đang cổ vũ và lan toả trên toàn thế giới. Một mặt, lối sống này thúc đẩy quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân, song nó cũng gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng tới hành vi đạo đức của giới trẻ, và lâu dài sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực đối với chất lượng nòi giống, làm mai một bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc từ bao đời nay.

Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm, chú ý hơn tới việc đầu tư phát triển công nghệ thông tin để kiểm soát kĩ và loại bỏ các nội dung tuyên truyền, cổ suý cho lối sống lệch lạc về giới tính, tình dục buông thả kiểu phương Tây đang tràn lan trên mạng xã hội ngày nay.

Các nhà mạng, nhà sản xuất cũng cần bổ sung thêm những tính năng kiểm soát quyền truy cập và xác minh thông tin người dùng một cách chặt chẽ, chính xác, tránh tạo lỗ hổng cho kẻ gian và cả những người chưa đủ tuổi tham gia sử dụng các ứng dụng của mình.

Về phía Nhà trường và những người làm công tác giáo dục, cần sớm xây dựng một khung chương trình chung về hướng dẫn học sinh sử dụng Internet an toàn, kết hợp, lồng ghép với chương trình giáo dục giới tính, để người trẻ hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của bản thân khi tham gia không gian mạng, đồng thời biết cách tự bảo vệ mình và bạn bè cùng trang lứa trên môi trường Internet.

Bên cạnh đó, giáo dục từ gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lối sống của người trẻ. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm, trò chuyện để hiểu hơn về những tâm tư, tình cảm của con cái, thay vì phó mặc cho Nhà trường và xã hội. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng cần bỏ thói quen sử dụng điện thoại, máy tính… quá nhiều khi ở cạnh con, bởi điều này khiến trẻ học tập theo và rất dễ trở nên nghiện ngập những thiết bị này. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên phối hợp với Nhà trường để giáo dục trẻ sử dụng mạng Internet đúng cách, kiểm soát được những nội dung mà trẻ truy cập hằng ngày, những mối quan hệ của các em trên không gian mạng, từ đó có những biện pháp bảo ban kịp thời, giúp các em tránh được những mối nguy hiểm tiềm tàng và phát triển bản thân một cách tích cực hơn.

Cuối cùng, chính người trẻ – lực lượng tham gia vào không gian mạng đông đảo nhất hiện nay – cần nhận thức được độ tuổi của mình là độ tuổi “vàng” để mở mang kiến thức, trang bị các kĩ năng cần thiết cho cuộc sống sau này, do đó phải tận dụng thời gian để thực hiện các hoạt động học tập, trải nghiệm, giải trí lành mạnh. Đây không phải độ tuổi thích hợp để tìm kiếm các mối quan tâm khác. Do đó, các em cần tỉnh táo khi đứng trước những cám dỗ của mạng xã hội và các ứng dụng điện tử, chỉ sử dụng Internet vào những mục đích đúng đắn, tránh sa đà vào các mối quan hệ “ảo”.

Vẫn biết các quan điểm, lối sống kiểu phương Tây vốn đang rất thời thượng và được giới trẻ khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng. Song trước những thông tin như vậy, người trẻ Việt Nam cần tỉnh táo, suy xét kĩ lưỡng để lựa chọn cho mình một cách sống đúng đắn, cân bằng, hài hoà, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và giá trị cốt lõi của dân tộc. Việt Nam là một quốc gia luôn tôn trọng nhân quyền và tạo điều kiện cho người trẻ được thể hiện bản thân và cất lên tiếng nói của thế hệ mình. Tuy nhiên, mọi công dân Việt Nam đều phải thực hiện quyền tự do ấy trong một khuôn khổ pháp luật, đạo đức nhất định, tuân theo tôn ti, trật tự của xã hội Việt Nam – một xã hội đề cao truyền thống gia đình với các thế hệ tiếp nối. Do đó, để xây dựng cho người trẻ nhãn quan lành mạnh về các mối quan hệ tình cảm, đặc biệt là mạng lưới quan hệ rất phức tạp qua mạng Internet, cần cân nhắc rất kĩ trước khi hợp pháp hoá những kiểu quan hệ mới như chung sống không hôn thú, hôn nhân đồng tính… Bởi việc công nhận những quan hệ này bằng luật pháp sẽ biến nó trở thành một vấn đề phổ quát, có tính quốc gia. Như vậy, văn hoá và lối sống của người Việt chắc chắn cũng sẽ thay đổi, không còn gìn giữ được bản sắc riêng nữa.

Tóm lại, nếu các nhân tố trên đều nhận thức và làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, chắc chắn không gian mạng tại Việt Nam sẽ trở thành một môi trường an toàn, một nơi lí tưởng để người trẻ phát huy năng lực, hoàn thiện bản thân. Những công dân tương lai chỉ có thể cống hiến những giá trị tích cực cho quá trình hội nhập và phát triển đất nước, khi họ là những người am hiểu, trân trọng, gìn giữ, kế tục lối sống, văn hoá của cha ông, trong đó có văn hoá hôn nhân gắn liền với những mối quan hệ lành mạnh và các thế hệ tiếp nối truyền thống.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới